NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH - BÀI 4:

Ngón ngũ trảo của Ngô Bông

Uy lực ngũ trảo hổ

Ở cái tuổi 79 nhưng thân pháp của võ sư Ngô Bông vẫn mềm mại như rồng, mau lẹ như báo, mãnh liệt như hổ. Ánh mắt như xuyên thấu tâm can đối thủ, mười ngón tay quắp lại hình ngũ trảo tung ra, vuốt vào, xoáy tròn, bất thần đập ngược trở lại. Gân cốt trên bắp tay của lão võ sư như cuộn dây thừng bện chặt. Bất cứ vật gì rơi vào vòng xoắn của ngũ trảo thép đều bị bấu nát và bẻ gãy trong nháy mắt.

Bắt đầu theo nghiệp võ từ năm 11 tuổi. Suốt mấy chục năm tầm sư học đạo, khổ luyện những chiêu thức tinh hoa của võ nghệ, võ sư Ngô Bông đã thông thạo được nhiều tuyệt kỹ: đao, thương, kiếm, côn, quyền… Thời đó, võ sư Bảo Tuy Phong và Lâm Võ - hai người thầy lừng danh ở Quảng Ngãi đã đặt cho người học trò của mình biệt danh Lâm Hổ. Bởi võ sư Ngô Bông đã nhiều năm khổ luyện thành công các bài Hắc hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm. Để có bộ trảo như móng vuốt của hổ, ông đã khổ công luyện thiết sa chưởng với cát, sỏi. Từ đó, mười ngón tay dường như có thể chọc thủng tường gạch, phá tan đá, gỗ; mỗi lần tung đòn, uy lực của ngũ trảo ào ạt như vũ bão.

Qua câu chuyện thì suốt mấy chục năm qua, đòn ngũ trảo đã theo ông phiêu bạt ra Bắc, vào Nam, qua Thái Lan…thi đấu không biết bao nhiêu trận và đều mang về chiến thắng vang dội.

Ngoài võ thuật, sở thích nuôi gà chọi có liên quan với niềm đam mê võ thuật của lão võ sư Ngô Bông - một trong những truyền nhân của bài võ Hùng kê quyền nổi tiếng của anh em nhà Tây Sơn tam kiệt ngoài hàng loạt bài: Nghiêm thương của Nguyễn Huệ, Thanh Long đại chiến, Hùng gia quyền, Mai hoa quyền…

Ngón ngũ trảo của Ngô Bông ảnh 1

Ngũ trảo như thép của lão võ sư Ngô Bông (trái). Truyền dạy võ thuật cho các thế hệ sau là tâm niệm lớn nhất của ông.

Dạy võ cho “trung đội mồ côi”

Cha bị bắt đưa đi Côn Lôn khi ông vừa sinh ra được ba ngày. Người mẹ vào Nam tìm chồng cũng bặt tin và chết sau đó ít lâu. Ban ngày chăn trâu, ban đêm ông và bạn bè bí mật vào khu Gò Cháy để học võ của cậu Sáu - một người uyên thâm võ học của Tây Sơn. Thời đó, nếu lý trưởng, hương mục và ông trùm mà phát hiện học võ thì tất cả sẽ bị phạt bỏ vào nhà lao. Mỗi lần tập xong, ông mò về nhà và cố nuốt hai bát cơm nguội ụp chung.

Lớn lên trong cảnh côi cút và cùng cực, lão võ sư Ngô Bông dường như thấu hiểu cuộc đời như võ học: “Võ thì cả đời cũng không thể biết hết được; học võ cốt để giúp đời”. Tâm niệm điều này, thời trai trẻ ông đã mang võ học đi đánh giặc. Các địa danh Tu Bông, Dốc Mõ, Dốc Quýt, Xóm Cút đều lần lượt in dấu chân ông. Trở thành lính của Tiểu đoàn 365 đóng quân tại Phú Yên.

“Ai vật khỏe nhất sẽ được thưởng” - trong một lần nghe Tiểu đoàn trưởng Hà Duy Tùng tuyên bố, chàng trai cân nặng 58 kg đã xông ra đọ sức với người cận vệ của tiểu đoàn trưởng có sức khỏe như voi, nặng 72 kg. Lần lượt ba hiệp, ông tung đòn tảo địa cước, kết hợp với thế quật của Hùng kê quyền và ném chàng cận vệ khổng lồ này lăn kềnh ra đất. Từ đó, ông trở thành cận vệ số một suốt ba năm của tiểu đoàn trưởng. Sau đó, Trung đội mồ côi có 48 người được thành lập và ông chịu trách nhiệm huấn luyện võ thuật. Điều đặc biệt là tất cả những người trong đơn vị này đều có hoàn cảnh không cha mẹ. Dù vũ khí còn thiếu thốn, chỉ có độc khẩu Max76, tuy nhiên trung đội mồ côi đã làm điên đầu bọn giặc.

Nhiều trận đánh giáp lá cà, biệt danh lâm tướng của ông lại nổi như cồn bởi lúc cận chiến, nhiều tên giặc đã ngã gục dưới uy lực của ngũ trảo từ trong rừng bất thần xuất hiện. “Lúc bom rơi, đạn nổ, sức mạnh của ngũ trảo dường như khó có thể lường được” - ông cho biết. Với sức vóc như hổ, nhiều trận ông cõng đồng đội bị thương chạy băng băng thoát ra khỏi họng súng. Rồi trong một trận đánh, ông bị thương nặng và phải trở về quê để an dưỡng và tiếp tục ôn luyện nghiệp võ.

Nặng lòng với võ Tây Sơn

Ngoài võ thuật được học của nhiều sư phụ, kinh nghiệm ông thu nạp được nhờ nhiều trận tử chiến với những võ sĩ lừng danh thiên hạ. Ông từng qua Thái Lan nghênh chiến bốn lần thì bị thua một, huề một, thắng hai. “Gay go và ác liệt nhất là gặp võ sĩ Phi-nát, nó toàn chơi đòn phá ngựa, chỏ lật rất gian ác. Trận đầu bị nó đánh rớt ngay sau vài hiệp. Về luyện tập và tiếp tục qua giao đấu. Ròng rã sáu hiệp, hai bên bắt tay xin hòa” - ông kể lại những trận tử chiến của mình.

Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như bạch hổ

Phủ quan ngân kiếm tựa thanh long

Xuyên khung độc tiễn tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu thủ tứ hung

Khiêu, tẩu, rượt, đâm thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung…

Trong hội nghị chuyên môn toàn quốc võ cổ truyền năm 1993, bài Hùng kê quyền do ông biểu diễn đã được bình chọn vào danh sách các bài võ thống nhất của võ cổ truyền Việt Nam. Ghi nhận sự đóng góp của ông, Ủy ban Thể dục thể thao đã tặng võ sư Ngô Bông huy chương Vì sự nghiệp thể dục thể thao.

Đó là lời thiệu trong bài Hùng kê quyền của Nguyễn Nhạc…Đọc lời thiệu xong, ông đi một lượt bài Hùng kê quyền.

Còn đây là lời thiệu trong bài “Thanh long đại pháp nhị kim cương” của Triệu Tử Long, một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc mà sau này nghĩa quân Tây Sơn cũng sử dụng…Ông đi như múa với cây đại đao đầy mãnh lực. Dù đã già nhưng trí nhớ ông dường như thuộc làu những điều đã học trong võ thuật.

Gia đình lão võ sư Ngô Bông có tám người con, Ngô Lâm Em và Ngô Sỹ là hai con trai nối nghiệp võ của cha. Ngoài ra, ông còn có hàng ngàn môn sinh được truyền thụ võ thuật. “Nghề võ không giàu nhưng cả đời tôi mong truyền thụ cho con cháu, sau này không mất đi những tinh hoa mà các thế hệ cha ông đã khổ luyện để giữ gìn non sông, bờ cõi” - hỏi về dự định trong tương lai, lão võ sư Ngô Bông chia sẻ tâm nguyện của mình trong những ngày cuối năm như vậy.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Bài 5: Nền võ học chân truyền

Hiếm có sư phụ võ nghệ nào truyền thụ hết nghề cho các đệ tử. Họ viện lẽ: Giữ lại đòn hiểm để phòng thân, sợ trò phản, tìm không được đệ tử chân truyền…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm