Lại cần người cất tiếng hỏi Ai vô tội hãy ném trước đi

Theo bình luận của Đài phát thanh BBC, bài hát Rainy Day Women của Bob Dylan với điệp khúc “ai cũng bị ném đá cả”, dẫn đến những cuộc tranh luận nhiều thập niên về việc đó là đề tài tôn giáo trong Cựu Ước hay chỉ là mô tả việc… hút cần sa. Hoặc cả hai? Trong bài Rainy Day Women, Bob Dylan lặp đi lặp lại động từ “cố” và điệp khúc “ai cũng bị ném đá cả”. Dylan cho loài người túi bụi ném đá lẫn nhau dù đang cố làm người tốt, đang chơi guitar, đang lái xe, đang ngồi ăn sáng, cố kiếm chút tiền còm, đi bộ dọc theo đường phố, thậm chí đang ngồi ở bàn rồi đi ra cửa trở về nhà cũng bị ném đá.

Người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị dân chúng dẫn đến hỏi Chúa Giê-su xem xử sao. Chúa phán: “Ai trong các ngươi vô tội thì hãy ném đá người này trước đi”.

Nỗi trăn trở này xuất hiện trong nhiều bài hát khác cùng thời. Có phải đó là dấu hiệu cảnh báo rằng “dù vật vã vươn lên cỡ nào thì guồng máy xã hội cũng bổ xuống đầu bạn những cú như trời giáng cho đến khi bạn chết thì giả bộ khóc thương ném thêm cú chót?”. Nhưng “ném đá” theo Kinh Thánh có nghĩa khác:

- Hình phạt 2.000 năm trước là ném đá cho tới chết. Đám đông đang định ném đá một phụ nữ bị kết án ngoại tình. Chúa lại gần người đàn bà, cúi mình xuống, viết trên cát “Ai vô tội hãy ném trước đi”. Đám đông do dự, cầm hòn đá trên tay nhưng không ai dám ném cả.

- Ẩn dụ thứ hai, theo người Do Thái: Đánh dấu ngôi mộ bằng những đống đá để mai mốt trở lại thăm. Hòn đá ghi nhận thời điểm và nơi chốn chia tay, hòn đá còn thì người chết vẫn sống mãi trong ký ức. Ngày nay, những viên đá đẹp từ Jerusalem gửi đi khắp thế giới để đặt ở mộ phần giúp người sống tin tưởng rằng người thân đang an nghỉ trong sự thánh thiện của đất Israel. Năm 2009, trao Nobel Hòa bình cho Tổng thống Obama dù ông mới nhậm chức được đúng một năm, Hàn lâm viện có ngụ ý ngăn cản Tổng thống Obama đừng như hai cha con cựu Tổng thống Bush mang quân làm cỏ khối Hồi giáo… mà sự thiệt hại cho thế giới còn tới ngày nay. Không rõ Tổng thống Obama hiểu thông điệp ấy thế nào nhưng trong nhiệm kỳ tám năm ông đã làm nhiều cử chỉ hòa bình dù bị mang tiếng hèn yếu.

Năm 2016, có lẽ thông điệp của Hàn lâm viện Thụy Điển khi trao giải thưởng văn chương cho một người chỉ mới viết được ba cuốn sách như Bob Dylan là từ hàng ngàn năm rồi chúng ta chưa thoát được trò ném đá. Vậy hãy chọn đi: Ném khi còn đang sống, ném cho tới chết, ném tiễn xuống mồ, ném mang theo kỷ niệm. Từ giải Nobel Hòa bình tặng Tổng thống Obama tới giải Nobel Văn chương tặng Bob Dylan, phải chăng thông điệp đầy tính ẩn dụ và bí mật của Hàn lâm viện Na Uy là “Nhớ rằng Chúa đang đền bù”. Nếu vậy lại cần một người cất tiếng hỏi câu hỏi 2.000 năm trước: “Ai không có tội hãy ném trước đi”.

Các tiêu chuẩn bầu chọn

Theo tiêu chuẩn của Hàn lâm viện Na Uy thì đối tượng của giải Nobel Văn chương có những tiêu chí sau:

1. Mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Đây là tiêu chuẩn cơ bản và đầu tiên.

2. Còn đang sống.

3. Không xem xét tới quốc tịch.

4. Đã cho ra đời các tác phẩm xuất sắc nhất.

5. Sáng tác “theo hướng lý tưởng” liên quan tới điều (1) ở trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm