Người Sài Gòn nỗ lực ‘giải cứu’ bí đỏ

Tính đến thời điểm này đã có 15 điểm bán bí đỏ trên địa bàn TP.HCM do anh Phạm Công Chính, chủ trang trại Tám Khỏe, lập ra để hỗ trợ bà con nông dân.

Ngoài ra, anh Hồ Phúc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH & DV Quốc tế TIP TO Mã Lai, Phó ban Công tác xã hội của CLB Quản trị và Khởi nghiệp, cho biết đang lập thêm hai điểm bán ở quận 2 để cùng ủng hộ bà con nông dân.

“Cứu” bí, thương lái cũng quay lại mua cùng

Khoảng 2.700 tấn bí đỏ của bà con ở nông trường 717 (xã Cư Yang, huyện Eakar, Đắk Lắk) đã được thu hoạch nhưng thương lái không tới thu mua hoặc chỉ mua với giá 500-1.000 đồng/kg đã khiến người dân lao đao suốt thời gian qua. Trong khi đó nếu chỉ tính chi phí tưới tiêu, thuê mướn lao động, phân bón đã lên đến 2.000-3.000 đồng/kg.

Trước tình hình này, anh Phạm Công Chính đã đến huyện Eakar để khảo sát thực tế, làm việc với chính quyền địa phương rồi đứng ra thành lập những điểm bán trên địa bàn TP.HCM.

Cô Thuận Hòa (phải) mời gọi khách đến mua hàng. Ảnh: THANH TUYỀN

Anh Chính cũng cho biết anh mua bí tại nông trường giá 2.000 đồng/kg và bán lại với giá 5.000 đồng/kg (với những điểm tập kết của trang trại Tám Khỏe). Nếu mua sỉ thì giá bán là 3.800 đồng/kg. Với những điểm bán lấy lại từ điểm tập kết của trang trại Tám Khỏe thì giá bán dao động 7.000-8.000 đồng/kg.

Ngay sau khi biết anh Chính đã thu mua bí đỏ với giá 2.000 đồng/kg, nhiều thương lái đã quay lại mua với mức giá này. Anh Chính đang dự tính sẽ kích cầu, tăng giá mua lên để thương lái cũng tăng giá cho người dân, giúp họ giải quyết được khó khăn của mình.

“Ban đầu tôi dự tính sẽ thuê mặt bằng nhưng chi phí lên tới 5 triệu đồng/tuần. Mức phí đó không thể kham nổi nên tôi quay lại nhờ các cô chú từng hỗ trợ tôi trong đợt cứu chuối ở Đồng Nai để mượn mặt bằng. Không ngờ các cô cũng đồng ý và cho mượn phần sân ở đình Võ Tiên Sư (186 Phan Văn Trị, phường 12, quận Bình Thạnh) làm điểm tập kết chính rồi từ đây phân phối bí đến nhiều điểm khác” - anh Chính chia sẻ. Chỉ qua hai ngày, nhóm anh Chính đã bán được 15,5 tấn bí.

Không chỉ giúp người dân tìm được thị trường tiêu thụ, anh Chính còn chuyển miễn phí bí đỏ đến các mái ấm ở TP.HCM. Tính đến nay anh đã tặng tám mái ấm, mỗi mái ấm 100 kg để nấu ăn.

Còn anh Hồ Phúc Nguyên  chia sẻ: Khi tình trạng bí đỏ bị ùn ứ lại, nhiều người đã gọi cho anh với hy vọng có thể hỗ trợ bà con. Có một nhóm bạn trẻ đã tự lập ra các điểm bán ở TP.HCM để bán giúp bà con, quá trình bán cũng gặp nhiều khó khăn.

“Vì các bạn chưa hiểu rõ nên chỉ xin tạm một mặt bằng nào đó ở quán cà phê hay khoảnh đất trống để bán mà không biết cần phải làm việc với chính quyền nhờ hỗ trợ nên sau đó phải làm lại từ đầu theo đúng thủ tục. Đến nay thì đã ổn rồi, tôi cũng đang dự tính lập thêm hai điểm bán để hỗ trợ cho các bạn” - anh Nguyên chia sẻ.

Mua bí được ăn chè bí miễn phí

Hai ngày liên tục cùng phụ giúp mọi người bán bí ở đình Võ Tiên Sư, cô Thuận Hòa (62 tuổi) vẫn luôn nở nụ cười trên môi và rôm rả mời mọi người đến mua. Đặc biệt, cô cùng mọi người ở đình đã nấu chè bí đỏ với đậu xanh để bất cứ người nào đến mua cũng có thể thưởng thức, “ăn cho mát miệng rồi mua”. “Già rồi ở không cũng phí. Thấy mọi người trong khu phố làm nên mình cũng tham gia, giúp được phần nào hay phần đó” - cô Hòa cười tươi.

Đó còn là hình ảnh bà cụ chống gậy đến mua bí để ủng hộ cho bà con Đắk Lắk, dù chỉ mua một trái thôi nhưng ai cũng thấy ấm lòng. Giữa trưa nắng, một người bán ổi ghé đến chỗ tập kết bí đỏ của đội Tám Khỏe, gửi cho mọi người bịch ổi để ăn kèm lời nhắn “để mọi người ăn cho có sức giúp “giải cứu” bí đỏ” rồi quay xe đi…

Người Sài Gòn, những con người vốn xa lạ bỗng dưng kết nối với nhau bằng những hành động nho nhỏ, dễ thương như vậy...

Lotte Mart giúp tiêu thụ 20 tấn bí từ ngày 7-6

Siêu thị Lotte Mart đã thu mua hơn 20 tấn bí đỏ của các hộ dân ở xã Cư Yang, huyện Eakar, Đắk Lắk, dự kiến sẽ bán lại tại tám Siêu thị Lotte Mart ở miền Nam với giá 2.200 đồng/kg vào hôm nay (7-6).

Theo đó, Lotte Mart đã hỗ trợ tất cả chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo quản, xét nghiệm và kêu gọi người tiêu dùng tiêu thụ giúp bà con nông dân, đồng thời bán hàng không lợi nhuận, thậm chí còn bù lỗ một phần chi phí để hỗ trợ người trồng.

Đây là đợt thu mua đầu tiên, nếu sức tiêu thụ khả quan, Lotte Mart sẽ tiếp tục thu mua và phân phối trên toàn hệ thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm