Lá thư của con gái chín tuổi xin được ở với ba

Hai anh chị kết hôn từ năm 2002 và có ba con chung. Năm 2013, chị xin ly hôn vì không hòa hợp được với chồng. Tòa chấp nhận đơn, chị được nuôi đứa con trai út, hai đứa lớn (một trai, một gái) anh được quyền nuôi. Con gái của anh chị bị bệnh từ nhỏ, hằng tháng vào bệnh viện chạy thận. Muốn được ở bên chăm sóc con, chị đã làm đơn ra tòa để thay đổi quyền nuôi con.

Giành quyền nuôi con

Trong bản án ly hôn trước đó, tòa yêu cầu hai người phải tạo điều kiện để cả hai được thăm nuôi, chăm sóc các con. Thế nhưng theo lời chị thì từ ngày ly hôn đến nay, chị gặp con rất khó. Mỗi lần sang thăm con, cha mẹ anh đã không cho vào nhà lại mắng chửi. Chị mua quần áo, quà bánh đến cho con thì phải mang về. Các con chị dùng những lời lẽ thiếu văn hóa nói chuyện với mẹ. Chúng còn bảo chị không phải là mẹ. Nghe con nói mà lòng chị thắt lại. Thương con gái đang tuổi lớn, lại bị bệnh thận từ nhỏ nên chị muốn mình được trực tiếp nuôi và chăm sóc. Anh không phải cấp dưỡng nuôi con vì thu nhập của chị mỗi tháng 50 triệu đồng.

Anh không đồng ý vì cuộc sống của ba cha con đã đi vào nề nếp. Từ lúc ly hôn, anh vẫn làm tốt hai vai trò cho các con. Buổi sáng, cho con ăn sáng rồi đưa đi học anh mới đi làm. Chiều anh đón về. Tối dạy các con học bài. Cuối tuần chở các con đi chơi. Việc bé gái bị bệnh, anh cũng luôn ở bên chăm sóc, lo lắng cho con. Hằng tháng anh đưa con đi khám và chạy thận định kỳ. Đến nay sức khỏe của bé đã dần ổn định. Anh cũng chẳng cần chị chu cấp vì thu nhập anh mỗi tháng 60 triệu đồng.

Tòa khuyên anh hãy san bớt việc chăm sóc bé cho chị. Anh khẳng định không. “Lúc còn sống chung, các con còn nhỏ, cô ấy bỏ đi biệt, một mình tôi phải chăm con. Lúc ly hôn, tòa giao đứa nhỏ cho cô ấy nuôi tôi buồn lắm nhưng phải chịu vì cháu còn nhỏ. Hai đứa lớn sống với ba rất thương yêu nhau. Tôi không đành đoạn xa con”. Anh cũng thừa nhận cha mẹ mình có ngăn cấm chị vì sợ chị mang các cháu đi mất.

Tòa: Trẻ con không phải là trái bóng

Trước sự quyết liệt giành quyền nuôi con của hai người, vị chủ tọa đành phải đọc lá thư trải lòng muốn được sống với ba của bé gái viết gửi cho tòa. “Con chín tuổi rồi. Con yêu cả ba và mẹ. Ba mẹ ly hôn con đã buồn lắm. Con muốn nói rằng mình muốn sống trong gia đình có ba, có mẹ. Nhưng con bị bệnh nên chẳng làm gì được. Thời gian xa mẹ, ba đã yêu thương con, chăm sóc con, cho con học và chữa bệnh cho con. Bây giờ bệnh của con đỡ nhiều rồi. Nếu được chọn sống với ba hay với mẹ con sẽ nói mình muốn sống với ba”. Nghe đọc thư con gái viết, chị nén lòng đồng ý để bé sống với anh.

Tòa phân tích cho chị: “Trẻ con không phải là quả bóng để người này đá qua người kia đá lại, mà là hạnh phúc đơm hoa của tình yêu vợ chồng. Vì thế, khi ly hôn thì nên để tình cảm còn lại của mình cho con, đừng vì lòng ích kỷ, tự ti và cái tôi của mình mà gây nỗi đau cho chúng”.

Rồi vị chủ tọa cũng phân tích cho anh: “Anh thương con, chị ấy cũng thương con. Cả hai phải có trách nhiệm để cùng nuôi con trưởng thành. Giờ khi đã ly hôn, các con đứa sống với cha, đứa sống với mẹ, vì thế anh chị phải mang những điều tốt đẹp của cha, mẹ tâm sự với con. Đừng gây nên lòng hận thù cho con trẻ, nhất là với người đã sinh ra chúng”. Tòa cũng yêu cầu anh phải tạo điều kiện để hai mẹ con chị được gặp nhau.

Tôi biết trường hợp một bà mẹ trẻ không giành được quyền nuôi con sau khi cô ấy đã phải trải qua một kỳ điều trị sức khỏe tinh thần do quá căng thẳng trong cuộc sống và công việc. Lúc đó, theo lời khuyên của bác sĩ cũng như sự động viên của gia đình, chị để con ở lại gia đình chồng chăm sóc và mình về nhà cha mẹ một thời gian. Sau đó, người chồng đề nghị ly hôn và giành quyền nuôi con. Những lúc gặp nhau, qua lời con kể, chị biết rằng trong mắt con, chị là một người bệnh hoạn, không bình thường và phải tránh xa. Chị nói trong uất nghẹn rằng chị đã qua căng thẳng, vẫn làm việc bình thường, có kết quả điều trị và không phải là bà mẹ “kinh khủng” như vậy. Tại sao trong mắt con mình chị lại đáng sợ đến thế, tại sao chồng chị lại lấy điều này ra để tranh giành “nguyện vọng” của con? Sao không để con tự cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ rồi quyết định thay vì như hiện tại, cháu chỉ thấy sợ mẹ?… Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà tôi không thể dùng cơ sở pháp lý để có thể giải đáp được.

Thông thường ly hôn là lúc mâu thuẫn giữa vợ và chồng được đẩy lên đỉnh điểm, thậm chí người này nhìn người kia có thể trở nên xấu xa hơn bao giờ hết. Và khi đó, các bên thường không khéo léo khi “xả” hết những suy nghĩ tiêu cực này lên những đứa trẻ đáng thương, hay thậm chí dùng những điều đó như là cách có chủ đích để tranh giành quyền nuôi con. Biến những đứa trẻ non nớt thành nơi để tuôn vào những thông tin tiêu cực về cha hoặc mẹ chúng. Để rồi dù tòa có phán quyết bé ở với ai đi chăng nữa thì những vết hằn này, những tổn thương này vẫn sẽ theo bé trong suốt cuộc đời.

 Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như

Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định  về việc “trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn” thì “vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm