Lần gần nhất bạn gọi cho bố mẹ cách đây bao lâu?

Một buổi chiều khi tôi trực tư vấn pháp luật miễn phí tại Đoàn Luật sư TP.HCM, có một cụ ông 86 tuổi, lưng đã còng tự đạp xe tìm đến xin được tư vấn ba vấn đề.

Thứ nhất là việc liên quan đến hiến xác;

Thứ hai là vấn đề gia sản, nhà cửa;

Và cuối cùng là làm sao để... bớt cô đơn.

Việc thứ nhất và thứ hai không khó để tư vấn giúp cụ. Nhưng làm sao để bớt cô đơn thì quả thật không dễ chút nào.

Lúc mới gặp tôi, cụ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện cụ cảm thấy rất cô độc, không còn muốn sống trên cõi đời này. Nghe vậy, tôi đã quyết định dành hơn một tiếng đồng hồ để lắng nghe câu chuyện của cụ.

Cụ kể cụ có vợ và hai người con. Hiện giờ hai cụ vẫn sống chung nhà, nhưng vì bất đồng quan điểm nên mỗi cụ sống riêng mỗi lầu. Hằng ngày, cụ phải tự lụi cụi nấu ăn, chăm sóc bản thân. Thi thoảng người con trai ở nước ngoài gọi điện thoại về hỏi thăm. Còn cô con gái, mang tiếng ở gần nhưng khi về nhà cũng chỉ ở tầng dưới với cụ bà, không bao giờ lên lầu hỏi thăm cha. Bạn bè của cụ người đã mất, người ở xa nên cũng chẳng có ai ghé thăm, trò chuyện.

Sau khi nghe cụ trút hết nỗi lòng, tôi đã chia sẻ và đưa ra vài gợi ý với mong muốn sẽ giúp cụ tìm được niềm vui trong quãng đời còn lại. Nghe xong, cụ tỏ ra rất vui, nói lời cảm ơn rồi ra về.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với các bạn bởi trong thực tế, cha mẹ khi về già thường hay tủi thân, có cảm giác như mình bị lãng quên, bị con cháu bỏ rơi.

Bởi vậy, cho dù có bận đến mấy, bạn cũng nên cố gắng thu xếp thời gian dành cho cha mẹ. Không cần cầu kỳ đâu, chỉ là lời thăm hỏi quan tâm, chỉ là vài phút bạn ghé về nhưng cũng đủ làm cha mẹ cảm thấy ấm lòng.

Còn nếu bạn ở xa, không thường xuyên về thăm nhà được thì hãy sử dụng điện thoại. Một cuộc gọi không dài nhưng đủ để cha mẹ bạn có được niềm vui...

Bạn có nhận thấy khi lớn lên, hầu hết con cái đều không nhận ra cha mẹ mình đang thực sự mong muốn điều gì đúng không?

Qua câu chuyện này, tôi tin rằng buổi chiều hôm ấy, nếu không phải là phiên tôi trực thì chắc chắn rằng bất cứ luật sư nào cũng sẽ ngồi nghe cụ tâm sự, chia sẻ. Cứ nghĩ tới dáng còng còng của cụ khi ra về tôi lại thấy ngậm ngùi, sau đó tự hỏi không biết sau này khi về già mình sẽ như thế nào?

Bạn ạ, trong một lúc nào đó, mỗi con người đều có những phút giây yếu mềm và buồn chán. Nếu lúc ấy có một ai đó chịu ngồi nghe bạn giãi bày, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được sự khủng hoảng tinh thần. Người chịu lắng nghe bạn có thể là bất kỳ ai, không nhất thiết phải là một nhà tâm lý học.

Khi trò chuyện với cha mẹ già, bạn hãy vượt qua rào cản khi cho rằng khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ ngăn trở cuộc nói chuyện. Hãy kiên nhẫn nhiều hơn bởi cha mẹ cũng từng rất dịu dàng với bạn đấy thôi.

Quan trọng hơn cả, bạn hãy ý thức rằng kinh nghiệm sống của những người già thực sự rất phong phú và hữu dụng. Biết đâu đấy, qua những cuộc trò chuyện như thế bạn sẽ vỡ ra được nhiều điều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm