Làng dậy từ 2 giờ sáng để xay bột, nhóm lò ở Đà Nẵng

Gần 2 tháng nay, ngày nào bà Trần Thị Nông 72 tuổi ở thôn Túy Loan Tây I (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng thức dậy từ 2 giờ sáng để xay bột, nhóm lò tráng bánh cho kịp bỏ bạn hàng dịp Tết.

Thức hôm dậy sớm

Với tay nghề gần 40 năm tráng bánh, bà Nông chia sẻ: “Để làm ra được 1 cái bánh tráng thơm ngon như vậy thì nguyên liệu chính là gạo Xiệc thêm gừng, mè, tỏi, nước mắm nguyên chất và đường, đặc biệt là phải tráng bằng lò củi và tráng đều tay.”

Bà Trần Thị Nông miệt mài tráng bánh phục vụ Tết từ sáng sớm. Ảnh: THANH TIỀN

Nhìn chiếc bánh được tráng trên lò củi một cách cẩn thận, tỉ mỉ cũng hiểu được phần nào sự gắn bó tận tụy với nghề của bà Nông. Để có được bột tráng bánh thì mỗi ngày bà Nông phải ngâm gạo từ 14 giờ chiều đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi ngày bà làm khoảng 2 ang gạo tương đương với 120 cái bánh cỡ lớn có đường kính 60cm. 

“Làm bánh tráng ni rất là nhọc công. Mọi năm, cứ vào tháng 11 âm lịch là tôi bắt đầu soạn bếp, chuẩn bị nguyên liệu để tráng bánh Tết. Bạn hàng cũng gọi tới gọi lui để dặn số lượng. Nhưng nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 tôi không dám làm nhiều vì sợ đầu ra không có. Chỉ làm phần mà bạn hàng đã dặn chắc chắn chứ không dám làm dư”, bà Nông vừa khuấy bột, vừa chia sẻ.

Trong căn nhà 3 gian của bà Nông nơi để bánh đã chiếm hết 1/3 căn nhà, bánh sống và bánh chín xen kẽ lẫn nhau. Bà đã chuẩn bị trên 100 cái mỗi phần để cho bạn hàng đến lấy. 

Bà Nông cho biết thêm, ngày thường bà nấu rượu, làm nông vì vậy bà chỉ tráng bánh vào dịp Tết. Một chục bánh sống loại lớn có giá 150.000 đồng, bánh nướng sẵn có giá 180.000 đồng nhưng bán chủ yếu là bánh nướng sẵn.

Bánh tráng được xông khô trên lồng than bằng tre sau khi tráng. Ảnh: THANH TIỀN

Khác với bà Nông, cụ Đặng Thị Túy Phong (83 tuổi ở thôn Túy Loan Đông 2) thì lò bánh tráng của cụ đỏ lửa quanh năm và đăng ký tham gia làng nghề để lưu giữ vị ngon đặc trưng của loại bánh tráng trứ danh này.

Trong không gian nhỏ phía sau nhà, ngày nào lò tráng bánh của gia đình cụ Phong cũng luôn đỏ lửa và rộn rã tiếng cười. 

Công thức làm bánh tráng ngon

Để có đầy đủ nguyên liệu dùng cho mùa Tết, gia đình cụ Phong trữ luôn một đống củi to trước nhà. Theo cụ Phong, làm bánh từ củi mới ngon chứ làm điện ai làm không được.

“Tui làm nghề ni sau giải phóng, chứ trước đó chỉ tráng ăn trong gia đình thôi. Tôi bắt đầu dậy từ 3 giờ sáng là ngồi tráng đến 10 giờ là xong 2 ang, mỗi ang 80 cái là thôi. Làm bánh tráng thì phải gạo Xiệc tráng mới được chứ mấy gạo khác không ngon”, cụ Phong bật mí.

Tay nhoay nhoáy tráng bánh, cụ Phong vừa chia sẻ, một ang gạo với 3 ký mè, nửa ký gừng, 3 lạng tỏi, nửa lít nước mắm loại ngon, muối, 1 ký rưỡi đường. Còn lại khách hàng yêu cầu như thế nào thì mình làm như thế.

"Có người bỏ đường có người không là quyền của họ, nhưng mình làm là phải theo công thức trên", cụ Phong nói.

Cụ Đặng Thị Túy Phong tỉ mỉ tráng từng cái bánh. Ảnh: THANH TIỀN

Khác với nơi khác, bánh tráng Túy Loan được tráng mỏng, có cả loại lớn và loại nhỏ, đều được người dân xông khô bằng lồng than chứ không phơi nắng. Những đốm than hồng được khui ra từ lò đem đặt dưới lồng tre để xông bánh. Mỗi chiếc bánh như vậy sẽ được xông từ 3 đến 5 phút và trở thật đều tay.

Nói về bánh tráng Túy Loan, chị Lê Thị Kim Yến (41 tuổi, người dân nơi đây) tự hào : “Tôi sinh ra thì đã có làng nghề bánh tráng truyền thống. Nói chung là tôi rất hãnh diện và tự hào vì quê có nghề này. Mong các hộ đang làm nghề bánh tráng truyền lại cho nhiều đời sau để giữ gìn nét văn hóa ẩm thực của làng mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm