Người mất việc sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu để đào tạo nghề

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự thảo quyết định của Thủ tướng về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu mất việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề. Ảnh: V.LONG

Hai mức hỗ trợ đào tạo nghề
Theo đó, người tham gia BHTN nhưng mất việc làm được hỗ trợ hai gói như sau: Thứ nhất, nếu người lao động tham gia khóa đào tạo nghề đến ba tháng, mức hỗ trợ được tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Thứ hai, đối với người lao động tham gia khóa đào tạo nghề trên ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. 
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc quy định mức hỗ trợ trên là mức trần, vì vậy việc hỗ trợ học nghề vẫn dựa trên thực tế, tùy theo từng ngành nghề mà có mức hỗ trợ cụ thể. 
Hơn nữa, quy định mức hỗ trợ học nghề theo hai hình thức (theo gói và theo tháng) như trên sẽ đáp ứng được tất cả đối tượng người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông nên mong muốn học một nghề với thời gian ngắn (từ ba tháng trở xuống) để nhanh chóng tìm việc làm ngay. Do đó, quy định này tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia khóa học nghề ngắn hạn, kể cả đối với những ngành, nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. 
“Ví dụ, ông A có tham gia BHTN theo quy định nhưng thất nghiệp và có nhu cầu học khóa pha chế đồ uống tại Trường trung cấp nghề X với thời gian đào tạo là một tháng, với mức học phí là 2,5 triệu đồng/khóa. Chiếu theo dự thảo quyết định này, ông A được hỗ trợ học nghề với mức hỗ trợ học nghề là 2,5 triệu đồng/khóa... Như vậy, ông A sẽ không phải mất thêm chi phí đào tạo” - Bộ LĐ-TB&XH nêu dẫn chứng.

84.000 tỉ đồng là số kết dư của quỹ BHTN đến cuối năm 2020. 
Năm 2020, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Năm 2020 cũng ghi nhận hơn 26.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế. Việc tăng mức hỗ trợ trên của Bộ LĐ-TB&XH nhằm sử dụng hiệu quả, linh hoạt nguồn quỹ BHTN. 

Mức hỗ trợ đảm bảo độ an toàn của quỹ bảo hiểm
Cạnh đó, đơn vị này cho rằng việc quy định mức hỗ trợ học phí tối đa theo khóa học nghề sẽ giải quyết được vướng mắc, cùng một nghề nhưng tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp khác nhau lại có các mức học phí khác nhau, gây khó khăn cho người lao động trong việc lựa chọn địa điểm để tham gia khóa đào tạo nghề.
“Mặt khác, mức hỗ trợ học phí học nghề được quy định theo tháng sẽ đáp ứng nhu cầu của những người có nguyện vọng học nghề thời gian tương đối dài (trên ba tháng) với mục đích nâng cao tay nghề chuyên sâu, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, trong điều kiện gia tăng học phí học nghề do sự thay đổi của giá cả tiêu dùng, lạm phát...” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng mức hỗ trợ học nghề này là phù hợp với mức học phí học nghề thực tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đối với một số nghề mà người thất nghiệp thường có nhu cầu học. Tương đồng với các quy định về hỗ trợ học nghề hiện hành và đảm bảo thúc đẩy người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới.
Đặc biệt, các mức hỗ trợ nêu trên đều được đưa vào tính toán để đảm bảo độ an toàn của quỹ BHTN trong dài hạn. “Theo đó, nếu thay đổi mức hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay thành 1,5 triệu đồng/người/tháng với thời gian hỗ trợ học nghề là sáu tháng. Và 20% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, cùng với chi các chế độ khác và chi phí quản lý thì dự báo kết dư quỹ BHTN đến năm 2030 vẫn ở mức khoảng 2.296 tỉ đồng…” - Bộ LĐ-TB&XH dự báo.•

Nhu cầu học nghề ngày càng tăng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo báo cáo của các địa phương, người thất nghiệp có nhu cầu học nghề tăng. Năm 2018 có 37.977 người (tăng 9,3% so với năm 2017); năm 2019 có 41.906 người (tăng 10,3% so với năm 2018); năm 2020 có 26.507 người (giảm 36,7% so với năm 2019, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài).

Tuy nhiên, tỉ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao (khoảng 5%). Nguyên nhân, do mức hỗ trợ học nghề hiện nay (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng) thấp hơn nhiều so với mức chi phí học một số nghề như kỹ thuật trang điểm, lái xe hạng B2, lái xe hạng C... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm