Nàng Kiều khỏa thân trên bìa sách: Đẹp hay “nhức mắt“?

Bìa tập sách Truyện Thúy Kiều với tranh bìa gây dư luận - Ảnh: Nhã Nam
Bìa tập sách Truyện Thúy Kiều với tranh bìa gây dư luận. Ảnh: Nhã Nam

Nhân năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (3-1-1765 – 3-1-2015), Công ty Sách Nhã Nam đã phối hợp với NXB Thế giới ấn hành một bản Kiều mới với nhan đề Truyện Thúy Kiều do hai tác giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.

Và Truyện Kiều lần nữa được độc giả và dư luận quan tâm, lần này liên quan đến "dung nhan" của nàng Kiều trên bìa sách.

"Hơi... lõa lồ"?

Sáng 11-11, nhà văn Đoàn Minh Phượng chia sẻ lại tấm ảnh đăng bìa sách Truyện Thúy Kiều của Nhã Nam lên trang cá nhân của mình với trạng thái khá thất vọng: “Nhã Nam làm bìa sách cho Nguyễn Du. Thôi thế là xong hẳn”.

Theo thông tin từ Công ty Sách Nhã Nam, ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết.

Cũng theo Nhã Nam, lần tái bản năm 2015 này có bổ sung một số phụ bản tranh minh họa lấy từTập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Đây là tập sách bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó, của các họa sĩ Vịệt Nam hàng đầu thời bấy giờ như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du vào năm 1942.

Ngay lập tức chia sẻ này của chị nhận được 100 ý kiền đồng tình và trên cả hai trang (trang cá nhân của nhà văn Đoàn Minh Phượng, trang mạng xã hội của Công ty Nhã Nam sau khi đăng bìa tập sách này) đều có rất nhiều bình luận khác nhau của độc giả.

Độc giả Sơn Tùng nhận xét: “Đây đáng lẽ là bìa của tập thơ Hồ Xuân Hương thì hợp hơn”.

Độc giả Hai Cai Lậy gay gắt: “Văn hóa người làm chủ biên, làm biên tập sách, thiết kế bìa cuốn sách này tỏ ra thô tục. Không thể tiếp nhận được”.

Độc giả Quỳnh Mai lên tiếng: “Kiểu như oan hồn vọng về nơi chín suối ấy ạ, lại còn hơi... lõa lồ. Không hiểu ý đồ nghệ thuật của anh thiết kế là gì”.

Ngoài thất vọng về bìa sách, nhiều độc giả còn thắc mắc: “Tại sao không phải là Truyện Kiều mà lại là Truyện Thúy Kiều?”…

Minh họa thế nào cho một tác phẩm lớn?

Tuy nhiên, giữa những phản ứng thất vọng, cũng có rất nhiều độc giả trích đăng lên mạng xã hội hình ảnh gốc của bức vẽ được chọn in trên bìa sách lần này.

Đó là bức tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ - xuất thân từ Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương - trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942. 23 năm sau, bức tranh cũng đã được in trên bìa tờ Bình Minh - số đặc biệt nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, xuất bản năm 1965.

Bức vẽ được đăng trên bìa tờBình Minh-số đặc biệt nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, năm 1965 - Ảnh: Vũ Hà Tuệ
Bức vẽ được đăng trên bìa tờ Bình Minh - số đặc biệt nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, năm 1965. Ảnh: Vũ Hà Tuệ

Riêng nhà văn Đoàn Minh Phượng nói cho rõ thêm quan điểm cá nhân của chị về vấn đề này:

“Từ xưa, đã có bao nhiêu người vịnh Kiều, vẽ Kiều rồi. Không phải nằm trong một cuốn sách giấy cũ úa vàng, chỉ may đã xộc xệch là thẩm mỹ của tranh không tệ hại và người thời trước không thấy như vậy.

Họa sĩ bị giới hạn bởi sự hiểu tác phẩm, khả năng và thời đại của mình trong khi Nguyễn Du thì phi thời gian và còn sẽ được đọc theo thẩm mỹ của bao nhiêu đời về sau".

"Làm bìa chỉ nên lấy một tác phẩm lớn để minh họa cho một tác phẩm lớn hoặc chỉ in chữ mà thôi” - tác giả của Và khi tro bụi viết.

Không bình luận và tôn trọng ý kiến riêng của nhà văn Đoàn Minh Phượng nhưng trước làn sóng công kích bìa sách gắn với quan niệm "thuần phong mỹ tục", độc giả Thao Lam viết:

"Tôi không thấy bìa này đẹp nhưng không có nghĩa là nó đáng bị công kích về thuần phong mỹ tục. Nói thật, tôi phát ngán lên được với cụm từ này. Và tôi cũng phát khiếp với các nhà đạo đức nhan nhản".

Sử dụng tranh để làm bìa là việc khó

Ở góc độ mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Như Huy bình luận:

"Tranh thì đẹp, nhưng bìa thì, theo chủ ý mình không ổn. Cái hình tứ giác trên đó in chữ 200 năm đặt ở đó can thiệp thô bạo vào bố cục tranh và làm mất đi sự thanh thoát vốn có của bức tranh.

Mỗi bức tranh, khi họa sĩ ngưng vẽ và kíý tên vào, đều đạt tới một độ hoàn hảo về bố cục, đến mức một chấm nhỏ thêm vào cũng phá vỡ toàn bộ tổng thể.

Do đó việc sử dụng một bức tranh để làm bìa là một việc rất khó, chứ không phải là việc cứ lấy một bức tranh đẹp và rồi đặt chữ với các hoa văn trang trí khác lên".

Theo MINH TRANG/TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm