Người có 7 bà mẹ, cả trăm anh em

Sáng cuối tuần, không gian BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM) trầm lắng, yên tĩnh. Chỉ thoáng nhìn ở phía công viên đã thấy khá nhiều bệnh nhân được đưa ra ngoài hóng gió.

Chăm sóc hơn 15 bà mẹ

Tiếp chuyện với một phụ nữ đang chăm sóc một bà cụ, chị cho biết tên là Nguyễn Thị Bắc, 41 tuổi, Đồng Tháp, chỉ là một người nuôi bệnh. Chị Bắc nhẩm tính đã gắn bó hơn chín năm với công việc này. Nhìn chị vui vẻ khi chọc cười cụ Thảo (người bệnh chị Bắc chăm sóc, ngụ quận 6) đến cách chị thuần thục trở cụ Thảo qua lại, tỉ mỉ lau từng ngón tay... ít người nghĩ chị với cụ Thảo chỉ là người dưng. Thậm chí nếu khoác trên mình bộ đồ màu trắng, chắc hẳn người lạ dễ nhầm chị là một điều dưỡng lành nghề, chuyên nghiệp.

Xuất thân từ một gia đình trí thức, chồng là giáo viên, chị Bắc có một cô con gái làm việc trong ngành y, gia đình khá giả nhưng chị vẫn tin trên đời này nghề vẫn chọn người. Chị kể năm 2007, khi lên phụ chăm sóc dì ruột gần năm tháng tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng nghề nghiệp, chị quen dần với nếp sống tại bệnh viện. Vì nhà có con làm ngành y nên chị cũng có khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc người bệnh.

“Tôi không phải qua khóa đào tạo nào của bệnh viện nhưng có dư kinh nghiệm làm nghề này từ lâu nay rồi. Những việc chăm sóc bệnh nhân từ đo thủy, đo độ nóng, hút đàm… đến cho ăn bằng đường ống. Khi truyền nước biển phải theo dõi bao nhiêu phút, bao nhiêu giây tôi đều rành hết. Khi dì khỏe, tôi về quê trở lại công việc bếp núc nhưng được hơn một tuần lại thấy thiếu thiếu, lạ lẫm. Và tôi quyết định lên đây, gắn bó với cái nghề này”.

Chị Lê Thị Hồng Diễm chăm cụ ông tại BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp. Ảnh: HP

Chị Nguyễn Thị Bắc, Đồng Tháp, người làm nghề chăm bệnh lâu năm tại BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp. Ảnh: HP

Kể từ khi gắn bó với nghề, chị Bắc đã chăm sóc cho hơn 15 người mẹ, người bà tại đây. Già nhất cũng 92 tuổi, trẻ thì 58-60 tuổi. Các cụ vào đây nếu không bại não cũng liệt nửa người, sinh hoạt cá nhân như ăn uống, thay đồ... một tay chị chăm lo. Ngoài ra, phải túc trực giờ thuốc, 24/24 giờ quan sát người bệnh, lỡ có triệu chứng gì phải báo ngay với bác sĩ, thế nên giấc ngủ cũng chập chờn.

“Cực thì rất cực nên không phải ai cũng gắn bó lâu dài được. Nhiều gia đình họ tốt với mình, đối xử có nghĩa có tình nên tôi xem các cụ như mẹ. Có cụ chăm xong rồi cũng gần đất xa trời, về nhà lo hậu sự. Tôi thấy may mắn vì giờ có đến bảy người mẹ, cả trăm người anh em. Đau ốm, khó khăn gì cũng được hỏi thăm, quan tâm như ruột thịt, tôi thấy mình còn nhận được nhiều hơn. Đó là động lực để tôi luôn làm tốt công việc, luôn yêu thương người bệnh như chính gia đình mình” - chị Bắc vui vẻ nói.

Chỉ mong người bệnh cười với mình

Chỉ riêng BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp mỗi ngày đã có tới hơn 30 người chăm bệnh thuê. Họ đa phần là phụ nữ, tứ xứ, người thì vì mưu sinh, người thì yêu nghề nhưng chung quy lại đều có đặc điểm chung là chịu thương, chịu khó. Bởi nếu như thuận tay, phụ nữ được chăm sóc phụ nữ thì câu chuyện đã khác. Đằng này người bệnh có cả nam giới, các ông cụ đã già.

“Mỗi ngày 300.000 đồng tiền công có xá gì. Tôi chăm một thanh niên 30 tuổi, bị liệt cả người, tắm giặt, lau người, thay tã, dọn phân hằng ngày cũng ngại lắm chứ. Đến chồng mình cũng chưa bao giờ chăm sóc như thế. Nhưng nó là cái nghề, đã làm là làm cho tới nơi tới chốn” - chị Lê Thanh Diệu (42 tuổi, Phù Cát, Bình Định) tâm sự.

Chị Diệu kể gặp bệnh nhân hiền thì không sao. Có trường hợp người chăm sóc bị người bệnh làm khó, không hợp tác gây phiền phức, than phiền với bệnh viện là coi như mất việc.

Chị Châu Thị Thúy (37 tuổi, Sóc Trăng) trước làm nghề bán vé số, tình cờ nghe người quen giới thiệu việc chăm sóc người bệnh, mỗi ngày được 200.000 đồng ở BV Bình Dân nên chị làm thử. Công việc hằng ngày của chị là cho người bệnh ăn, tắm, cho uống thuốc, nói chuyện với người bệnh... Đến tối chị mới trải chiếc chiếu dưới sàn ngả lưng nhưng chỉ ngả lưng thôi chứ không dám ngủ. “Việc của mình là phải ráng thức canh chừng người bệnh, có biểu hiện gì lạ thì phải báo ngay để y, bác sĩ theo dõi. Tuy cực nhưng được cái thanh thản. Chỉ mong họ mau khỏe lại, cười với mình như người nhà là đủ lắm rồi!” - chị Thúy kể.

Bệnh viện mở khóa đào tạo chăm sóc người bệnh

Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, điều dưỡng trưởng BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho biết từ năm 2005, được sự cho phép từ Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện đã mở khóa đào tạo chăm sóc bệnh nhân cho người nuôi bệnh. Trong khóa học này, người nuôi bệnh phải học chăm sóc từng loại bệnh, được đào tạo về cách tiếp xúc với bệnh nhân, thực hành bắt mạch, đo huyết áp, hút đàm, massage cho người bệnh có thể cảm giác. Khó hơn là chăm sóc các vết thương bị lở loét, thay tã, sửa tư thế nằm cho đúng với bệnh…

Đến nay bệnh viện đã đào tạo được 13 khóa với hàng trăm người được cấp chứng chỉ. Cũng theo điều dưỡng Hồng, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chỉ là tự phát nên không riêng gì BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, vấn đề quản lý về con người, an toàn bệnh nhân và cả người chăm sóc là khá khó khăn. Do đó mở lớp đào tạo sẽ giải quyết được phần nào các vấn đề trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm