Mánh khóe làm mai “đểu”

Mánh khóe làm mai “đểu” ảnh 1

Cơ sở làm mai “đểu” của ông Hưng và một thanh niên tên Minh nằm trong một con hẻm đường số 44, P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM). Đây là ngôi nhà cấp 4, rộng khoảng 100m2, hàng rào sắt kín mít. Khu vực trước sân và trong nhà luôn nhan nhản các loại mai lớn nhỏ.

"Tui từng bỏ 13 triệu đồng mua phải một gốc mai “đểu”. Sau gần một năm mai chết dần, tui mới phát hiện thân mai cổ thụ là thân mục, bị đục khoét để đưa nhánh mai vào"

16g ngày 20-1, tại “lò” của ông Hưng, Minh xách bịch nilông lớn chứa đầy mạt cưa, keo dán sắt và một bình hóa chất chuẩn bị cho công đoạn “phù phép” mai. Bên góc phải, hàng chục cây mai suy (mai còi, mai bị bệnh) bằng ngón tay cái được ông Hưng thu gom từ các nhà vườn với giá rẻ. Lúc này, Minh đảo quanh các gốc mai để tìm thế tạo dáng. Ít phút sau, Minh nhấc hai gốc mai suy lên giũ bỏ đất. Hai cây mai được Minh ép mạnh, bẻ nằm nghiêng để tạo thế “rồng bay”.

Đất + mạt cưa = mai “cổ thụ”

Tiếp đó, Minh lấy một khúc cây lớn hơn cổ tay và chỉ cưa một khúc dài 20cm kẹp giữa hai gốc mai suy. Xong công đoạn tạo dáng, Minh bắt đầu tiến hành các xảo thuật trét bùn vào giữa các kẽ hở. Thấy gốc mai chưa đầy đặn, Minh tiếp tục trét thêm mạt cưa rồi lấy keo dán sắt thấm đều xung quanh. Ngay tức khắc, khúc gỗ và cây mai suy đã gắn chặt thành một khóm. Để cho keo khô khoảng 30 phút, Minh lấy ra một hộp màu rêu quét lên các chỗ chắp ghép. Lúc này, cây mai bé tí biến thành gốc “đại thụ” với cành lá xum xuê.

Chiều 22-1, chúng tôi tiếp tục tiếp cận “lò” mai “đểu” của ông Hưng. 14g, ông Hưng mang bốn khúc cây to, dài khoảng 20cm, ném xuống nền ximăng. Các dụng cụ phụ trợ như mạt cưa, keo dán sắt, dây thép, đất trét, cưa sắt nằm lăn lóc ngoài sân. Vẫn chiêu trò cũ, chỉ trong vòng hai giờ Minh đã “hóa kiếp” năm cây mai nhỏ thành hai chậu mai hàng chục năm tuổi.

Ngày 24-1, ông Hưng chạy xe máy rảo quanh các vườn mai ở Q.12 chở về hàng chục cây mai suy. Bên xe ông còn treo lủng lẳng mấy gốc mai đã chết. Sau khi chở về nhà, ông Hưng chọn những cây mai có nụ để “phù phép” cho dễ bán trong thời điểm giáp tết. Lúc này, phía trong nhà Minh đang ghép một khúc cây bự bằng bắp chân vào cây mai suy. Thấy khúc cây ghép hơi dài, Minh dùng cưa cắt ngắn để trét keo. Chỉ trong vòng một giờ Minh đã phù phép thêm hai cây mai “đểu”. Loại mai “đểu” thường có dáng nằm ngang để che các vết lắp ghép.

Không chỉ có chiêu trò này, Minh còn dùng cưa máy cắt dọc thân mai đã chết để luồn cành sống vào bên trong. Sau khi luồn được cành mai vào gốc cây đã chết, Minh và người làm trét bùn và mạt cưa rồi dùng keo dán sắt bôi đều. Sau đó, pha thuốc xịt nấm với liều đặc quánh để xịt vào gốc cho thân mai mọc rêu, che lấp những chỗ chắp vá. Chiêu thức này Minh thường sử dụng để chế ra những gốc mai lớn. Minh tiết lộ: “Chiêu xẻ gốc, luồn cảnh thường mất nhiều thời gian và chỉ dành làm những gốc cây lớn, bán với giá rất cao. Những ngày cận tết phải ghép khúc cây thì mới nhanh có lời”.

Để có nguyên liệu chế tác mai “đểu”, hằng ngày Minh và ông Hưng dạo quanh các nhà vườn để mua mai “đểu”, mai suy với giá rẻ. Nhiều nhà vườn ở khu vực Q.12, Gò Vấp, Thủ Đức... khi có mai chết, mai bị bệnh đều gọi điện cho ông Hưng đến lấy.

Mai “đểu” xuống phố

Đủ loại kiểng “đểu”

Một số “lò” khác còn làm giả cây sung, lộc vừng, mận... với “công nghệ” rất tinh vi. Tại khu vực bến xe miền Đông, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, đường Cộng Hòa, ngã tư Hàng Xanh... xuất hiện nhiều nhóm người chuyên bán sung “dán keo”, mận “ghép trái”. Một trong những “lò” làm sung “đểu” bằng cách lấy keo dán sắt gắn những chùm sung trĩu quả rồi đi bán dạo là “lò” ông An tại một con hẻm cụt ở đường số 4, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức. Hằng ngày, ông An tập kết hàng chục gốc sung lớn từ miền Bắc để dùng keo dán sắt gắn các chùm sung vào gốc cây.

Sáng 21-1, Minh chở ba cây mai chạy qua nhiều tuyến đường trong TP để bán dạo. Từ đường Phan Huy Ích, Minh vòng qua đường Quang Trung quẹo trái vào đường Nguyễn Văn Quá (Q.12). Tới trước một nhà trên đường Nguyễn Văn Quá, ba thanh niên xúm lại hỏi mua. Thấy người mua thắc mắc, Minh nói khéo: “Những chỗ sần sùi đó là meo mốc chứ không phải giả đâu. Cây này bán rẻ cho anh 1 triệu đồng, mai tôi về quê rồi nên mới bán giá này”. Tuy nhiên, người mua vẫn cố nài nỉ hạ giá. Cuối cùng Minh bán một cây mai “đểu” này với giá 600.000 đồng. Người mua ngỡ mua được hàng rẻ, cười tươi khoe: “Gốc mai mập mạp, bóng bẩy quá. Người bán ra giá 1 triệu, tui trả 600.000 đồng mà họ cũng bán. Giá này quá hời rồi!”.

Sau khi bán được một cây trên đường Nguyễn Văn Quá, Minh tiếp tục đi vòng qua ngã tư An Sương về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh). Tới ngã tư Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A một người đàn ông trung niên tên Tú săm soi kỹ một hồi rồi quyết định mua cây mai còn lại với giá 500.000 đồng. Chỉ trong vòng hai giờ, Minh bán được hai cây mai “đểu”, sau đó thong thả chạy vòng qua nghĩa trang Bình Hưng Hòa và trở về nhà.

Sáng hôm sau, Minh tiếp tục chở hai cây mai “đểu” ra hướng đường Trường Chinh. Tới gần cổng Khu công nghiệp Tân Bình, ông Tâm (70 tuổi, ngụ Hóc Môn) thấy gốc mai đẹp liền gọi Minh vào vỉa hè xem. Minh giở chiêu trò cũ, nói: “Gốc này ít nhất cũng triệu rưỡi, nhưng con bán rẻ lấy vốn để mai về quê thôi”. Sau một hồi trả giá, Minh bán cho ông Tâm cây mai giá 600.000 đồng. Ông Tâm cho biết: “Đang trên đường đi thăm người nhà ở Bệnh viện Q.Tân Phú thấy cây mai quá đẹp, tui trả giá 600.000 đồng thử thôi, không ngờ người ta bán luôn”.

Ngày 24-1, Minh tiếp tục chở hai cây mai “đểu”, mỗi gốc to bằng cổ chân, dạo qua các tuyến đường Quang Trung, Âu Cơ rồi quay về quốc lộ 1. Khi đến H.Hóc Môn thì Minh hô bán một cây mai giá 1,3 triệu đồng cho ông Hiếu ở ấp Nam Lân (xã Bà Điểm, Hóc Môn). Sau một hồi trả giá, Minh đồng ý bán cho ông Hiếu với giá 700.000 đồng. Ông Hiếu tươi tắn: “Gốc mai bự như vậy bán giá này là phải rồi, quá đẹp”.

Theo điều tra của chúng tôi, ông Hưng và Minh, quê quán Hải Dương, “hành nghề” mai “đểu” đã được mười năm nay. Dù mua từ nhà vườn những cây mai nhỏ với giá chỉ 50.000-100.000 đồng/cây nhưng sau khi “phù phép” thành mai cổ thụ, Minh bán với giá từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng/cây. Minh và ông Hưng còn bán lại mai “đểu” cho hàng loạt nhà vườn buôn mai ở Q.Thủ Đức, Hóc Môn... để họ chăm rồi bán lại cho khách vào dịp tết. Minh nói: “Bán ngoài đường vài cây mỗi ngày đáng bao nhiêu, chủ yếu tôi bán mai cho các nhà vườn thu lời là chính”. Mai lừa bán cho các nhà vườn được Minh và ông Hưng chế tác tinh vi chứ không làm qua loa như bán dạo dọc đường. Mỗi cặp mai bán cho nhà vườn có giá 2-5 triệu đồng.

Ông Bé, một nhà vườn ở P.Thạnh Xuân, Q.12, bức xúc: “Tui từng bỏ 13 triệu đồng mua phải một gốc mai “đểu”. Sau gần một năm mai chết dần, tui mới phát hiện thân mai cổ thụ là thân mục, bị đục khoét để đưa nhánh mai vào. Chiêu làm mai “đểu” rất tinh vi, nếu không quan sát kỹ thì nhà vườn cũng không phát hiện”.

Theo TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm