Một đời điều trị giữ chi cho bệnh nhân ung thư

Gặp chúng tôi vào một chiều nắng vàng, thảnh thơi bên tách trà, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui khi kể vừa hội ngộ cô bệnh nhân cũ đã được ông mổ ung thư xương cách đây hơn 10 năm và rất mừng vì cô khỏe mạnh.

Cô bệnh nhân có lẽ là người ở xa nhất mà ông từng chữa trị. Nghe tin ông được vinh danh ở Hà Nội, cô vội gác công việc đến cổ vũ vị ân nhân đã làm thay đổi cuộc đời cô. Cô là một trong số rất nhiều bệnh nhân ông vẫn giữ liên lạc và cập nhật tình hình của họ.

Trong số những bệnh nhân cũ ngày ấy, có người nay đã trở thành đồng nghiệp gần gũi của ông là điều dưỡng Nguyễn Thị D., hiện làm việc tại Khoa Bệnh học Cơ-Xương-Khớp BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Chị D. cũng lặn lội từ TP.HCM ra để trao bó hoa tươi thắm cảm ơn ông đã giúp chị viết tiếp cuộc sống.

“Bệnh nhân mắc ung thư xương rất khó trị, ảnh hưởng tâm sinh lý nặng nề. Đa số bệnh nhân mắc ung thư xương đều nghèo. Cái nghèo chồng lên cái khổ, phải nói là cái khổ đến tận cùng” - PGS-BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nội soi khớp - Y học thể thao Đông Nam Á, nguyên Trưởng khoa Bệnh học cơ-xương-khớp BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, lý giải vì sao ông theo đuổi chuyên ngành bướu xương.

Thấm thía y đức GS Hoàng Tiến Bảo

PGS Lê Chí Dũng sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, mảnh đất nghèo với gió Lào và triền miên bão lụt. Thời đi học, cậu bé Dũng mong muốn sẽ học y để xoa dịu nỗi đau của người dân quê mình. Đến khi là sinh viên y khoa, ông may mắn được làm học trò của GS Hoàng Tiến Bảo, Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình, ĐH Y Dược TP.HCM,  được coi là người đặt nền móng cho ngành cột sống và bướu xương-phần mềm Việt Nam. Đây là người thầy lớn đã ảnh hưởng sâu sắc đến con đường y nghiệp sau này của ông. PGS Dũng chia sẻ ông nhớ mãi hình ảnh GS Hoàng Tiến Bảo mỗi buổi sáng lót dạ với củ khoai lang rồi đứng mổ cột sống hơn tám tiếng đồng hồ cho các bệnh nhân, tối đến ông lại đạp xe vào bệnh viện thăm người bệnh. Tấm lòng cao quý của GS Bảo dành cho nghề y, với PGS Dũng, hơn hàng trăm bài học y đức mà ông đã được học.

Một lý do quan trọng khác thúc đẩy PGS Dũng chọn mảng bệnh lý ung thư xương chính là bệnh nhân. Ông nhớ lại những năm 1990, những ai mắc bướu xương thì coi như án tử treo lơ lửng. Bướu xương quái ác bởi thường xuất hiện ở những bệnh nhân tuổi chưa đầy đôi mươi. Do chưa có khoa điều trị riêng nên bệnh nhân bướu xương thường phải điều trị ở rải rác các bệnh viện và bị xếp vào loại ung thư thiểu số nên ít được quan tâm.

“Bướu xương di căn rất nhanh. Kể từ khi phát hiện có tế bào ung thư xương trong cơ thể, một tháng sau đã di căn. Dù có bị đoạn chi thì bệnh nhân vẫn chết” - ông cho hay. Căn bệnh nghiệt ngã đến mức GS Hoàng Tiến Bảo dù nhiều năm học hỏi và tiếp thu tiến bộ của y học thế giới cũng từng tặng PGS Dũng hai câu thơ:“Bướu xương nào có khó gì/ Lành thời cắt đoạn, ác thời la mort (chết)”.

PGS-BS Lê Chí Dũng, người đã giúp hàng trăm bệnh nhân ung thư xương giữ lại được tay chân.  Ảnh: H.LAN

“Cắt thì dễ, giữ lại mới khó”

“Việc ứng dụng điều trị bảo tồn chi trên bệnh nhân ung thư xương của tôi là kết hợp của nhiều yếu tố, từ sự tiến bộ đồng loạt của kỹ thuật hóa trị, kỹ thuật mổ, gây mê hồi sức, chăm sóc hậu phẫu... Không có những yếu tố trên thì điều trị khó thành công” - PGS Lê Chí Dũng nhận định.

Như người chỉ huy công trình trưởng, PGS Lê Chí Dũng là người lên ý tưởng và sắp xếp, bố cục xuyên suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư xương. Để điều trị bảo tồn chi và duy trì cuộc sống cho người bệnh, trước tiên bệnh nhân sẽ được làm hóa trị ba đợt để gom khối bướu xương lại, sau đó phẫu thuật để cắt bỏ hoàn toàn khối bướu và cắt ghép xương mới, thay thế vào chỗ khuyết vừa cắt để cố định khung xương, giúp người bệnh có thể vận động sau mổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hóa trị thêm ba đợt nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể.

Vừa qua, PGS-BS Lê Chí Dũng được vinh danh tại giải thưởng Kova với công trình “Phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương”. Trước đó, PGS-BS Dũng đã được Chủ tịch nước phong tặng huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2004 và danh hiệu Thầy thuốc nhân dân vào năm 2010. 

Nhớ lại những ngày đầu triển khai kỹ thuật, PGS cho biết ông “vừa làm mà vừa run”. “Mặc dù kỹ thuật hóa trị đã được áp dụng điều trị trên các bệnh ung thư khác nhưng đối với ung thư xương, trước tôi chưa ai từng trải nghiệm. Để thực hiện được ca hóa trị đầu tiên, tôi phải mày mò nghiên cứu các phác đồ hóa trị của thế giới vì ai cũng biết hóa trị là con dao hai lưỡi” - PGS Lê Chí Dũng nhớ lại.

Ngoài ra, điều trị ung thư xương trước nay chỉ có cách xử trí đoạn chi. Nhưng như quan điểm của PGS Lê Chí Dũng: “Cắt chi thì dễ, giữ chi lại mới khó”. “Nghe bướu xương tưởng rất cứng nhưng thực ra ung thư xương mềm nhão như óc heo. Nếu làm nặng tay thì không những sẽ làm đứt mạch máu, thần kinh mà còn khiến khối bướu rất dễ vỡ ra, gieo rắc tế bào ung thư tùm lum trong mô xung quanh. Cho nên thao tác của kíp mổ đối với khối bướu phải là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, cắt trong mô bình thường cách xa bướu. Sau khi cắt rồi còn phải ghép xương rất phức tạp. Phẫu thuật một ca ung thư xương nhưng thực ra là có năm cuộc mổ trong một cuộc mổ” - PGS Dũng miêu tả sự khó khăn khi đối diện chuyên ngành bướu xương khiến chùng tay bất cứ ai.

Đau đáu về bệnh nhân không nhạy với hóa trị

Điều khiến PGS-BS Lê Chí Dũng lâu nay luôn trăn trở, đó là làm sao nâng cao tỉ lệ chữa trị thành công đối với bệnh nhân ung thư xương có thể trạng không nhạy với hóa trị. Ông xót xa mãi về trường hợp “sơn ca” Lê Thanh Thúy, người truyền cảm hứng cho báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Ước mơ của Thúy” giúp đỡ nhiều bệnh nhi ung thư những năm qua. Bởi Thúy là bệnh nhân không nhạy với hóa trị, dù được ông phẫu thuật năm lần nhưng vẫn không giữ được mạng sống.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.