30 năm sự kiện Gạc Ma

Khúc tráng ca Gạc Ma ngày 14-3-1988

Trước ngày tưởng niệm 30 năm cuộc thảm sát của quân xâm lược Trung Quốc ở đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), thương binh Lê Minh Thoa tạm gác công việc bán phở của mình ở TP Quy Nhơn (Bình Định), lên xe ra Đà Nẵng để thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh trong cuộc tàn sát ấy. “Tôi còn sống là quá may mắn! Bởi để chiếm các đảo của ta ở Trường Sa, quân Trung Quốc đã bất chấp tất cả, nã đạn vào tất cả!” - ông Thoa mở đầu dòng ký ức.

Cắm cờ chủ quyền giữa vòng vây kẻ thù

Đầu năm 1988, ông Lê Minh Thoa cùng nhiều đồng đội ở Hải đội 1 Lữ đoàn 125 hải quân được tăng cường sang tàu HQ-604 chở hàng, đưa quân ra Trường Sa, tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trong một lần về Phú Yên dự ngày giỗ chung các đồng đội đã hy sinh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, hiện công tác tại Bộ tư lệnh hải quân, đau đáu kể lại những giờ phút oanh liệt của cuộc chiến bảo vệ đảo. Lúc ấy, bất chấp sự khiêu khích của tàu địch, chỉ huy tàu HQ-604 cho lực lượng công binh bốc dỡ vật liệu xây dựng, hàng hóa để đưa xuống đảo chìm Gạc Ma.

Thấy vậy, lúc hơn 17 giờ cùng ngày, nhiều tàu hải quân Trung Quốc ầm ầm chạy đến vây ráp đảo. Một tàu khác của Trung Quốc áp sát tàu HQ-604, dùng loa khiêu khích, đe dọa.

“Lúc này, thuyền trưởng tàu HQ-604, Đại úy Vũ Phi Trừ, nhận lệnh khẩn trương cho chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 0 giờ ngày 14-3-1988. Đến gần nửa đêm, khi thủy triều xuống, một số chiến sĩ lên đảo khảo sát, cắm cờ Tổ quốc rồi trở về tàu. Cờ chủ quyền đã được đặt lên đảo đúng như mệnh lệnh”.

Các cựu chiến binh Trường Sa xem lại bản đồ về trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Ảnh: TẤN LỘC

Hiên ngang trước họng súng quân xâm lược

Trong lần về thăm các đồng đội của mình ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), cựu binh Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh) đã khóc nghẹn trước anh linh các liệt sĩ khi nhớ lại trận quyết tử hôm đó. Ông Thảo kể: “Khoảng 5 giờ sáng, năm xuồng nhôm cùng hàng chục lính hải quân Trung Quốc tiến vào đảo Gạc Ma. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ phát lệnh sẵn sàng chiến đấu”.

Ngay sau khi nhận lệnh từ chỉ huy tàu HQ-604, Thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Lê Hữu Thảo cùng ba đồng đội khác rời tàu, bơi vào bãi đá Gạc Ma để bảo vệ cờ Tổ quốc. Lúc này, hàng chục lính Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nặng nhảy xuống từ ba tàu lớn cũng ồ ạt đổ bộ lên Gạc Ma. “Chúng hung hãn chĩa thẳng súng vào các chiến sĩ của ta đang cầm giữ cờ Tổ quốc. Dù vậy, các chiến sĩ ta vẫn đứng yên, tay vẫn giữ chặt cờ. Thấy vậy, chúng điên tiết bắn thẳng vào chúng tôi” - ông Thảo hồi tưởng.

Ông Nguyễn Văn Lanh kể tiếp: Khi thấy nhiều lính Trung Quốc tiến vào đảo, bao vây các chiến sĩ của ta đang giữ cờ Tổ quốc, Đại úy Vũ Phi Trừ ra lệnh cho các chiến sĩ khác tiếp tục rời tàu, bơi vào đảo yểm trợ đồng đội bảo vệ cờ.

Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 4 hải quân, nói rằng có lẽ hình ảnh hy sinh oanh liệt của Thiếu úy Trần Văn Phương đã làm bùng cháy niềm tin, tiếp thêm ý chí cho đồng đội của mình. “Dù máu chảy loang đỏ mặt nước, Thiếu úy Phương vẫn cố giữ cờ. Câu nói “Các đồng chí hãy quyết tâm giữ cờ, giữ đảo!” trước khi gục xuống của Thiếu úy Phương đã khiến nhiều đồng đội tiếp tục lao tới, tự biến mình thành cột cờ sống giữa biển, bất chấp mưa đạn từ lính Trung Quốc. Từ đó, hàng chục chiến sĩ đứng kề vai nhau, tạo thành một vòng tròn vây quanh lá cờ đỏ sao vàng trên bãi đá Gạc Ma, ngăn chặn những kẻ xâm lược đang hung hãn tiến vào” - Đại tá Trần Minh Cảnh kể.

Cuộc tàn sát dã man

Trước những cơn mưa đạn của kẻ thù, chiến sĩ Lê Hữu Thảo cũng lặn ngụp xuống biển để tránh. Khi tiếng súng tạm ngớt, ông Thảo cùng một số chiến sĩ đẩy xuồng dùng vận chuyển vật liệu đi tìm cứu vớt đồng đội. Khi thấy xuồng của ta treo cờ chữ thập đỏ đi tìm kiếm chiến sĩ, làm nhiệm vụ cứu thương, các tàu chiến Trung Quốc vẫn liên tục nổ súng ngăn cản. “Chúng đi canô, cầm cây dài có gắn lưỡi lê hoặc móc nhọn đâm vào các chiến sĩ ta đã chết hoặc bị thương đang trôi dạt. Mục đích của chúng là cố giết chết tất cả. Đó là một cuộc tàn sát dã man!” - ông Thảo nghẹn ngào. 

Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc

Cũng theo Đại tá Cảnh, sau khi dàn quân bắn như mưa vào các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ đá Gạc Ma, Trung Quốc đưa hàng trăm lính vũ trang tràn lên chiếm đảo. Tiếp đó, ba tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo hạng nặng vào hai tàu HQ-604, HQ-605 đang đậu gần đó.

Đang xếp hàng trên tàu HQ-604, chiến sĩ Lê Minh Thoa thấy đạn ầm ầm bay đến từ tàu Trung Quốc. Một quả đạn găm vô buồng máy, lửa bùng lên ngay khi ông Thoa vừa bước xuống để kiểm tra máy. Dù bị thương do trúng đạn ở chân và bị bỏng ở lưng nhưng ông Thoa vẫn cố tập trung chữa cháy tàu. Thế nhưng tàu HQ-604 tiếp tục hứng chịu hàng loạt đợt đạn của địch, bị thủng nhiều chỗ, hỏng nặng rồi chìm dần.

“Tôi thoát ra khỏi tàu, chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng mà tôi không bao giờ quên được. Từ các tàu lớn, quân Trung Quốc thả canô xuống, cứ ba người một chiếc, một người cầm lái, hai người còn lại cầm súng liên tục xả đạn vào các chiến sĩ ta đang trôi dạt trên biển” - ông Thoa kể trong uất hận.

Hai tay ôm hai trái bí xanh có được từ tàu HQ-604 bập bềnh trên nước với cái lưng bị bỏng, tay, chân phải đều bị thương, ông Thoa trải qua những phút giây cực kỳ căng thẳng. Mỗi khi thấy canô của quân Trung Quốc đi về phía mình, ông lặn xuống nước…

Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc kể từ ngày đó.

Các anh vẫn sống cùng non sông

Sáng 13-3, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma.

Ngay từ sớm, đông đảo gia đình liệt sĩ cùng các cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc từng công tác, chiến đấu tại quần đảo Trường Sa đã có mặt tại khu vực vịnh Đà Nẵng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Cựu binh Trần Văn Tiến, thành viên Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa, cho biết bắt đầu từ năm 2010, khu vực nhà anh ngay cạnh vịnh Đà Nẵng đã trở thành nơi cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Khúc tráng ca Gạc Ma ngày 14-3-1988 ảnh 2
Lễ cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma. Ảnh: TÂM AN

Chiều 13-3, buổi lễ cầu siêu tâm linh tiếp tục diễn ra, đến 16 giờ thì những cựu binh Trường Sa thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại vịnh Đà Nẵng.

Sáng nay, 14-3, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma- Trường Sa và tri ân 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma.

TÂM AN

Trong nhà tù

Khúc tráng ca Gạc Ma ngày 14-3-1988 ảnh 3
Cựu binh Lê Minh Thoa

Cựu binh Lê Minh Thoa kể: Chiều 14-3-1988, khi đang cố bám hai quả bí xanh trôi dạt trên biển với cái lưng rát cháy vì bị bỏng, ông mừng khôn xiết khi nhìn thấy một chiếc tàu từ phía xa tiến lại. Ông ngỡ đó là tàu của Việt Nam. Đến khi tàu thả xuồng xuống, chiếc tàu xoay ngang, ông Thoa lạnh người khi nhìn thấy dòng chữ Trung Quốc.

“Vừa thả tôi lên tàu, chúng đánh tôi tối tăm mặt mũi, tôi không biết gì nữa. Tôi nhìn thấy tám đồng đội từ các tàu HQ- 505, HQ-605 cũng bị trói nằm lăn lóc” - ông Thoa kể.

Đến năm 1991, sau hơn ba năm bị giam cầm ở Trung Quốc, chín người lính Việt Nam mới được trao trả, trở về Tổ quốc mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm