Người khuyết tật đi làm từ thiện

Di chứng sốt bại liệt từ lúc ba tháng tuổi đã khiến thân hình lành lặn, bình thường không còn nữa nhưng đối với Lê Bảo Cường thế đã là may mắn. Và anh nghĩ, mình còn nợ cuộc đời nhiều lắm.

Lừa một người tật nguyền để được gì?

Gặp Cường lần đầu tiên khi anh đang ôm một thùng quà đi phát cho những người nghèo sống trên hè phố. Ngồi sau xe của anh tài xế lớn con càng khiến hình ảnh Cường nhỏ bé, mỏng manh. Thỉnh thoảng xe vấp ổ gà, thân hình Cường rung lên như sắp ngã tới nơi. Cánh tay lều khều bám vào vai tài xế, Cường cố giữ thăng bằng. Mặt khác, niềm vui của những người sắp được nhận quà hình như cũng là một thứ thăng bằng đối với Cường.

Công việc “hành chính” của Cường là theo dõi hành trình và ký lệnh điều phối các chuyến xe buýt ở Công ty MTV Xe khách Sài Gòn. Không ngồi cố định ở một bến xe nào, mỗi ngày từ 4 giờ sáng, Cường nhờ xe ôm đưa ra trạm rồi bắt xe buýt để đến chỗ làm. Công việc vất vả nhưng một ngày làm, một ngày nghỉ giúp anh có thời gian để làm việc khác nhiều hơn.

“Việc khác” mà Cường nói là công việc của chủ nhiệm Chi hội thiện nguyện Thiện Chơn. Chi hội có gần 1.000 thành viên hoạt động gần một năm nay ở các tỉnh, thành Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM và ở cả Tokyo (Nhật Bản). Hằng tháng các chi hội viết kế hoạch để gửi về cho Cường, anh sẽ duyệt và góp ý, thậm chí hỗ trợ kinh phí để các bạn làm. Nhiều suất cơm tiếp sức mùa thi, nhiều căn nhà tình nghĩa, nhiều suất học bổng, nhiều tấm chăn… đã kịp thời đến với những hoàn cảnh khó khăn. Đi lại phải có người bồng hoặc phải lết bằng đôi chân teo tóp nhưng đối với những “ca khó”, Cường không ngại đích thân lặn lội đi thẩm định thực hư và tìm cách giúp đỡ. Trong một số trường hợp, Cường lợi dụng hình thức của mình để khai thác thêm thông tin. “Xác suất tôi bị nói xạo chắc thấp thôi, vì lừa một người khuyết tật như tôi thì được gì?” - Cường hóm hỉnh nói.

Đã lên kế hoạch rồi thì phải thực hiện đúng thời gian, không thể trông chờ hết vào mạnh thường quân, kinh phí cần 5 triệu đồng nhưng chỉ vận động được 3 triệu đồng thì Cường vẫn làm. Chính vì nghĩ vậy mà Cường phải xuất tiền túi ra thường xuyên, thậm chí mượn tiền rồi xoay xở trả sau. Hỏi anh giúp người xong rồi có khi nào trắng tay, không ai giúp lại thì Cường cười phá lên: “Nhiều người hỏi tôi câu đó. Nếu nghĩ vậy thì tôi đã không làm rồi. Lần sau tôi sẽ tính toán kỹ hơn đối với những hoạt động quy mô”.

 
Lê Bảo Cường được người trong chi hội thiện nguyện cõng trong lần đến thăm Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng ở Đà Nẵng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Gội đầu cho người tâm thần

Đây là hoạt động sắp tới của chi hội tại TP.HCM đối với hơn 550 bệnh nhân tại BV Tâm thần Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Ý tưởng này bắt nguồn từ sau lần đến thăm và phát bánh mì cho bệnh nhân ở đây. “Lần đầu đi đến đây, gặp những người có tâm lý không bình thường, không riêng gì tôi mà các bạn cũng cảm thấy sợ nhưng tiếp xúc rồi tôi mới thấy họ thật đáng thương, rất nghe lời, hồn nhiên, trong sáng như những trẻ con. Bao nỗi sợ tự tan biến hết, cảm giác mình được nhận nhiều hơn là cho” - Cường xúc động nói.

