Người phụ nữ bị mang đi giấu vì … dị dạng

Ngồi bên cạnh, bà Nhâm - mẹ ruột của chị chia sẻ: “Ngay từ khi sinh ra, nó phải chịu vô vàn thiệt thòi. Vì sợ tôi chấn động bởi ngoại hình dị dạng, bà ngoại đã đem giấu nó đi, chỉ lúc nào đói mới quấn khăn kín rồi đưa đến để tôi cho bú. Gần một tháng sau khi sinh tôi mới biết chuyện, lúc đó chỉ biết khóc vì thương con. Nhiều người khuyên tôi đưa nó vào chùa cho các sư nuôi nhưng tôi kiên quyết không đồng ý. Ấy vậy mà cũng mấy chục năm rồi”.

Bà kể những năm 1970, chồng từng làm thủ kho vật tư ở hợp tác xã nông nghiệp lúc bấy giờ. Có thể do tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu nên khi sinh Nguyệt bị thiếu tay. Lúc nhỏ không sao nhưng lớn lên một chút bị bạn bè trong xóm trêu ghẹo, đùa cợt. Cứ mỗi lần như thế Nguyệt lại chạy về hỏi mẹ tại sao mình không có tay. Nhìn con, bà chỉ biết khóc.

Người phụ nữ bị mang đi giấu vì … dị dạng ảnh 1

Việc học viết bằng chân đã giúp chị Nguyệt thay đổi cuộc đời. Ảnh: TP

Quá trình chăm sóc, nuôi lớn Nguyệt là cả một chặng đường đầy gian nan vì mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác. “Lúc còn ẵm, nó không thể tự lật mình trên giường, cũng không thể bò. Những lúc muốn di chuyển, nó chỉ biết khóc rồi nhoài hai chân ra. Thấy con vậy, lòng tôi đau như cắt” - bà Nhâm ngậm ngùi nhớ lại.

Ngày đầu đi học, Nguyệt dùng ngón chân kẹp viên phấn, dần dần kẹp được bút.

Tập viết thành công, việc học của Nguyệt cũng trở nên dễ dàng hơn. Nguyệt tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại khá. Ngày trao bằng, đích thân thầy hiệu trưởng đã tận tay trao và dành lời khen ngợi cho ý chí vươn lên của chị.

Ngoài việc học, Nguyệt cũng học cách làm các công việc sinh hoạt hằng ngày bằng đôi chân của mình. Ban đầu là tự rửa mặt, đánh răng, sau là tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng… Dần dà chị có thể làm tất tần tật mọi công việc bằng đôi chân ấy. Chỉ với đôi chân ấy, người phụ nữ nhỏ bé cứ thoăn thoắt làm mọi việc như nấu cơm, giặt quần áo, nghe điện thoại, thậm chí là chăm sóc cho đứa cháu nhỏ.

Chị Nguyệt còn tìm cách làm kinh tế để có tiền tự nuôi bản thân. Nhờ một chương trình từ thiện đã tặng bộ máy tính, chị tập gõ bàn phím bằng chân, học cách sử dụng máy, lên mạng đọc tin tức… Hai năm sau, chị đã mở được một cửa hiệu photocopy.

Chị cũng tìm cách chia lửa nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh tương tự như mình. Chị từng được mời về làm việc tại Trung tâm Đào tạo dạy nghề và phát triển Nhân đạo Hà Nội để chia sẻ về kỹ năng sống cho người đồng cảnh.

Cũng như bao nhiêu người khuyết tật khác, chị Nguyệt không muốn cộng đồng nhìn người khuyết tật với ánh nhìn thương hại. Bởi ngay cả các nhà làm luật cũng đã sửa từ “tàn tật” thành “khuyết tật” trong các văn bản luật kể từ khi Luật Người khuyết tật ra đời. Đơn giản vì họ chỉ khuyết chứ không tàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm