Người thầy quân hàm xanh ở Hòn Chuối

Những ngày cuối tháng 1-2018, con tàu mang số hiệu 632 thuộc Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân đưa cán bộ các tỉnh, thành phía Nam cùng các nhà báo đi thăm, chúc Tết quân, dân thuộc các đảo vùng Tây Nam Tổ quốc.

Lớp học đặc biệt của người thầy đeo quân hàm xanh

Vượt hải trình gần sáu giờ đồng hồ từ đảo Nam Du, ngày 29-1 đoàn có mặt tại đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Hòn Chuối với những vách đá dựng đứng sừng sững giữa biển khơi. Nơi đây từ 23 năm trước, một lớp học tình thương cho những trẻ em vùng ốc đảo được hình thành.

Theo đó, từ năm 1995, thấy trên đảo không có trường học, các em nhỏ quanh năm theo cha mẹ bám biển mưu sinh nên các chiến sĩ Đồn biên phòng Hòn Chuối cùng nhau mở lớp học tình thương. Đến cuối năm 2009, Thượng úy Trần Bình Phục đến đây công tác và thừa kế trọng trách “gieo chữ” này.

Từ chân Gành Chướng, vượt hơn 300 bậc thang là đến lớp học tình thương của những người thầy mang quân hàm xanh. Một lớp học nho nhỏ nép mình dưới những tán cây xanh, từ xa đã nghe tiếng học sinh (HS) đánh vần ê a vang vọng.

Lớp học là một căn phòng chừng 30 m2, trước phòng có treo biển nền đỏ chữ vàng “Lớp học tình thương - Đồn biên phòng 704”. Bên trong căn phòng có khoảng 20 em HS áo trắng, quần xanh ngồi ngay ngắn cặm cụi chép bài giống như bao lớp học khác. Tuy nhiên, ở lớp học này lại có điều đặc biệt mà những ai từng đến Trường Sa ắt cũng đã chứng kiến: Trong lớp treo ba cái bảng ở ba hướng khác nhau, mỗi bảng thể hiện nội dung bài học của hai khối lớp. Các HS cũng được ngồi học theo ba hướng khác nhau. HS có đủ các lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 7.

Phía trên, một người đàn ông trung niên mặc quân phục mang quân hàm xanh đang say sưa giảng bài. Đó là Thượng úy Trần Bình Phục, chiến sĩ Đồn biên phòng 704 và là người thầy của lớp học đặc biệt này.

Thượng úy Trần Bình Phục trong lớp học tình thương của Đồn biên phòng 704 trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Làm bạn với trò để trò đến lớp

Nói về cái duyên đến với lớp học tình thương này, Thượng úy Phục kể: Khi nhận công tác tại đảo, anh bắt gặp cảnh các em trên đảo sống thiếu thốn mọi thứ, từ ăn mặc đến con chữ nên anh rất thương. Thượng úy Phục đã chủ động đề xuất lên ban chỉ huy xin dạy thử cho các em và duy trì đến hôm nay.

“Trong mỗi con người ai cũng có lòng trắc ẩn, hơn nữa bản thân tôi là người lính, tôi cảm thấy thương các em nên muốn làm gì đó để giúp các em. Tôi nghĩ chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời một con người. Đói ăn, đói mặc có thể giải quyết được nhưng đói tri thức thì ghê gớm lắm!” - Thượng úy Phục tâm sự. Và từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đến nay 100% các em trên đảo Hòn Chuối đều đến trường.

Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu dạy, thầy Phục cho biết mọi thứ đều là con số không: Không HS, không trường lớp, không bàn ghế, cơ sở vật chất. “Khó khăn nhất là ý thức của người dân. Dân ở đây đa số khó khăn, sống với biển cả, họ quan niệm làm có tiền là được chứ không mặn mà với việc học hành của con em mình. Họ cũng không tin là mình dạy chữ cho con họ” - thầy Phục nhớ lại. Để có được HS, thầy Phục và các chiến sĩ phải đi đến từng nhà vận động, cố gắng thuyết phục phụ huynh cho con em đi học. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng lòng kiên trì của các chiến sĩ đã được đền đáp: Bà con dần dần xiêu lòng để con em mình đến lớp.

Phụ huynh đồng ý nhưng các cô cậu học trò thì lại không chịu đi học. Thế là Thượng úy Phục lại phải “thuần phục” chúng. “Trường hợp của em NAD là một ca khó trị nhất. Em ấy hồi đó lì lắm. Vận động cha mẹ cho đi học rồi mà em cứ trốn học đi câu hoài. Lần đó, tức giận quá, tôi ra tới chỗ câu bắt em ấy về rồi quát: “Bây giờ em muốn học hay muốn bị đánh đòn?”. Em D. thi gan: “Thầy đánh em hai cây đi rồi em về đi câu kiếm tiền!”. Dù rất giận nhưng vì hiểu hoàn cảnh của em nên tôi kiềm chế và cố thuyết phục em. Và rồi khi tôi trở thành bạn câu của em thì em lại trở thành đứa học trò siêng năng, ngoan ngoãn của lớp. Hiện D. đã vào đất liền và đang học lớp 6 tại TP Cần Thơ” - thầy Phục kể.

Điều kỳ diệu từ sự chia sẻ

Bên cạnh việc dạy chữ, thầy Phục chú trọng đến việc dạy đạo đức cho các em. “Con người dù ở bất cứ đâu, cái căn bản để làm người chính là đạo đức. Vì thế việc dạy đạo đức, nhân cách làm người luôn được đặt song song với dạy chữ. Những đứa trẻ ở đây từ không biết gì, chỉ sống theo bản năng nay đã phân biệt được đúng sai; các em biết ước mơ và sống tích cực hơn. Tôi tin đó là nền tảng để các em trở thành người có ích” - thầy Phục chia sẻ.

Thầy Phục thương tụi con lắm. Thầy dạy học không lấy tiền mà còn mua tập sách, quần áo cho chúng con. Con thương thầy lắm luôn. Ngày Nhà giáo Việt Nam, con nặn con chim bằng đất tặng thầy đó, con thấy thầy vui lắm.

Em YẾN NHI, HS lớp 3 trên đảo Hòn Chuối

Thầy Phục dạy tụi con rất tận tình, cả khi bệnh thầy cũng đến lớp. Con ước mơ trở thành cô giáo để dạy miễn phí giúp cho các em trên đảo Hòn Chuối này, cũng là để đền đáp công ơn của thầy Phục.

Em NGÔ TƯỜNG VI, HS lớp 4 đảo Hòn Chuối 

Thầy Phục kể tận dụng những lúc về đất liền thăm gia đình, anh thường tranh thủ tìm mua sách báo mang ra đảo cho các học trò. Ngoài việc phụ giúp gia đình, nhiệm vụ của các em trên đảo là học và học, học hoàn toàn miễn phí.

Thượng úy Phục tâm sự: “Tôi tin rằng sự chia sẻ dù lớn hay nhỏ cũng tạo nên sự kỳ diệu. Lúc trước sáng đi học các em đói khát, khóc lóc, lấm lem; giờ các em đến trường với những nụ cười thường trực trên môi. Đó chính là sự kỳ diệu!”.

Thầy Phục nói kết quả của lớp học hôm nay là công lao của mọi người, mình chỉ là người nối tiếp. “Lớp học không phải của riêng tôi. Lớp học được hình thành và duy trì là nỗ lực của cả tập thể Đồn biên phòng Hòn Chuối và sự chỉ đạo của Bộ đội biên phòng Cà Mau. Tôi chỉ mong thời gian tới các em cố gắng hơn nữa để vươn cao trên con đường học vấn. Các anh em chiến sĩ biên phòng sẽ luôn kề bên để động viên, chia sẻ với các em”.

Nói về thầy Phục, ông Hồ Tuấn Hiệp, người dân đảo Hòn Chuối, cho biết: “Lớp học này có tâm huyết của thầy Phục nhiều nhất. Thầy thương HS dữ lắm. Hôm nào mưa giông là thầy dẫn từng HS về tận nhà rồi mới quay trở lên, hằng ngày xuống tới chân gành đón các em lên học. Nhờ thầy Phục mà thằng con tôi được chuyển vào đất liền học, còn nhỏ con gái thì hiện vẫn đang học với thầy”.

Đã xóa mù chữ gần 50 em trên đảo

Điều kiện trên đảo Hòn Chuối còn rất khó khăn, không có trường học, các em phải đối mặt với nguy cơ mù chữ. Trước tình hình đó, các cấp đảng ủy, biên phòng tỉnh đã tổ chức thành lập lớp học tình thương cho các em nhỏ tại đây. Đến nay lớp học tình thương đã tổ chức giảng dạy cho 49 em trên đảo, trong đó có 16 em đã được chuyển vào đất liền tiếp tục học cao hơn. Đặc biệt, có một em đã tốt nghiệp ĐH ngành xây dựng phân hiệu ở Cà Mau.

Người thầy quân hàm xanh ở Hòn Chuối ảnh 2
Thượng úy Trần Bình Phục đang cõng học trò “xuống núi” để về nhà. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Thượng úy Trần Bình Phục được phân công đứng lớp dạy cho các em. Đồng chí Phục rất có trách nhiệm, vừa làm công tác chuyên môn vừa đảm nhiệm công tác giảng dạy. Đây cũng là một trong những nội dung trong công tác dân vận của đơn vị và Thượng úy Phục đã làm tốt công tác này. Do đó bốn năm liền Thượng úy Phục đoạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua tiên tiến và được Bộ Quốc phòng tuyên dương là gương điển hình tiên tiến.

Thượng tá TÔ THANH NGOANchính trị viên Đồn biên phòng 704, Hòn Chuối, Cà Mau

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm