Kỳ bí ở "Thung lũng mất tích": “Hẻm núi chết”

Có lẽ những bí ẩn sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi nếu không có một ngày cha con già A Mướt ở làng Tu Chiêu A phát hiện xác một chiếc máy bay rơi trong rừng rậm giữa thung lũng Ngọc Rêu.

Những chuyến bay mất hút

Nhà của già A Mướt nằm chênh vênh trên đỉnh của làng Tu Chiêu A. Bây giờ tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn rắn rỏi, tinh tường từng cánh rừng, con suối. Người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh xem ông như một “chiến binh rừng rậm”.

Tháng 4-2006 ông cùng người con trai út là A Pa quyết định đi sâu vào thung lũng Ngọc Rêu để tìm sâm Ngọc Linh. A Pa, 19 tuổi, cao lừng lững, cùng cha đi vòng qua ba ngọn núi, vượt bảy dốc cao mới đến được “rừng sâm”.

Già A Mướt kể: “Hôm đó trời đang nắng bỗng tối sầm. Mưa trời gió xoáy ầm ầm kéo đến. Cây rừng gãy đổ. Hai cha con tìm đường vào hang đá để trú ẩn thì bất ngờ đi thẳng vào trong khoang một chiếc máy bay”. A Mướt sững sờ khi phát hiện bên trong chiếc máy bay còn nguyên súng ống và cả lựu đạn chưa nổ. Cánh máy bay gãy, cách đó chừng chục mét là những cánh quạt, chong chóng, bình điện... vương vãi khắp nơi.

Nhận được tin báo, huyện đội Đắk Glei rồi tỉnh đội Kon Tum khẩn cấp cử công binh vào hiện trường khảo sát vụ việc. Tại cơ quan quân sự huyện Đắk Glei, trung tá A Âu - phó chỉ huy cơ quan quân sự huyện, cho rằng: “Nhiều khả năng đó là chiếc máy bay trinh thám của Pháp bị rơi trong chiến tranh khi bay ngang thung lũng.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn không biết đó là loại máy bay gì và vì sao bị rơi bởi đã quá lâu. Chỉ biết sau khi phát hiện, chúng tôi tìm thấy bốn chiếc mũ phi công còn khá nguyên vẹn nằm ngay ngắn trong khoang lái”.

Nhưng người tận mắt chứng kiến những chiếc máy bay “biến mất một cách khó hiểu” có lẽ là A Á (70 tuổi, làng Kung Rang), nguyên bí thư xã Ngọc Linh. Trong chuỗi ký ức của một thời lửa đạn, ông A Á khẳng định: “Rất nhiều máy bay thời chiến của Mỹ đã mất hút trong thung sâu này một cách khó hiểu”.

Rồi ông kể lại: “Một hôm tôi quan sát thấy hai chiếc trực thăng sau khi quần thảo, nhả đạn trên bầu trời Mường Hoong đã tìm cách bay về hướng căn cứ ĐắK Tô. Nhưng khi bay ngang thung lũng Ngọc Rêu, bất thần một chiếc đảo chiều rồi bổ nhào xuống rừng rậm mất hút. Chiếc còn lại mất phương hướng, bay loạng choạng rồi nghe đâu cũng đâm sầm xuống vùng núi giáp với Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam - PV)”.

Ông A Á còn kể vào một buổi chiều cuối năm 1966, khi đang đứng trên đồi Tha Cao ông nhìn thấy một chiếc máy bay bay từ hướng Kon Tum ra biển Đông, “nhưng chỉ vài phút sau đã tự đâm đầu vào núi rồi mất hút”.

Kỳ bí ở "Thung lũng mất tích": “Hẻm núi chết” ảnh 1

Cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng chỉ tọa độ “hẻm núi chết” ở bản đồ bay trong chuyến bay chở hàng cứu trợ lên vùng núi Tây Trà - Ảnh: Đ.Nam

“Hẻm núi chết”

Nằm ở độ cao 2.598m, núi Ngọc Linh được ví như là mái nhà của miền Nam. Vì thế, hệ núi này chứa đựng trong nó rất nhiều hình thái đa dạng đặc trưng của khí hậu vùng nhiệt đới. Những thảm rừng già nằm dưới chân Ngọc Linh rộng hàng trăm ngàn hecta trải dài từ Tu Mơ Rông, Kon Plong (Kon Tum), đến giáp với Nam Trà My của Quảng Nam hiện vẫn chứa đầy những bí mật...

Trầm ngâm bên ly trà nóng tại nhà riêng ở thị trấn Đăk Glei, nguyên chủ tịch huyện Đắk Glei, ông Đinh Thế Dơ (65 tuổi) nhớ lại: “Khoảng 1995-1996, lúc đó tôi còn là chủ tịch huyện, có nhận được một thông tin mật từ trên báo về có một máy bay nước ngoài cùng với hành khách và phi hành đoàn rơi trong thung lũng Ngọc Linh”. Ngay sau đó ông cử dân quân vào rừng tìm kiếm nhưng không phát hiện dấu tích.

“Từ đó đến nay tất cả đều mù mịt và số phận chiếc máy bay này vẫn còn trong bóng tối. Chỉ biết rằng sau đó huyện Đăk Glei tiếp rất nhiều đoàn khách nước ngoài xin đến Ngọc Linh với nội dung nghiên cứu hệ sinh thái động thực vật nơi đây. Họ mang theo rất nhiều thiết bị tìm kiếm. Không ngoài khả năng họ đi tìm tung tích chiếc máy bay rơi trước đó nhưng có lẽ thất bại” - ông Dơ hoài nghi.

Đem câu chuyện về những chiếc máy bay rơi bí ẩn ở Ngọc Linh, chúng tôi tìm gặp phi công dẫn đường - trung tá Lê Đức Lập (trung đoàn không quân 954, Sư đoàn không quân 372 tại Đà Nẵng).

Nghe xong câu chuyện, phi công Lập nhíu mày, không bình luận rồi anh kể cho chúng tôi nghe một chuyến bay mà chính anh là người dẫn đường khi bay qua thung lũng này cách đây năm năm: “Hôm ấy chúng tôi nhận được lệnh bay chở đoàn khảo sát chuẩn bị cho việc mở đường Trường Sơn Đông (tuyến đường nối Quảng Ngãi với Lâm Đồng - PV).

Sáng đó trời rất trong, gió giật dưới 8m/giây, điều kiện bay vô cùng lý tưởng. Tuy nhiên khi bay gần đến thung lũng bỗng dưng thân máy bay dùng dằng, giật mạnh như có ai đang cầm cánh bay quật ngang, đang ngồi tôi có cảm giác chiếc ghế chúi xuống phía núi. Tổ lái hôm đó đã lập tức đưa máy bay ra khỏi vùng gió lạ bằng cách vọt thẳng lên trời cao”.

Trải tấm bản đồ bay lên bàn rồi dùng ngòi bút đỏ khoanh tròn khu vực quanh đỉnh Ngọc Linh, thượng tá Nguyễn Việt Hùng, trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 954, bảo đây là “hẻm núi chết” nên rất nguy hiểm nếu máy bay tầm thấp bay qua khu vực này.

Theo thượng tá Hùng, đến tận giờ trên thế giới vẫn chưa có kết luận hay báo cáo khoa học nào chính thức để lý giải cụ thể về những “hẻm núi chết” này. Rất có thể do địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu nên tại những nơi này thường tạo ra những luồng gió “thăng giáng” (cao thấp) chênh nhau rất lớn. Khi máy bay bay qua vùng này nếu gặp đúng luồng gió đang “thăng giáng” thì hoặc sẽ bị nó dìm xuống hoặc bốc lên dẫn đến mất khả năng kiểm soát và tự động rơi xuống vực”.

Tháng 9-2008, trong một lần nhận lệnh bay chở hàng cứu trợ nạn nhân bão lụt của bạn đọc báo Tuổi Trẻ lên huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi), một vùng đệm nằm dưới chân núi Ngọc Linh về phía đông nam, sau nhiều giờ tính toán đường bay, tổ bay do cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng (trung đoàn trực thăng 954) quyết định phải bay vòng men theo sông thay vì bay cắt ngang qua thung lũng vốn rất rộng lớn này.

Cơ trưởng Hùng nói nếu bay theo đường thẳng, trực thăng sẽ qua “hẻm núi chết”, nơi mà các phi công luôn e ngại. “Anh em trong đơn vị luôn nhắc nhở nhau hết sức cẩn thận nếu có nhiệm vụ phải bay qua khu vực dưới chân Ngọc Linh này” - trung tá dẫn đường Lê Đức Lập nói vậy.

Theo TẤN VŨ - ĐĂNG NAM (TTO)

______________

Sống chênh vênh quanh những triền núi của Ngọc Linh, những tộc người như Xê Đăng, Giẻ Triêng, Châu...có một “bí kíp” chữa bệnh kỳ lạ - họ gọi đó là “thuốc giấu”. Nhưng rồi bí mật “thuốc giấu” bị phát hiện vào giữa thập niên 1980. Người miền xuôi ồ ạt đổ xô săn lùng. Những xáo trộn đã xảy ra với buôn làng.

Kỳ tới: Bí mật bị đánh cắp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm