Nghiệp đoàn nhiếp ảnh “bắt chẹt” đoàn viên

Nghiệp đoàn nhiếp ảnh ở khu du lịch Núi Sam gồm 12 tổ (mỗi tổ 18-20 người) hoạt động theo ca, sáu ca ngày và sáu ca đêm, luân phiên xoay vòng ở các điểm du lịch trong khu vực theo sự điều phối của ban lãnh đạo. Theo các thợ chụp ảnh phản ánh, mấy năm nay họ phải đóng nhiều khoản tiền do ban lãnh đạo nghiệp đoàn áp đặt.

Phải nộp nhiều khoản

Cụ thể, với những thợ chụp ảnh làm ca ngày, hằng ngày vào cuối ca lúc 18 giờ, mỗi tổ sẽ gom hết tiền thu được trong ngày để chia đều cho anh em trong tổ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo nghiệp đoàn quy định rằng trước khi chia tiền, mỗi tổ phải đóng tiền đầu ca cho nghiệp đoàn 20.000-100.000 đồng tùy theo khu vực hoạt động. “Tổ chụp ảnh khu vực miếu bà Chúa Xứ phải nộp 100.000 đồng/ngày; tổ trên đỉnh núi Sam nộp 50.000 đồng/ngày; các tổ khu vực chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, chùa Huỳnh Đạo… nộp 20.000 đồng/ngày do ít khách hơn các điểm khác” - thợ ảnh tên X (tên đã được thay đổi) cho biết.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh Châu Đốc còn tự đặt ra nội quy với những điều khoản chế tài rất ngặt nghèo để xử lý những đoàn viên nghiệp đoàn và thợ ảnh thời vụ nào dám lên tiếng phản ứng. Cụ thể, nội quy quy định: Nếu vi phạm các điều khoản nội quy, đoàn viên và thợ chụp ảnh thời vụ sẽ bị cắt 1-3 ca trực và nộp phạt 100.000-200.000 đồng, treo máy (cấm hành nghề) 1-3 tháng hoặc khai trừ khỏi nghiệp đoàn.

Nghiệp đoàn nhiếp ảnh “bắt chẹt” đoàn viên ảnh 1

Thợ chụp ảnh ở khu du lịch Núi Sam phải đóng khá nhiều khoản cho nghiệp đoàn. Ảnh: HÙNG ANH

Gần đây nhất, khi tổ trưởng tổ 8 xin thôi giữ chức, 18 tổ viên thống nhất bầu ông Hồ Tính lên thay. Tuy nhiên, ban lãnh đạo nghiệp đoàn không đồng ý mà đưa người ở tổ khác về làm tổ trưởng. Các đoàn viên của tổ 8 viết đơn khiếu nại thì lập tức ban lãnh đạo nghiệp đoàn “xử phạt” mỗi người 300.000 đồng. Sau đó, do mọi người phản ứng nên nghiệp đoàn giảm còn 100.000 đồng/người nhưng đình chỉ hoạt động ông Nguyễn Văn Be sáu ngày, bốn đêm vì “dám viết đơn khiếu nại giùm tập thể”. Chính vì sợ bị phạt, cắt ca, treo máy mất công ăn việc làm mà các thợ chụp ảnh tiếp xúc với chúng tôi đều yêu cầu báo chí đừng nêu danh tánh của họ.

Liên đoàn lao động không biết?

Ngày 31-3, chúng tôi đến Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Châu Đốc hỏi về những khiếu nại của thợ chụp ảnh nghiệp đoàn nhiếp ảnh. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, một cán bộ hỏi chúng tôi: “Căn cứ vào đâu để nói nghiệp đoàn nhiếp ảnh làm sai?”. Thấy chúng tôi có bản nội quy của nghiệp đoàn trong tay, vị cán bộ này lại hỏi: “Ở đâu mấy anh có văn bản này?”. Sau đó, một cán bộ khác ngồi ở bàn ghi bảng Phó Chủ tịch LĐLĐ nói: Về các khoản tiền thu phí, phạt vạ và các nguồn thu chi của nghiệp đoàn, LĐLĐ thị xã không biết gì hết, không thể cung cấp thông tin, trả lời báo chí. Vị cán bộ này xác nhận ông chính là phó chủ tịch liên đoàn nhưng từ chối cho chúng tôi biết họ tên.

Sau khi chúng tôi rời khỏi trụ sở LĐLĐ thị xã Châu Đốc chừng 30 phút, các thợ ảnh ở khu du lịch Núi Sam gọi điện thoại cho biết các lãnh đạo nghiệp đoàn nhiếp ảnh đang truy tìm xem thợ chụp ảnh nào khiếu nại, cung cấp thông tin cho báo chí để xử lý kỷ luật.

Ngày 1-4, chúng tôi liên hệ với ông Võ Tuấn Khanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Khanh ngỏ lời xin lỗi vì thái độ làm việc của các cán bộ LĐLĐ thị xã. Ông cho biết ban lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chưa biết về những khiếu nại của thợ chụp ảnh thuộc Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh Châu Đốc bởi chưa hề nghe LĐLĐ thị xã Châu Đốc thông tin, báo cáo. Ông cho biết: “Tôi xin ghi nhận sự việc và sẽ cho kiểm tra làm rõ trong thời gian sớm nhất để trả lời cho báo chí”.

Ngoài tiền đầu ca, các thợ ảnh còn phải nộp cho nghiệp đoàn 200 đồng/tấm ảnh chụp cho du khách và mỗi ngày phải đóng 1.000 đồng/người vào quỹ khuyến học của nghiệp đoàn. Ngoài ra, mỗi đoàn viên còn phải đóng góp quỹ nghiệp đoàn với số tiền 120.000 đồng/năm. Nhiều thợ ảnh cho biết nếu tính từ năm 2009 đến nay, số tiền họ đóng góp cho nghiệp đoàn rất lớn nhưng không biết được sử dụng vào việc gì vì ban lãnh đạo nghiệp đoàn không công khai minh bạch tài chính.

Lâu nay hoạt động của các nghiệp đoàn rất phức tạp, đến mức chúng tôi đã phải giải tán nhiều nghiệp đoàn. Nếu các nội quy, mức xử phạt, tiền bạc quy định thợ chụp ảnh phải đóng góp cho nghiệp đoàn được tập thể thống nhất biểu quyết, lãnh đạo nghiệp đoàn công khai minh bạch thu chi và mục đích sử dụng, chắc chắn các thợ chụp ảnh sẽ không có phản ứng hay khiếu nại, tố cáo đến báo chí.

Ông VÕ TUẤN KHANH, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm