Lòng tin ở đâu?

Sự kiện thứ nhất. Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời để lại nhiều nỗi xót xa tiếc thương và ngậm ngùi. Tiếc thương một người phụ nữ đã sống chết cùng một di sản văn hóa suốt cả cuộc đời nghèo khổ của mình hơn tám phần mười thế kỷ. Bà mất đi là hát xẩm mất người chân truyền, là loại hình nghệ thuật này có cơ tuyệt gốc. Ngậm ngùi là vì nguy cơ đó đã được báo trước nhưng vẫn bị thờ ơ, dửng dưng. Những người có tâm có lòng với di sản nghệ thuật dân tộc nói chung, với xẩm nói riêng, đã tự mình đến với bà Cầu, đã tìm mọi cách để lưu giữ lại tiếng hát của bà, đã bỏ tiền túi của mình giúp đỡ bà sống qua ngày và họ đã lên tiếng đề nghị với cơ quan quản lý văn hóa cần phải có chính sách chế độ đãi ngộ cho những nghệ nhân dân gian như bà Cầu. Vậy mà khi bà mất đi những tiếng kêu gọi khẩn thiết ấy vẫn cứ là rơi vào im lặng. Người ta nói rất nhiều, rất hay về giữ gìn bảo tồn vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Người ta đổ của đổ tiền vào rất nhiều những lễ hội đình đám. Người ta tìm mọi cách chạy dự án trùng tu miếu mạo di tích. Nhưng chỉ một số tiền trợ cấp ít ỏi cho những nghệ nhân đích thực, bình thường mà quý giá như bà Cầu, thì không ai cấp, không ai lo. Khi bà nằm xuống rồi thì có phong nghệ sĩ nhân dân cho bà cũng chẳng ích gì. Cách tốt nhất là đừng để quá muộn nữa với các nghệ nhân còn sống. Lòng tin ở đâu nếu chỉ nói mà không làm?

Sự kiện thứ hai. Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế, bị 17 cựu chiến binh, cán bộ hưu trí trong tỉnh viết đơn lên tỉnh ủy tố cáo ông khai man thành tích để được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Những cán bộ trên cho biết: “Vì danh dự, sự trong sạch của Đảng, của quân đội anh hùng, chúng tôi nói rõ sự thật này. Người dân sau này không bị hiểu sai, bị đầu độc những điều giả dối. Chúng tôi đề nghị ông Mãn tự rút danh hiệu anh hùng. Nếu không thì căn cứ vào Luật Thi đua khen thưởng và kỷ luật thì các cấp, các ngành, hội đồng khen thưởng cần vào cuộc làm rõ và xử lý”. Vụ việc đang được Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế làm rõ. Nhưng điều đáng nói ở đây là vì sao đến thời điểm này sự việc mới được đưa ra chứ không phải khi ông Mãn đang đương chức. Có phải các cán bộ tố cáo sợ nếu lên tiếng khi đó thì sẽ bị ỉm đi vì như thế là bôi nhọ thanh danh lãnh đạo? Hay họ muốn lên tiếng lúc này, khi ông Mãn đã nghỉ hưu, để giữ uy tín cho Đảng? Nếu lời tố cáo của họ được xác định là sai thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu đó đúng là sự thật thì việc ông Mãn được phong anh hùng, rồi được bầu vào trung ương đảng và được cử làm bí thư tỉnh ủy, sẽ phải có câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ cho nhân dân. Lại nữa, nếu sự việc đúng thật như tố cáo mà để bị rơi vào im lặng hoặc không có những hình thức xử lý thích đáng với người khai man thì lòng tin biết ở đâu.

Trong nhiều sự khủng hoảng hiện nay của đời sống xã hội, trầm trọng và đáng lo nhất là khủng hoảng lòng tin. Chuyện người ta chen chúc dẫm đạp nhau đi lễ chùa chiền là do khủng hoảng lòng tin. Chuyện người ta dửng dưng, bàng quan trước cái ác là do khủng hoảng lòng tin. Chuyện người ta nguội lạnh cảm xúc, trơ lì tình cảm là do khủng hoảng lòng tin. Sự qua đời của nghệ nhân Hà Thị Cầu để lại câu hỏi lòng tin ở đâu trong thực chất việc làm của những người có trách nhiệm với văn hóa dân tộc. Sự bị tố cáo khai man thành tích của ông Hồ Xuân Mãn để lại câu hỏi lòng tin ở đâu của những người có trách nhiệm với lịch sử đất nước.

Hãy lấy lại lòng tin bắt đầu từ những việc cụ thể.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm