Lợi dụng quyền hạn chiếm đoạt tiền đền bù của dân

Tình hình an ninh trong khu vực có nhiều xáo trộn, đơn thư của người dân bị hại được chuyển đến cơ quan chức năng, nhưng các sai phạm của một số cán bộ, đảng viên chưa được xử lý kịp thời.

Theo giấy phép khai thác số 2026 ngày 10-10-2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường  cấp mỏ sắt làng Mỵ, xã Chấn Thịnh, xã Bình Thuận thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho Công ty Phát triển số 1 TNHH một thành viên (địa chỉ: thôn Hoàng Thạch, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với diện tích 60,97 ha; trữ lượng 4,71 triệu tấn; thời hạn khai thác ba mươi năm. Ðồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cấp giấy phép thăm dò số 2606, ngày 12-12-2008 cho đơn vị trên, với diện tích đất thăm dò lên tới 2.727 ha trong khu vực liền kề. Ðể dự án khai thác quặng sắt đi vào hoạt động, UBND huyện Văn Chấn đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, vận động các hộ dân trong khu vực thôn Bồ, thôn Dày thuộc xã Chấn Thịnh tiến hành đo đất, kiểm đếm tài sản trên đất để áp giá đền bù theo quy định.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Công ty Phát triển số 1 giao cho Trần Trung Kiên, là nhân viên công ty, cùng phối hợp ông Trần Văn Năng là cán bộ địa chính xã Chấn Thịnh, ông Vũ Mạnh Tường là Trưởng thôn Bồ, làm việc với 28 hộ dân trong thôn thuộc diện giải tỏa tiến hành các thủ tục pháp lý thu hồi đất. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, các ông Kiên, Năng và Tường cùng  bà Nguyễn Thị Thanh là thanh tra nhân dân thôn Bồ đã bàn bạc, câu kết với nhau chiếm đoạt bất chính tiền hỗ trợ đền bù của các hộ dân nói trên. Ðể cầm chắc tiền không bị 'hớ'', trước khi phát tiền cho các hộ dân được đền bù, trưởng thôn Vũ Mạnh Tường đã yêu cầu các hộ dân viết giấy thỏa thuận nếu đồng ý trích lại 15% thì công ty sẽ đo hết diện tích đất nương chè của các hộ để đền bù, còn không sẽ bỏ lại một phần.

Tiếp sau đó, ông Tường đã yêu cầu một số hộ dân như: Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Khắc Tượng, Trần Văn Ly... viết giấy vay nợ khống để thu hồi tiền phần trăm nói trên nộp cho ông Tường cất giữ. Ông Nguyễn Khắc Tượng, một người bị chiếm đoạt tiền đền bù cho biết: Ngày 21-9-2010, cả 28 hộ dân được trả tiền hỗ trợ đền bù di dời tại trụ sở UBND xã, đến 22 giờ, các ông Năng, Tường, Kiên và bà Thanh đến từng hộ thu tiền ngay. Khi đến nhà ông Tượng, số tiền phải trích nộp là 27 triệu, gia đình xin mãi cũng được bớt lại một triệu; còn phải nộp cho các đối tượng 26 triệu đồng. Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Tâm nộp 10 triệu đồng; ông Ly nộp 7 triệu đồng... 

Qua đấu tranh của cơ quan chức năng, bước đầu Trần Trung Kiên đã khai nhận: các đối tượng trên đã cùng nhau bàn bạc, hứa hẹn nâng mức đền bù hoa màu từ mức đền bù thấp lên mức đền bù cao cho các hộ dân. Ðổi lại, các hộ dân phải trích lại 15%  theo diện tích khai khống cho cán bộ. Số tiền bước đầu đã thu được 93 triệu, được chia đều cho ba người là: Kiên, Năng, Tường; riêng Kiên được chia 31 triệu đồng đã đến cơ quan điều tra nộp lại.

Ðồng chí Lại Văn Ðông, Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: Số tiền hỗ trợ đền bù trong dự án khai thác quặng sắt đợt này cho 28 hộ dân trong xã hơn 2,2 tỷ đồng, các quy trình thủ tục đền bù xã đã làm đúng. Nhưng ngày 28-9 xã nhận được đơn tố cáo của nhân dân về các sai phạm trong việc chi trả tiền đền bù. Nếu tính đủ số tiền 15% trích lại thì phải hơn ba trăm triệu đồng. Ðảng ủy xã đã ba lần mời hai đồng chí đó báo cáo với Thường trực Ðảng ủy xã, nhưng hai đảng viên trên chưa thành khẩn. Ðảng ủy xã đã báo cáo Huyện ủy Văn Chấn về sự việc trên.

Các cơ quan chức năng của huyện Văn Chấn sớm điều tra, kết luận và xử lý nghiêm theo pháp luật những cán bộ vi phạm, lấy lại lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với chính quyền xã Chấn Thịnh, giúp doanh nghiệp thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Theo Nhân Dân 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm