Nghỉ dịch, người trẻ tận dụng cơ hội lo tương lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau gần bốn tháng nghỉ dịch, các bạn trẻ đã có được lối sống lành mạnh như tập gym, yoga tại nhà; học nấu ăn, trồng cây; chăm sóc bản thân và gia đình. Đặc biệt, người trẻ còn học hỏi, tích lũy cho mình những kiến thức mới mẻ như tiếp cận các phần mềm thiết kế, học cách áp dụng công nghệ vào cuộc sống hay học chuyên sâu về da, khám phá bộ môn Nhân số học,...

Trau dồi, ôn luyện kiến thức cũ

Trần Bảo Như (23 tuổi) là một thông dịch viên tiếng Hàn. Trong thời gian nghỉ dịch, Như nhận dịch văn bản và dạy học tiếng Hàn online. Vì học và làm việc bằng tiếng Hàn quá nhiều nên Như đã lơ là tiếng Anh. Nhân lúc có nhiều thời gian rảnh, Như quyết định củng cố kiến thức Anh ngữ của mình mỗi ngày. Cô nghĩ đây là thời đại hội nhập nên chỉ biết mỗi tiếng Hàn thôi chưa đủ, cần phải lưu loát thêm tiếng Anh thì tương lai sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Vì có căn bản sẵn nên Như đã tự ôn lại tiếng Anh bằng các phần mềm trên điện thoại, máy tính. Mỗi tối, cô dành thời gian để luyện nghe bằng cách xem video trên youtube hoặc phim ảnh, luyện đọc sách tiếng Anh và gọi điện để luyện nói với bạn bè.

Như tâm sự: "Quyết tâm là thế nhưng vì tự học ở nhà nên đôi khi tôi hơi lười, phải rất cố gắng trong mấy bữa đầu thì mấy bữa sau tôi mới tự giác đến giờ là ngồi vào bàn để học. Sau khoảng thời gian tự ôn luyện thì tiếng Anh của tôi đã khá hơn rất nhiều. Thật may vì tôi đã quyết tâm học hành mà không để lãng phí những tháng ngày nghỉ dịch”.

Ngoài ra, tranh thủ lúc nghỉ dịch ở nhà, Bảo Như còn học chuyên sâu về chăm sóc da. Như nói: "Tôi thích skincare, thích làm đẹp nên nhân tiện đợt này tôi học chuyên sâu vào nó để chăm sóc làn da của mình. Sau này nếu có ý định kinh doanh mỹ phẩm thì tôi cũng có nền tảng để biết chọn sản phẩm tốt".

Giống Bảo Như, L.H.D. Trinh (22 tuổi) trước đây cũng là một thông dịch viên, vì
dịch bệnh nên cô chuyển sang làm việc online tại nhà. Trong mùa dịch, Trinh có cơ hội nhìn nhận lại tầm quan trọng của việc học, tranh thủ ôn luyện kiến thức cũ và học thêm khóa học mới về áp dụng công nghệ vào cuộc sống. Mục đích là để nâng cao kiến thức về khoa học công nghệ và áp dụng vào công việc sau này.

Trinh chia sẻ: "Thông thường tôi đi làm, đi học rất bận nên không có thời gian riêng để nghiêm túc học thêm một cái mới. Mặc dù học online không thể nắm chắc kiến thức một trăm phần trăm được nhưng tôi đã cố gắng hoàn thành khóa học và được cấp một chứng chỉ cho riêng mình".

Trinh còn tâm sự trong thời gian nghỉ dịch, nếu học thêm một cái gì đó sẽ vừa không lãng phí thời gian mà còn giúp mình hiểu biết nhiều hơn. Dù mùa dịch không thể ra ngoài vui chơi giải trí nhưng cô cảm thấy cuộc sống của mình vẫn thú vị và đầy màu sắc.

Chứng chỉ hoàn thành khóa học Áp dụng công nghệ vào cuộc sống của
Trinh. Ảnh: NVCC

Tìm tòi, học hỏi những cái mới

Nguyễn Thị Bích Phượng (23 tuổi) vốn là một giáo viên tiếng Anh ở trung tâm. Những ngày nghỉ dịch, Phượng chỉ ở nhà viết quảng cáo nên có nhiều thời gian
rảnh. Thế là cô quyết định học thêm một cái gì đó để thời gian không trôi qua vô nghĩa. Cô được người quen giới thiệu về Canva – một phần mềm thiết kế đồ họa. Vì cũng thích thiết kế nên cô đã tò mò học thử và tập thiết kế hình ảnh để đăng trên mạng xã hội.

Phượng dành ra từ 2 đến 3 tiếng mỗi ngày để mày mò và tự học Canva trên youtube. Những ngày đầu tiên, cô học các bước cơ bản như tìm màu, chèn chữ, tìm ảnh,.... Sau đó cô lấy một thiết kế bất kì để làm mẫu và tập theo, rồi tự sáng tạo mẫu và thiết kế theo ý mình.

"Lúc trước tôi cũng thích học thiết kế nhưng vì không có nhiều thời gian nên tôi
chưa học được. Nhân sẵn cơ hội nghỉ dịch, bản thân cũng rảnh rỗi hơn nên đã thử tập tành tự học. Tôi nghĩ học thêm một kỹ năng mới để tích lũy sẽ giúp mình phát triển bản thân hoặc xa hơn nữa là có thêm nhiều cơ hội việc làm trong tương lai" - Bích Phượng tâm sự.

Bích Phượng dành ra từ 2 đến 3 tiếng mỗi ngày để mày mò và tự học Canva
trên máy tính. Ảnh: NVCC

Phượng cho biết thêm, vì phần mềm thiết kế Canva giao diện dễ sử dụng, thao tác đơn giản nên cô tự mày mò cũng không quá khó khăn. "Tự học ở nhà nên đôi khi tôi hay lười biếng, không tập trung hết cỡ. Tuy nhiên vì tò mò và thích thú nên sau một tháng học Canva, tôi đã có thể làm những thiết kế cơ bản phục vụ cho công việc viết quảng cáo của mình. Tôi nghĩ nếu luyện thêm nữa thì tôi có thể nhận các công việc bán thời gian về thiết kế. Tranh thủ lúc nghỉ dịch để học thêm Canva có lẽ là một quyết định đúng đắn của tôi" – Bích Phượng trải lòng.

Còn Đặng Văn Thiện (21 tuổi) là sinh viên năm cuối, đồng thời cũng là một thợ
chụp ảnh tự do. Mấy tháng nghỉ dịch, Thiện nhận những công việc thiết kế tại nhà, tranh thủ học thêm về các phần mềm bổ trợ cho công việc của mình. Ngoài ra, Thiện còn tập tành nấu ăn, đọc sách và học khóa học về Nhân số học.

“Lúc trước tôi sống nuông chiều sở thích của bản thân, ồ ạt chạy theo cảm xúc của chính mình. Rồi dịch COVID-19 đến, tôi học cách sống chậm lại, nhìn mọi thứ với ánh mắt hiền hoà hơn, quan sát và ngẫm nghĩ về những điều tích cực. Tôi bắt đầu tìm hiểu về hành trình khám phá bản thân. Như một cái duyên, vô tình tôi xem được đoạn clip về Nhân số học trên youtube, vì thích thú nên tôi bắt đầu tìm hiểu về ý nghĩa của các con số ứng với cuộc đời mình” – Thiện bộc bạch.

Chứng nhận hoàn thành khóa học Nhân số học của Đặng Văn Thiện. Ảnh:
NVCC

Theo Thiện, Nhân số học giúp anh tìm kiếm được câu trả lời cho những vấn đề
tương đối bí ẩn trong cuộc sống của mình. Nhờ tìm hiểu về nó, anh đã học được một số cách để thấu hiểu và cải thiện cuộc sống, hướng về những điều tích cực. Thiện còn nói Nhân số học giúp anh chín chắn, hòa hợp hơn với những người xung quanh, đồng thời duy trì cuộc sống khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Thiện còn chia sẻ rằng, trong thời điểm dịch bệnh, anh lựa chọn tránh những thông tin tiêu cực và tìm đến những điều tích cực. “Tôi dành thời gian đọc những cuốn sách mà lúc trước không có thời gian đọc, học thêm các phần mềm như PTS, AI,... để giúp ích cho công việc của mình. Sau gần bốn tháng nghỉ dịch, tôi thấy mình nấu ăn giỏi hơn, chăm sóc bản thân giỏi hơn.

Điều tôi mãn nguyện nhất trong thời gian nghỉ dịch là đã hoàn thành khóa học về Nhân số học. Tôi tin ai cũng có sở thích của riêng mình, việc tìm kiếm và học những điều mình thích sẽ giúp yêu cuộc sống này hơn. Và tôi nghĩ cách tốt nhất để chống lại dịch bệnh là có một tinh thần vui vẻ và thể trạng khỏe mạnh” – Thiện trải lòng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.