Về con đường làm thiện nguyện của mình, anh trầm ngâm: “Mỗi khi gặp những cụ già phải ngủ ngoài đường, không chăn gối là tôi lại cảm thấy mình còn may mắn. Mỗi lần đi chơi, mình có thể chi ra 200.000-300.000 đồng nhưng với số tiền đó, những người nghèo có thể sống cả tuần. Đây là động lực thôi thúc tôi bớt đi chút ít niềm hạnh phúc của mình để mang đến nụ cười cho họ dù là ngắn ngủi”. “Nụ cười của bạn là hạnh phúc của tôi”, phương châm của chi hội thiện nguyện đã nói lên được hết mục đích sống của Cường.

Hiện chi hội chưa sắm được áo đồng phục cho các thành viên vì chưa đủ kinh phí, lý do như Cường chia sẻ: “Nếu mình kêu gọi mua áo thì cũng được nhưng đi được vài bữa, các bạn không thích làm nữa thì cái áo đó chẳng có giá trị gì. Chi hội sẽ tặng áo cho những ai hoạt động từ thiện ba tháng thường xuyên mà không phải đóng góp bất cứ khoản nào thì các bạn mới trân trọng và hiểu ý nghĩa hoạt động mình đang tham gia”.

Làm từ thiện không thể bừa bãi được

“Có lần xe buýt chở tôi sắp chạy thì có một bà cụ níu xe lại, ai cũng tưởng bà bắt xe để đi, không ngờ bà chỉ tìm tôi và lò dò rút ra 50.000 đồng gửi tôi uống nước. Bất ngờ và xúc động, phải giải thích mãi bà cụ mới tin”. Cường tâm sự: “Có nhiều người lợi dụng lòng thương hại để kiếm sống nên không thể đụng ai cũng cho được. Điều này sẽ vô tình tạo nên tâm lý thực dụng. Đồng tiền của mạnh thường quân, của những bạn sinh viên, của chị gánh hàng xén phải đến được đúng đối tượng thì mới có ý nghĩa. Giúp đỡ người khác có khi chỉ là hỏi họ cần gì và tư vấn cho họ, giúp họ tìm việc làm, giới thiệu mái ấm hoặc những quán cơm giá rẻ trên địa bàn gần đó. Cũng có lần tôi trả lại tiền cho mạnh thường quân vì phát hiện ra sự thật. Làm từ thiện không thể bừa bãi được!”.

Cường kể nhờ có vẻ ngoài này mà anh tiếp cận, tìm hiểu nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có lần còn “được” rủ rê bao ăn ở rồi đi bán vé số. Có khi Cường bỏ ra ba ngày quan sát ba người giả dạng ăn xin lê lết dưới lòng lề đường thì biết tối về họ đi… vũ trường chơi!

HOÀNG LAN

 

Từ đầu tháng 5, quán cơm giá rẻ Thiện Chơn ở cuối đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh) cũng là nơi Cường trọ sẽ hoạt động. Mỗi ngày quán phục vụ 200 phần với giá 5.000 đồng, Chủ nhật thì rẻ hơn nữa: 2.000 đồng, để phục vụ bà con nghèo. Hiện Cường đã vận động được kha khá muỗng, đũa, khay đựng cơm…

Cường quê ở Quy Nhơn, vào TP sống tự lập, bươn chải một mình đã năm năm. Hễ có thời gian là Cường lại sắp xếp tham gia hoạt động với các chi hội từ thiện khác, không nề hà đi lại khó khăn. Có thể nhanh nhẹn cắt thái rau và tự đi chợ nấu ăn, Cường làm chúng tôi phục lăn. Ở Cường có sự thẳng thắn, bộc trực, cá tính, vui vẻ, lạc quan khiến ai cũng thích gần gũi và tin tưởng.

Ông Nguyễn Đắc Bảo, Chủ nhiệm Chi hội Thiện nguyện Thứ Bảy nhân ái

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm