Mâu thuẫn vụn cũng đâm đơn ly hôn

Anh chị kết hôn 10 năm, có hai con chung, cả nếp và tẻ. Suốt thời gian sống chung anh chị chẳng một tiếng nặng nhẹ. Một lần anh đi nhậu về muộn, chị hỏi: “Anh đi đâu, đi với ai mà về muộn?”. Anh đáp: “Tôi đi làm việc”. Từ đó anh chẳng chuyện trò gì với vợ. Những bữa cơm gia đình mạnh ai nấy ăn. Những lúc cả gia đình bên nhau thì thiếu vắng tiếng cười đùa. Chuyện quan hệ vợ chồng cũng gác lại, dù chị đã cố gắng để hòa hợp, để gia đình đồng thuận nhưng tất cả chỉ là con số không. Ly hôn là giải pháp chị đã chọn. Tòa hỏi lý do ly hôn, ngồi suy nghĩ lúc lâu chị mới trả lời: “Đã ba năm nay rồi, anh ấy không hề nói chuyện với tôi”.

Đến thẩm phán cũng không hiểu tại sao

Vị thẩm phán của TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) đành bó tay, dù đã tìm mọi cách để tìm hiểu về mối quan hệ hôn nhân này nhưng không được. Đưa vụ án ra hòa giải, rất nhiều lần vị thẩm phán đã tự đặt câu hỏi vì sao người vợ lại làm đơn ly hôn nhưng không thể trả lời. Vị thẩm phán dành cả một buổi sáng để phân tích cho người vợ hiểu những khó khăn khi ly hôn cũng như những hậu quả của nó. Nghe xong người vợ gật đầu, xin phép về suy nghĩ lại. “Lúc đó, tôi chắc chắn nhất định người vợ sẽ rút đơn. Nào ngờ sau đó, người vợ lại đến tòa năn nỉ: “Tôi muốn ly hôn. Tôi không chịu được tình trạng anh ấy không muốn nói chuyện với tôi”” - vị thẩm phán kể.

Còn người chồng thì hỏi mãi anh cũng chỉ nói được một câu: “Chị không hiểu được cuộc hôn nhân của tôi đâu. Không có gì để níu giữ được nữa. Tôi chỉ muốn ly hôn”. “Tôi sẽ không can thiệp vào chuyện gia đình nhưng tôi muốn nghe anh kể vì sao lại im lặng với vợ trong suốt thời gian dài như vậy” - vị thẩm phán hỏi. Anh vẫn im lặng. “Hôm đó, tôi chỉ mong một trong hai người muốn hàn gắn để tuyên bác đơn nhưng chẳng được. Tuyên cho họ ly hôn nhưng đến hôm nay tôi vẫn đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao về cuộc hôn nhân của họ mà không thể trả lời. Cuộc hôn nhân của họ rất khó hiểu và ít nói nhất” - vị thẩm phán nói.

Ly hôn vì chỉ đưa có 10.000 đồng tiền ăn sáng

Một vụ án khác, hai ông bà đã nghỉ hưu, con cái trưởng thành, tài sản đề huề. Thời đi làm, bao nhiêu lương ông đưa hết cho bà. Lúc về hưu, ông có căn nhà trọ cho thuê để chi tiêu. Ông thường gặp gỡ bạn bè giải khuây nhưng lại không có tiền. Mỗi ngày bà vẫn chỉ đưa ông 10.000 đồng. Cảm thấy bị vợ coi thường, ông chống gậy lên tòa nộp đơn ly hôn.

Thẩm phán H. của TAND quận Gò Vấp nhớ lại, hôm ông ấy chống gậy lên tòa, vừa bước vào phòng, ông nói lớn: “Xin tòa cho tôi ly hôn với cái người coi thường tôi!”.

Được mời đến tòa, bà ngơ ngác chẳng biết vì sao ông lại đòi ly hôn. Khi được thẩm phán nói ra nguyên nhân, bà ngạc nhiên: “Ông ấy già rồi, bạn bè gì chứ. Ngoài quán họ bán có 10.000 đồng một ly cà phê đá thôi. Bạn bè ông ấy dẫn về nhà tôi lo hết”. Thẩm phán H. phân tích: “Đã là bạn bè thì hôm nay người ta mời, hôm sau mình phải mời lại. Đến lúc tính tiền, trong túi có 10.000 đồng ông quê lắm chứ!”.

Mấy ngày sau, bà lên tòa gặp Thẩm phán H. khi trên tay đang xách chiếc giỏ đi chợ, giọng bối rối: “Tôi đã đưa tiền thêm cho ông ấy rồi. Ông ấy đã hứa rút đơn và phấn khởi lắm. Thẩm phán giúp tôi khuyên ông ấy tiêu ít tiền thôi với”.

Vui khi nhìn thấy đương sự chở nhau về

Thẩm phán X. của TAND quận Bình Tân (TP.HCM) từng xử rất nhiều vụ án ly hôn. Để đưa ra quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho đương sự ly hôn, chị phải đưa ra rất nhiều tình tiết để cân đong đo đếm. Nếu thấy hai người còn tình yêu, chị sẽ tìm mọi cách để hàn gắn gia đình họ. Có một vụ án mà sau khi xử xong, nhìn thấy hai đương sự vui vẻ chở nhau về, vị thẩm phán đã rất vui.

Chồng là người thành đạt, kiếm được rất nhiều tiền nhưng không đưa cho vợ. Mọi tài sản trong gia đình chị không được đứng tên. Con bị bệnh, mỗi tháng phải truyền máu một lần nhưng anh chẳng quan tâm, suốt ngày cũng chỉ biết đến công việc. Thấy mình không được quan tâm, chị ngoại tình. Dù anh hứa sẽ tha thứ nhưng cứ lấy đó để chì chiết, miệt thị và đánh vợ. Chị nộp đơn ly hôn.

Anh năn nỉ mong vợ tha thứ và hứa cho chị đứng tên tài sản, chị vẫn làm căng: “Tôi biết mình cặp với người kia là sai nhưng giờ hết rồi thì đừng dày vò, chì chiết rồi cứ tức lên là đánh…”.

Cuối cùng Thẩm phán X. bác đơn của người vợ, người chồng vui mừng nói lời cám ơn tòa.

Vụ án kết thúc, hai người vui vẻ chở nhau về. Thời gian sau, người vợ gọi cho thẩm phán cám ơn. “Cám ơn thẩm phán đã không cho tôi ly hôn. Gia đình tôi đã hạnh phúc hơn nhiều rồi…”.

_______________________________

70% nguyên nhân dẫn đến gia đình đổ vỡ là do mâu thuẫn vụn, tính trong tổng số 22.989 vụ ly hôn ngành thụ lý năm 2014.

Thống kê của ngành TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm