Ngày Gia đình Việt Nam:

Người đàn ông hiếu thảo, giữ lửa cho đại gia đình

Anh là Trần Vũ Bình, Phó chánh Văn phòng VKSND Tối cao, trưởng đại diện Văn phòng VKSND Tối cao tại TP. HCM. Anh còn có tên khác là Trần Kiến Xương, con trai của anh hùng lực lượng vũ trang Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai), hiện anh là trưởng đại diện Văn phòng VKSND Tối cao phía Nam. Anh đã bỏ nhiều thời gian đi tìm kiếm, sưu tầm, mua lại những kỷ vật cũ của cha anh. Tháng 4 vừa rồi, anh đã trao tặng một trong những chiếc xe hơi cổ rất đắt tiền cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình, quê nội. Đó là cách anh giữ gìn kỷ vật của cha.

Khổ nhọc mua lại gần chục xe cổ của cha

Khi anh Bình còn nhỏ, để đảm bảo an toàn cho cả gia đình, cha anh rất ít khi ghé thăm mấy mẹ con anh. Ông Mai Hồng Quế khi ấy là một nhà tư sản giàu có nức tiếng, làm việc cho một tổ chức Mỹ, tạo được vỏ bọc thân chính quyền Sài Gòn. Không ai biết vợ con của ông cũng như chuyện ông làm cách mạng, trừ cấp trên của ông. Sau mỗi chuyến xe bí mật chở vũ khí vào nội thành, ông Quế lại bán đi mua xe mới, tránh việc bị nhòm ngó. Anh Bình và các anh chị em lúc đó mang họ mẹ. Mỗi lần cha tới thăm, anh phải gọi cha bằng bác.

Đất nước thống nhất, cha anh chỉ giữ lại một căn nhà để cả gia đình quây quần, còn lại hiến toàn bộ khối tài sản lớn cho Nhà nước. Cuộc sống những ngày đầu hòa bình rất khó khăn. Anh Bình kể: “Tôi từng xin cha cho nuôi một con chó nhưng cha tôi không cho phép vì sẽ tốn thêm cơm nuôi. Lúc đó tôi còn nhỏ, không thấu hiểu hết sự khó khăn của thời cuộc, chỉ thấy giận cha ghê gớm”. Thỉnh thoảng cha anh “làm sang” mua về một tô phở, rồi bỏ thêm nước, thêm muối để nấu thành một nồi phở chan với cơm cho sáu đứa con.

Lớn lên anh Bình quyết tâm lập thân, lập nghiệp như cha anh. Anh nghĩ tới trách nhiệm của mình với gia đình và quyết tìm mua lại những kỷ vật của cha đã thất lạc khắp nơi.

Anh lần tìm được những người đang sở hữu những chiếc xe cổ hàng hiệu của cha ngày xưa để xin mua lại. Người đầu tiên anh gặp đã đuổi anh về, mắng anh làm chuyện “rách việc không đâu”. Anh quay lại lần thứ hai, anh này vẫn đuổi về. Lần thứ ba, người này ra giá rất cao để anh bỏ cuộc. Anh lại tới nhiều lần nữa xin trình bày nguồn gốc lịch sử của chiếc xe và nguyện vọng của gia đình. Người này lại mắng cho anh một trận té tát vì đã quá kiên nhẫn làm họ… mủi lòng. Họ bán cho anh với giá rẻ hơn giá xe cổ trên thị trường rất nhiều, từ chối luôn cả những người nước ngoài đến ngã giá. Bằng cách mưa dầm thấm lâu, anh Bình đã mua lại gần chục chiếc xe cổ của cha để tặng lại các bảo tàng.

Gia đình anh Bình trong buổi trao tặng xe cổ của cha anh cho bảo tàng tỉnh Thái Bình. 

Ngoài ra, anh đã bỏ nhiều thời gian phục dựng các căn hầm bí mật, là nơi cha anh đã tạo dựng và hoạt động trước kia trong nội thành Sài Gòn. Anh luôn cho các con đi cùng và kể cho các con nghe những câu chuyện về truyền thống cách mạng của gia đình.

Giúp mẹ… bận bịu tuổi già

Mẹ anh Bình, cụ bà Đặng Thị Thiệp, đang ở trong một căn nhà nhỏ trong hẻm ở quận 1. Cụ nói: “Tôi già rồi, thích ở đây, đi lại cho thoải mái. Con cháu ngày nào cũng ghé đến ăn cơm, trò chuyện”.

Anh Trần Vũ Bình chia sẻ: “Ở công việc của mình, thường xuyên chứng kiến nhiều vụ việc người thân trong nhà kiện tụng, chia lìa vì tài sản, rất đau lòng. Gia đình tôi đông người, anh em tôi cũng đã gầy dựng được cuộc sống tốt dù chưa thể so với cha tôi. Điều giữ cho gia đình tôi không bao giờ xảy ra tị nạnh, bất hòa là lòng hiếu thảo, trên kính dưới nhường. Khi có lòng hiếu thảo, mọi người sẽ tự có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, không ai bị bỏ rơi. Nếu không có lòng hiếu thảo, mọi riềng mối sẽ gãy đứt hết”.

Anh Trần Vũ Bình (bìa phải) đưa má và các đồng đội của cha đến thăm di tích nhà Thiếu tướng Trần Hải Phụng (tư lệnh biệt động Sài Gòn). Anh Bình là người tìm kiếm, kết nối các cựu chiến sĩ biệt động thành, đồng đội cũ của cha. Ảnh gia đình cung cấp

Anh Bình giữ vai trò như một nhạc trưởng trong gia đình. Anh tâm sự: “Tôi biết má tôi ham làm việc, bà sợ cảm giác trở thành người vô dụng. Tôi “lệnh” cho các anh em, cháu chắt ở gần mỗi ngày phải ghé qua ăn cơm với má một lần”. Ngay bản thân anh Bình, sau giờ làm anh cũng chạy về nhà ăn cơm tối với mẹ, trò chuyện với bà rồi mới về nhà. Vậy nên ngày nào mẹ anh cũng tất bật nấu cơm, tính toán sao cho đứa nào cũng có món ruột nó thích mà không đụng lại ngày hôm qua, hôm kia. “Chỉ riêng tính chuyện đó thôi là má tôi đủ mệt rồi, nhưng má tôi vui lắm! Bà thấy bà rất có vai trò trong nhà” - anh Bình vui vẻ cho hay.

Mẹ anh tảo tần nhưng không giỏi buôn bán. Tuy vậy, tháng nào anh cũng gửi mẹ chút tiền để bà “tính toán” vài chuyện giúp con cháu. Rồi vài bữa anh lại về “xin tiền” mẹ, nghe mẹ góp ý hoặc cằn nhằn. Các anh em, dâu rể của anh Bình cũng bắt chước y vậy.

Bởi vậy, cụ bà Đặng Thị Thiệp lúc nào cũng bận rộn, nét cười ánh lên trong mắt. Ở tuổi 78 mà rất nhiều người đoán bà chỉ ngoài 50. Trò chuyện một lúc, bà lại ngước nhìn đồng hồ, canh thời gian để đón những đứa cháu về nhà và tính toán coi “mai nấu cho tụi nó món gì”.

“Buộc” mẹ nuôi gà giải khuây

Anh Trần Vũ Bình mua được một mảnh vườn ở Củ Chi để mẹ anh có thêm “nghề tay trái” là nuôi gà. Anh và mọi người trong gia đình giấu nhẹm chuyện bán gà thường xuyên lỗ tiền cám, chỉ thi thoảng mới có lời. Anh nói: “Má tôi thích làm việc thì phải tạo cơ hội cho má làm việc. Đây cũng là kinh nghiệm của tôi. Tôi thấy nhiều người cũng mê làm việc như má tôi mà con cháu bắt nghỉ, không cho làm gì, riết rồi họ đâm buồn, đâm bệnh. Gia đình tôi rất hạnh phúc vì má sống vui như vậy”.

Chịu ảnh hưởng lớn từ người cha nghiêm khắc

Các con tôi rất có hiếu và chịu ảnh hưởng lớn từ cha. Chồng tôi dạy con rất nghiêm khắc. Ông dạy con phải biết hiếu lễ, không coi trọng của cải. Ông có một người vợ trước là đồng chí đã hy sinh, không có con. Các con tôi đã về quê bà ấy nhận anh em, họ hàng. Điều đó chắc an ủi vong linh bà ấy và chồng tôi.

ĐẶNG THỊ THIỆP, vợ anh hùng lực lượng vũ trang
Mai Hồng Quế, mẹ của anh Trần Vũ Bình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm