Mỏi mắt tìm 100 bài thơ tình tặng vợ

“Hình như các nhà thơ, nhất là nam giới, thường làm thơ tặng mẹ, tặng người yêu, tặng bồ nhí, tặng người trong mộng... chứ rất ít người tặng vợ. Khi đặt ra tiêu chí để làm cuốn sách thơ tình tặng vợ, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, vì thấy rằng hình ảnh người vợ xứng đáng xuất hiện nhiều hơn nữa trong các bài thơ tình. Nhưng sau hai năm, các bài thơ tình tặng vợ gửi về ban tuyển chọn vẫn không đủ số lượng” - Nhà thơ Lâm Xuân Thi chia sẻ.

100 bài thơ tình tặng vợ... dở dang

Mỏi mắt tìm 100 bài thơ tình tặng vợ ảnh 1

Các ấn phẩm trưng bày trong Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM 2011. Có bao nhiêu bài thơ tình tặng vợ trong các ấn phẩm thơ này?
 
Theo kế hoạch của cuốn sách Thơ tình tặng vợ, mỗi bài thơ được in trong tuyển thơ này sẽ được Quỹ Tình thơ trả nhuận bút 1 triệu đồng. So với mặt bằng nhuận bút hiện nay trả cho thơ trên các báo, con số “1 triệu đồng/bài thơ” là khá cao. Quỹ Tình thơ cho hay, nhuận bút như vậy nhằm thể hiện tinh thần tôn trọng thơ, tôn trọng sự sáng tạo của các nhà thơ và tôn trọng các bà vợ - nàng thơ của các ông chồng. Ấy vậy nhưng, các nhà thơ vẫn không “mặn mà” lắm với việc làm thơ tình tặng vợ, khi chỉ có lác đác vài chục nhà thơ gửi tác phẩm về ban tuyển chọn.

“Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng có câu: “Mình ơi tôi gọi là nhà/ Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi”. Thi sĩ Xuân Diệu viết: “Em có tài nấu nướng/ Anh có tài ngợi khen”. Nhưng người yêu thơ nào cũng biết, cả Bùi Giáng và Xuân Diệu đều sống độc thân đến cuối đời. Như vậy, Xuân Diệu và Bùi Giáng làm những câu thơ trên phần nào thể hiện mong ước về một gia đình, hay đúng hơn là về một người vợ để chia sớt ngọt bùi, đắng cay. Hai thi sĩ tài danh của chúng ta còn như thế, lẽ nào các nhà thơ đang có vợ lại khó khăn khi làm thơ tình tặng vợ mình? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vì biết đâu, khi không có vợ, các nam nhà thơ “dễ dàng” làm thơ tình tặng vợ dù là “trong tưởng tượng” hơn chăng?!

Việc thơ tình tặng vợ sau hai năm vẫn còn dở dang không chỉ vì các nhà thơ “ít mặn” làm thơ tình tặng người đầu gối tay ấp với mình. Thơ tình tặng vợ dở dang còn vì thông tin thực hiện cuốn sách này không rộng rãi đến với đông đảo người yêu thơ và các nhà thơ. Theo tìm hiểu của TT&VH, ở ta hiện nay, có nhiều người “sống được” nhờ chuyên làm các tuyển thơ kiểu như thế. Chẳng hạn, một người đứng ra làm “đầu trò” vận động người yêu thơ gửi thơ về cho “tuyển thơ” theo một chủ đề định sẵn. Thường thì, kinh phí để in “tuyển thơ” kiểu như vậy, các tác giả có mặt trong “tuyển” phải bỏ tiền túi. Sự “góp phần” của từng tác giả không theo một “mức” cụ thể nào mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi người.

Nhà thơ Lâm Xuân Thi hy vọng, nhân ngày 8/3 năm nay, các nhà thơ thay vì tặng hoa chọ vợ thì sẽ tặng vợ một bài thơ tình. Sau đó hãy mang bài thơ này gửi đến Quỹ Tình thơ để góp phần “tôn vinh các bà vợ” trong cuốn sách Thơ tình tặng vợ.

Thơ tình tặng vợ: Ít nhưng nhiều tình

Nhà thơ Nguyễn Duy từng xuất bản hẳn một tập thơ mang tên Vợ ơi. Trong thơ Nguyễn Duy, có nhiều câu đầy tâm trạng: “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng/ Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Mảnh này vì con mảnh này vì vợ.../ Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu/ Ta giàu lắm mà con ta đói lắm/ Ta ngất ngưởng mà vợ ta lận đận...”. Một nhà thơ cũng nổi tiếng yêu vợ và làm nhiều thơ tặng vợ là Trần Mạnh Hảo.

Nhưng xem ra, các nhà thơ làm thơ về vợ nhiều như Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo ở ta quá ít. Tuy vậy, thơ tình tặng vợ trong văn chương Việt dù ít nhưng nhiều bài chất lượng nhờ cái tình chuyển tải qua từng câu chữ. Hẳn người Việt nào cũng biết bài Thương vợ của cụ Tú Xương: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặng lội thân cò nơi quãng vắng...”.

Hẳn người yêu thơ nào cũng nhớ Màu tím hoa sim của Hữu Loan viết về người vợ trẻ vắng số trong thời ly loạn: “...Ngày hợp hôn/ nàng không đòi may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân/ đôi giày đinh/ bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh/ bên anh chồng độc đáo/ Tôi ở đơn vị về/ Cưới nhau xong là đi...”.

Nhà thơ Thanh Tùng là trường hợp khá đặc biệt khi ông hai lần làm thơ tình tặng vợ. Nói đặc biệt “hai lần” là bởi bài Thời hoa đỏ được Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc nổi tiếng được Thanh Tùng tặng người vợ đầu khi hay tin bà qua đời: “...Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say...”. Lần thứ hai, Thanh Tùng làm thơ tình tặng vợ khi ông được vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng mai mối tái hôn với một người phụ nữ tại TP.HCM. Vào sống với người vợ mới khi tuổi đời đã “xế bóng”, Thanh Tùng rưng rưng: “Anh đang sống trong ngôi nhà của em/ được mua bằng cả một thời cô đơn thiếu nữ”.

Thơ tình tặng vợ còn nhiều bài rất... tình. Nhà thơ Thuận Hữu với Những phút xao lòng: “Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu/ Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ/ Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế/ Yêu một cô, giờ cô ấy đã có chồng...”. Nhà thơ Hồ Dzếnh với Bài thơ tặng vợ: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời/ Mai này tới phút chia đôi/ Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau”.

Hoặc thơ tình tặng vợ chan chứa tiếng cười, như nhà thơ Tú Sót với những câu đã thành truyền khẩu: “Hôm nay mùng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà một nắm xôi/ Sợ bụng bà xấu tôi xơi hộ bà”. Hay như nhà thơ Nguyệt Lãng, Đầu năm làm thơ tặng vợ thế này: “Từ lúc ta làm chim có tổ/ Vợ lo cho ta mọi thứ trong nhà/ Chị ta chưa chắc tốt như vậy/ Thật đúng là bà mẹ thứ ba.../ Đi đâu - Vợ đã lo nơi đến/ Quần áo may có vợ chọn màu/ Sắm sửa trong ngoài vợ đã tính/ Chỉ cần ta biểu quyết... gật đầu/ Sợ ta ngờ nghệch bị lừa đảo/ Vợ giúp giùm ta chọn... bạn hiền/ Ra đường cứ sợ quân giật dọc/ Vợ giúp giùm ta cất giữ tiền/ Vợ lo lắng từ A đến Z/ Để cho ta trọn vẹn cùng thơ/ Ta thấy sướng như thời... bao cấp/ Cảm ơn đời cơ chế xin cho...”. 


Theo Trần Hoàng Nhân (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm