‘Má Hà’ siêng lo giấy tờ cho… con người ta

NNP vừa đổ bánh xèo, bánh khọt để bán, vừa trông coi lũ trẻ gồm ba đứa con nhỏ của cô và một đứa bé gọi cô bằng dì. Gần đó là chốt dân phòng của khu phố 6 thuộc phường Cầu Kho, quận 1. Những đứa trẻ thỉnh thoảng chạy vào chốt dân phòng gọi: “Má Hà cho con xin nước”. “Má Hà” là cách chúng gọi bà Lê Thị Ngà, phó Ban bảo vệ dân phố phường Cầu Kho. Bà tên Ngà nhưng người dân ở đây cũng gọi bà là “chị Hà”.

Giúp làm khai sinh, giữ bé trong vòng tay mẹ

Những đứa trẻ ở phường Cầu Kho đã gắn bó với “má Hà” từ khi chúng được sinh ra trong một gia đình quá ư đặc biệt. Căn nhà chỉ 3 m2 trong hẻm số 2 Phạm Văn Cừ, cả chục người già trẻ, lớn bé chen chúc nhau ở trong đó. Mẹ của NNP bị bắt đi tù vì buôn bán ma túy. Mấy chị em bơ vơ. NNP đã phải “đi khách” để kiếm tiền mua cơm ăn. Cô nói mà nước mắt cứ chực trào ra: “Em không được học hành, cũng không hiểu biết gì nhiều. Em không biết cách ngừa thai nên hai đứa con em sinh ra, em cũng không biết ai là cha chúng. Sau này có anh thợ hồ thương em, đứa út mới có cha…”.

Theo dõi cuộc sống của NNP, bà Lê Thị Ngà đã động viên cô gái trẻ, hướng dẫn cô đi làm giấy khai sinh cho các con bởi cô rất ngại đi lên phường. Bà cũng giúp cho mẹ con NNP có thẻ bảo hiểm y tế để đi khám bệnh.

Mẹ con NBT và bà Lê Thị Ngà. Ở khu phố, hễ gia đình nào gặp vấn đề gì đều trình bày với “má Hà” . Ảnh: HỒNG MINH

Em gái của NNP là NBT cũng bầu rồi sinh liền hai đứa con. Chồng của NBT thụ án ma túy đúng thời điểm cô sinh đứa con thứ hai. Bà Ngà vận động nhà hảo tâm mua giúp sữa, tã, gạo cho NBT để cô yên tâm sinh con. Sinh con xong, NBT khóc với bà: “Con không nuôi nổi cùng lúc hai đứa con này. Chắc con phải tìm gia đình nào có điều kiện cho họ một đứa, con chỉ nuôi nổi một đứa”. Bà Ngà đã hết lời động viên để NBT giữ lại đứa trẻ. Bà tìm được nguồn sữa hỗ trợ cho hai mẹ con những tháng đầu tiên. Sau đó hỏi về giấy khai sinh cho đứa trẻ mới sinh, bà mới tá hỏa khi biết bé không có giấy khai sinh.

Khi NBT ra phường xin làm giấy khai sinh muộn theo hướng dẫn của bà Ngà, cán bộ tư pháp phường từ chối vì không đủ thủ tục, giấy tờ. Bà Ngà đã gặp cán bộ tư pháp trình bày hoàn cảnh của NBT, cùng họ gỡ rối từng khâu thủ tục. Cuối cùng, bé có giấy khai sinh để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí. NBT bày tỏ: “Em biết ơn má Hà lắm! Bà quan tâm mẹ con em, quan tâm cả gia đình em. Không có bà, chắc giờ em và con mỗi người một nơi rồi”.

40 đứa trẻ nhớ ơn “má Hà”

Một hoàn cảnh nghiệt ngã không kém là gia đình chị Thị Mah, người Chăm, đang ở trọ tại hẻm 11 Võ Văn Kiệt. Chị quê An Giang, lên ở nhờ nhà cậu ở quận 1 từ mấy chục năm trước, đã cắt hộ khẩu ở quê. Sau đó vợ của cậu không cho chị nhập hộ khẩu vì nhiều lý do riêng, vậy là chị thành người không có hộ khẩu. Chồng chị bỏ mẹ con chị khi những đứa trẻ còn bé tí. Chị hay tìm gặp bà Lê Thị Ngà để khóc cho vơi nỗi lòng. Bà Ngà đã đưa chị Mah lên phường, trình bày hoàn cảnh với tư pháp phường, tìm cách gỡ giấy khai sinh cho bọn trẻ. Sau đó những đứa trẻ đã có giấy khai sinh.

Chị Thị Mah nói: “Tôi nghèo khổ quá rồi, nơi này những đứa trẻ nếu không đi học là sa vào tệ nạn. Tôi hứa với chị Hà là sẽ cho con học đàng hoàng để đền ơn chị. Chị lo cho mấy mẹ con tôi lắm”. Người mẹ sức vóc nhỏ bé ấy đã làm đủ mọi việc, từ giúp việc nhà đến phụ quán để kiếm tiền nuôi con ăn học. Để con có tiền đi học, chị Mah đã “lén” đi bán máu gần chục lần. Các con của chị đã ôm mẹ khóc và hứa chắc chắn trở thành người tử tế.

Đến khi con chị Mah chuẩn bị vào học trường nghề, chị nói: “Tôi không có hộ khẩu, con tôi không làm được giấy CMND đi học”. Lúc này bà Ngà và công an phường đã phối hợp gửi bản xác nhận cư trú tại địa phương, hướng dẫn chị Mah về quê cũ làm lại hộ khẩu. Cán bộ tư pháp ở quê cũ đã giúp chị và các con chị có CMND đàng hoàng. Nay con trai chị đang đi thực tập nghề, chuẩn bị có việc làm. Chị đi đâu cũng khoe con chị đã ăn học đàng hoàng. Bà Ngà xúc động nói: “Má nó vui mười, tôi cũng vui tới tám, chín. Ở đây có khoảng bốn chục đứa trẻ tôi giúp đỡ gọi tôi là má Hà. Tôi thấy hạnh phúc lắm!”.

Điều đáng quý nữa là gia đình bà Lê Thị Ngà cũng rất khó khăn. Bà đã trải qua thời gian rất cơ cực khi vừa chăm sóc chồng bệnh 15 năm trời trước khi ông mất, vừa vay nợ để nuôi hai con gái học hành tới nơi tới chốn. Đến nay bà vẫn chưa trả nợ xong. Con gái lớn của bà đã có việc làm ổn định và đang phụ mẹ nuôi em.

Bà Lê Thị Ngà làm công tác xã hội từ năm 1989, là cộng tác viên của nhiều tổ chức hoạt động vì cộng đồng, trong đó có Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương. Vừa là cán bộ hội phụ nữ vừa là phó ban bảo vệ dân phố, bà Ngà nắm hết ngọn ngành hoàn cảnh từng gia đình trong khu phố. Đến nay bà đã giúp làm giấy tờ tùy thân và chăm lo cho cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ nghèo khó trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.