Nghĩ về cách mạng Tháng Mười Nga

Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Từ cổ vũ và thôi thúc của cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản - Quốc tế thứ ba do Lênin sáng lập ra đời. Một trong những sự kiện quyết định đến sự lựa chọn dứt khoát con đường của cách mạng Việt Nam đó là khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc của Lênin. Sau đó Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII đảng Xã hội Pháp diễn ra cuối năm 1920 ở TP Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.

Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết Nga tại Đại hội các Xô Viết được triệu tập ngày 7-11-1917. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết cuốn Đường Kách mệnh làm tài liệu huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Trong tác phẩm viết về đạo đức cách mạng quan trọng và sớm nhất này, những bài học của cách mạng thế giới đã được Hồ Chí Minh đưa ra phân tích. Người rút ra chân lý rằng trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Và muốn cách mệnh thành công thì phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều này Người đã nhiều lần khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” để rồi từ đó Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước để xây dựng nên một chính đảng cách mạng.

Về sự cần thiết của cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “… Những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sự sống của cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó tựa như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc. Đi theo con đường của Lênin, những người cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; xây dựng đất nước trong hòa bình và đã thu được những thành quả to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Từ một dân tộc không có tên trên bản đồ thế giới trước năm 1945, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới, có quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã có lần được bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cơ quan quyền lực nhất của tổ chức quốc tế lớn nhất, rộng rãi nhất… Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao…

Là một dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam vẫn sẽ không quên cách mạng Tháng Mười Nga!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm