'Luật záo zụk' và 'cuộc loạn đả' vì tiếng mẹ đẻ

Câu chuyện về cải cách chính tả tiếng Việt lại dấy lên một trường loạn đả.
Điều hay nhất, có vẻ là, ít người tham gia vào đó biết câu chuyện cải cách chính tả này không phải là lần đầu tiên xuất hiện, và có lẽ cũng không phải là lần cuối cùng.
Các cải cách đã và đang diễn ra, đáng ngạc nhiên hơn, là chúng ta đang sống cùng, sử dụng những cải cách ấy.

PGS-TS. Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, người vừa đề xuất cải cách tiếng Việt theo kiểu Luật Giáo dục thành "Luật Záo zụk". Ảnh: plo.vn

Từ đề xuất của Nguyễn Văn Vĩnh tiên sinh...

Từ những năm 20 của thế kỷ 20, vì nhu cầu ấn loát và phổ cập quốc ngữ, “người man di hiện đại” Nguyễn Văn Vĩnh đã đề xuất nhiều cải cách trong chính tả và ký âm. Nhà trí thức lớn này đề nghị như ngoài Bắc nên theo trong Nam mấy tiếng “gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng cho đều trong văn tự, ba miền cùng dễ hiểu cả”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã liệt kê ra một số từ Gi đổi ra tr, như trai gái – giai gái, trăng gió – giăng gió; s đổi ra tr: sống mái- trống mái; d đổi ra nh: nhơ bẩn – dơ bẩn; nh đổi ra l: lạt - nhạt, lầm (lẫn) – nhầm…
Và đặc biệt, ông Vĩnh đề nghị quy ước mới, thay vì phải bỏ dấu, người viết sẽ dùng các quy ước như dấu “ớ” là hai chữ viết liên tiếp aa = â, chữ w thay dấu “á”, aw = ă, các thanh sẽ là chữ quy ước đặt cuối từ như f = huyền, s = sắc, j = nặng…
Tất nhiên, đề xuất của ông không được ủng hộ, thậm chí nhận chê bai từ các đồng nghiệp.
Trong “Văn thi sĩ tiền chiến”, tác giả Nguyễn Vĩ kể dù chỉ có một mình, ông vẫn can đảm áp dụng cách viết này trong tờ báo do ông làm chủ bút. Và không cần phải băn khoăn nữa đâu, quy ước ông đề ra chỉ thời gian ngắn sau đó được áp dụng trong điện tín, còn bây giờ đó là cách gõ telex mà bạn đang nhoay nhoáy trên điện thoại đấy.
Chữ mà chúng ta viết trên máy tính hôm nay phải chịu ơn những áp lực mà ông Nguyễn Văn Vĩnh phải chịu từ thuở ban đầu!
Trong trường hợp không biết ông Vĩnh là ai thì bạn có thể biết ông là cha của ông Nguyễn Nhược Pháp - tác giả bài thơ “Hôm nay đi chùa Hương/Hoa cỏ mờ hơi sương/Cùng thầy me em dậy/Em vấn đầu soi gương…”.

Bìa cuốn sách có bài viết đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt gây tranh cãi. Ảnh: plo.vn

... Đến "phong cách" của nhà văn Nguiễn Ngu Í 

Trường hợp khác là Nguiễn Ngu Í, người thường ghi trong danh thiếp: “nhà văn, nhà jáo, nhà báo kông chuiên ngiệb” (nhà văn, nhà giáo, nhà báo không chuyên nghiệp).
Ông Nguiễn Ngu Í là một trường hợp yêu tiếng mẹ đẻ đến tận cùng, dù ông là một người rất giỏi tiếng Pháp.
Những năm 1950 ở Sài Gòn, ông Nguiễn Ngu Í đã xiển dương cách viết dùng F thay Ph, dùng J thay Gi, dùng I thay Y, dùng B thay P, dùng Q thay Qu, dùng Ng thay Ngh, dùng G thay Gh… như viết Ge chứ không viết Ghe, Ngỉ chứ không viết Nghỉ.
Ông Í còn có tập thơ Qê Hương (Quê Hương) được đánh giá cao ở tính độc đáo và phóng túng.
Cứ nhìn bút danh của ông (Nguiễn Ngu í, Tân Fong Hiệb) mà ông ký dưới các bài viết là biết ông quyết liệt với chính tả kiểu mình thế nào.
May mắn, dù có nhiều tranh cãi về học thuật, nhưng tài năng văn chương và cách viết chính tả của ông đã được miền Nam Việt nam trước 1975 xem như một cá tính độc đáo chứ không ném đá.

Một “đóng đá” ném ra không thu lại được gì về mặt tri thức, trong khi đó, những cuốn sách như “I và Y trong tiếng Việt” của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh thì nhiều người có vẻ rất ơ hờ...

Và phong trào tốc ký của Trần Tư Bình

Gần đây nhất là phong trào Chữ Việt nhanh, tốc ký của anh Trần Tư Bình, có cả bộ gõ riêng biệt và các cuộc thi trên các diễn đàn lớn.
Ở cải cách này vẫn thừa hưởng một số ý chính từ những cải cách trước như thay Y = I, thay Uy = Y;
bỏ bớt dấu sắc ở vần ngược (nup = núp), thay phụ âm đầu Ph = F, C = K, K = Kh, Z = D, D = Đ…;
phụ âm cuối thay Ch = K, Nh = H, Ng = G;
rút các nguyên âm ghép như Ơ = UƠ, Ư = ƯƠ, U = UÔ, Y = UYÊ;
thay chữ cuối vần bằng một chữ khác: D = T, F = Ph, S = C, J = I,Y…
Nếu viết theo cách này, 2 câu thơ của Vũ Đình Liên sẽ là “Jấy dỏ bùl kôg thấm/ Mực dọg trog ngil sầu (Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu)”.
Cách viết nhanh này vẫn đang được xiển dương, bộ gõ này cho phép hiển thị theo đúng chính tả hiện nay ngay khi gõ theo cách tốc ký quy ước nêu trên.
Nhưng với các bạn trẻ, đa phần cách viết này đã được chuyển hóa thành thứ chính tả “teen code” mà khi sử dụng có thể làm “rối não” các nhà mô phạm.
Nêu một vài trường hợp để thấy, như ở đề xuất cá nhân của PGS-TS Bùi Hiền, thẩm quyền tri thức đã đi sau sự xung động của đám đông.
Đáng lý ra, chính các nhà ngôn ngữ học mới là người có thể chỉ ra các hạn chế, bất khả thi cũng như không chính xác về ngữ âm, chính tả âm tiết hay chính tả âm vị… của đề xuất ấy.
Một “đóng đá” ném ra không thu lại được gì về mặt tri thức, trong khi đó, những cuốn sách như “I và Y trong tiếng Việt” của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh vẫn không thể lọt top sách bán chạy.
Cuốn sách “I và Y trong tiếng Việt” được giới thiệu là “xuất phát từ quan điểm chính tả tiếng Việt phải được xây dựng trên cơ sở ghi âm các âm tiết chứ không thể máy móc theo hình thức các âm vị, quyển sách khảo sát lối viết các từ i/y trong tiếng Việt trên cơ sở các tài liệu và từ điển chữ quốc ngữ Latin, mặt khác cũng tìm hiểu vấn đề này qua các vận thư chữ Hán, các tài liệu và từ điển chữ Nôm, thông qua đó làm rõ lý do của tình trạng bất nhất về lối viết dùng cả i và y trong chính tả tiếng Việt trước nay”.
Cuốn sách này có thể giải quyết được nhiều những băn khoăn về chính tả hay đỡ cho người đọc lao vào cuộc loạn đả vô ích.
 
"Luật giáo dục" thành "Luật záo zụk"
Cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS-TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản đã gây ra nhiều tranh cãi.
PGS-TS Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

'Luật záo zụk' và 'cuộc loạn đả' vì tiếng mẹ đẻ ảnh 4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm