Món quà cuối cùng của người mẹ ung thư

Những ngày cuối năm 2019, theo chân đoàn công tác Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và Ngân hàng Mắt TP.HCM, chúng tôi đến thăm những gia đình có người thân đã hiến tạng. Đoàn cũng đã trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế cho những người đã dành các bộ phận cơ thể giúp hồi sinh những cuộc đời khác.

Di nguyện cuối đời

Trong ngôi nhà mới khang trang ở ấp 3, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, anh Trần Bá Trình (45 tuổi) đi tới lui soạn trà nước mời khách. Giữa nhà là bàn thờ đơn sơ nhưng tươm tất của chị Nguyễn Thị Thảo, vợ anh. Cách đây sáu tháng, trước khi ra đi ở tuổi 42 vì căn bệnh ung thư quái ác, chị đã hiến đôi mắt của mình cho hai người được thấy ánh sáng.

Giữa những di vật của vợ, anh Trình lục tìm tấm thẻ đăng ký hiến tạng còn rất mới. Tấm thẻ này được chị Thảo làm khi vừa phát hiện dấu hiệu của căn bệnh. Lúc ấy không ai nghĩ đó là tiền căn của căn bệnh ung thư trực tràng vào đầu năm 2017. “Cứ như linh tính mách bảo cô ấy không còn sống được bao lâu trên cõi đời này” - giọng anh Trình nghèn nghẹn.

Khi còn sống, chị Thảo vẫn thường đi chùa làm công quả và vận động phát quà cho người nghèo. Mỗi lần gặp những người mù chị rất hay mủi lòng. Cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiến tạng khoe với chồng, chị Thảo chia sẻ sẽ hiến tất cả tạng cho những người cần đến. Tuy nhiên, sau khi biết chỉ hiến được đôi mắt vì mắc bệnh ung thư, chị cũng hơi buồn.

“Thảo dặn đi dặn lại tôi phải lưu số của bệnh viện để khi Thảo mất thì kịp gọi cho họ đến lấy đôi mắt” - anh Trình kể. Quyết định hiến tạng của chị Thảo dù còn mới mẻ với anh nhưng thấy quyết tâm của vợ nên anh không đắn đo suy nghĩ nhiều. Điều anh lo lắng là các con còn quá nhỏ, chưa hiểu được di nguyện của mẹ.

Trước khi ra đi, chị Thảo ngày ngày nhỏ to tâm sự với các con, con gái lớn 17 tuổi, hai con trai 14 tuổi và bốn tuổi. Từ đó các con cũng dần hiểu được tâm nguyện của mẹ nên rất bình tĩnh khi mẹ cho đi đôi mắt.

Con gái anh chị còn quay video cảnh bác sĩ đến lấy đôi mắt chia sẻ cho các bạn và thầy cô giáo ở lớp. “Nghe con về kể bạn bè, thầy cô khi biết chuyện rất ủng hộ việc làm của mẹ cháu” - anh Trình nói.

Anh Trần Bá Trình đặt kỷ niệm chương của Bộ Y tế lên bàn thờ của vợ, chị Nguyễn Thị Thảo. Ảnh: HOÀNG LAN

“Mắt của em sáng lắm!”

Trước đây vợ chồng anh Trình sống ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), dọn về nhà mới được hai năm thì chị Thảo mất. Ở nơi mới, anh chị ra sức trồng mấy trăm gốc thanh long để cải thiện cuộc sống và lo cho các con ăn học.

Những ngày cuối đời, dù xanh xao, mệt mỏi, bụng sưng phù sau khi truyền hóa chất, chị Thảo vẫn cố ra vườn chăm bón từng gốc thanh long. Chòm xóm nhìn vào ai cũng thương mến sự chịu thương chịu khó của hai vợ chồng.

Nhà ở sát vách, chị Cao Thị Hồng Ánh (45 tuổi) thường xuyên qua lại với chị Thảo. Lo lúc tang gia bối rối lỡ gia đình quên mất di nguyện của mình, chị Thảo cũng gửi gắm điều ấy với chị Ánh.

13.000 là số lá đơn đăng ký hiến tạng sau mất hiện có ở BV Chợ Rẫy, con số này đang không ngừng tăng lên từng ngày. 

“Những ngày cuối đời, bỏ qua sự đau đớn Thảo chỉ chăm chăm hiến được đôi mắt. Thảo đưa tôi cái thẻ, dặn: “Lúc nào em mất, nếu gia đình rối quá không nhớ thì chị phải nhớ gọi BV xuống kịp thời. Cơ thể em không còn gì để cho nữa ngoại trừ giác mạc. Mắt của em sáng lắm nhe chị, nhất định chị không được quên điều đó!”” - chị Ánh kể, đôi mắt đỏ hoe ngước nhìn lên vì nước mắt cứ chực rơi.

Trong những ngày tháng cuối chống chọi với bệnh tật, chị Thảo từng chia sẻ muốn tự giải thoát thật sớm khỏi đau đớn bằng một liều thuốc độc. Thế nhưng nghĩ tới niềm vui của những người phải sống trong bóng tối triền miên khi thấy được ánh sáng, chị đã quyết tâm chiến đấu với căn bệnh đến hơi thở cuối cùng.

“Thảo nói nếu tự tử sẽ không hiến được giác mạc nên phải ráng. Với tôi đó là cả một sự cố gắng phi thường. Trước đây tôi chỉ thấy việc hiến tạng qua báo mạng, truyền hình nhưng sau khi chứng kiến người thật, việc thật, tôi đã có động lực để làm điều tương tự” - chị Ánh trải lòng.

Gần 900 người được hồi sinh nhờ ghép tạng

BV Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho 862 trường hợp. Trong đó nhận thận từ người cho sống là 811 trường hợp, 51 ca ghép nhận từ người cho chết não hoặc ngừng tim, đặc biệt có những ca ghép tạng xuyên Việt ngoạn mục. Chỉ riêng BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 34 người hiến tạng chết não, 13 người hiến tạng ngừng tim.

ThS LÊ MINH HIỂNTrưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm