Lộ trình tăng tuổi hưu mỗi năm 3 tháng

“Dự kiến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất có lộ trình tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam; đối với các đối tượng còn lại sẽ bắt đầu lộ trình tăng từ năm 2025” - đó là phương án vừa được đưa ra tại hội thảo đánh giá quy định về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động năm 2012 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Tăng có lộ trình, đặc thù công việc

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói: “Có người cho rằng việc tăng tuổi hưu lên là cần thiết nhằm tận dụng chất xám, lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu sẽ mất cơ hội của lao động trẻ. Vì chỉ sáu tháng đầu năm 2016, 191.000 cử nhân ra trường không có việc làm”.

Liên quan đến vấn đề các chuyên gia cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Lợi cho rằng: “Quỹ BHXH hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng. Người lao động đóng càng nhiều thì hưởng càng cao”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp là chủ trương đúng vì nó sẽ phù hợp với xu hướng tăng tuổi thọ. Tuy nhiên, đối với khu vực doanh nghiệp thì cũng cần tính đến phương án lựa chọn của người lao động và đặc biệt lộ trình phù hợp.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ tác động đến cân đối quỹ BHXH mà còn có tác động đến nhiều mặt như thị trường lao động việc làm, sức khỏe và tâm sinh lý của người lao động… nên phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình hợp lý, có tính đến tính chất, đặc thù công việc của từng nhóm đối tượng.

Sắp tới liệu các lao động nữ sẽ tăng tuổi hưu lên đến 60? Ảnh: HTD

Mỗi năm tăng vài tháng

Cụ thể theo phương án, từ năm 2020 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu trước đối với cán bộ, công chức, viên chức với lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm ba hoặc bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Và từ năm 2025 trở đi, sẽ thực hiện đối với các đối tượng còn lại cũng với lộ trình giống như vậy. Riêng đối với những người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (như lao động trong ngành dệt may, thủy sản, công nhân cạo mủ cao su...) sẽ không thực hiện tăng tuổi, vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Cũng theo Vụ BHXH, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nhìn nhận và tiếp cận dưới nhiều góc độ như sức khỏe của người lao động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực… trong đó có tính đến vấn đề cân đối quỹ BHXH. Từ năm 1961 tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam là 40 tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân của dân số của Việt Nam đã tăng lên 73 tuổi (tăng 33 tuổi). Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam từ trước đến nay vẫn không thay đổi (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

Ông Nguyễn Duy Cường cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu thì cũng sẽ làm tăng mức lương hưu của những người nghỉ hưu do thời gian đóng BHXH dài hơn thì tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn, mức tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu thường cũng cao hơn.

Cần có đánh giá độc lập

PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, khẳng định kéo dài thời gian lao động của nhóm người lớn tuổi, không ảnh hưởng đáng kể đến xác suất có việc làm và khả năng thất nghiệp của nhóm lao động trẻ.

Theo bà Lan Hương, tăng tuổi sẽ có cảm nhận như làm tăng cung lao động, đặc biệt là lao động cao tuổi sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ thất nghiệp hằng năm, đặc biệt là lao động trẻ. “Nhưng đó chỉ là những cảm nhận bên ngoài hoặc là tức thời. Bởi vì vấn đề việc làm do tăng trưởng kinh tế quyết định, nếu như kinh tế không đạt được mức kỳ vọng, sẽ làm ảnh hưởng đến cầu lao động” - bà Lan Hương nói.

_____________________________

Dự kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 lần thứ nhất sẽ chính thức công bố để lấy ý kiến vào ngày 31-10.

Dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5-2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2017. Trong đó sẽ xem xét đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.