Nhà văn Chu Lai: Vợ đã đọc Mưa đỏ và bật khóc

Vẫn vẻ bề ngoài xù xì, bụi bặm và cách trò chuyện ồn ào “bốc lửa”, nhà văn Chu Lai luôn gây hứng thú đặc biệt cho người đối diện khi chia sẻ về quãng đời cầm súng và cầm bút của ông.

Những tưởng sau gần 40 năm “gặm nhấm” và nổi như cồn nhờ khai thác đề tài chiến tranh thì đại tá, nhà văn Chu Lai đã hết “vốn”. Thế mà vừa qua, tiểu thuyết Mưa đỏ của ông vinh dự giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Từng qua đêm ở thành cổ nghe tiếng vọng linh hồn

Theo nhà văn Chu Lai, những năm gần đây, trong các chuyến đi xuyên Việt đầy hứng khởi cùng người vợ cũng là người đồng đội Vũ Thị Hồng, lần nào vợ chồng ông cũng dừng chân tại thành cổ Quảng Trị để thắp cho những người đồng chí, đồng đội một nén nhang thơm.

Nhà văn Chu Lai cho biết ông bị ám ảnh rưng rưng bởi bài hát Cỏ non thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền. Lời ca ấy, giai điệu ấy và những câu chuyện về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khiến mỗi tấc đất, mỗi viên gạch, mỗi cọng cỏ xanh non tơ của thành cổ đều thấm đẫm máu xương của hàng chục ngàn chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây... khiến nhà văn ưa phiêu lưu, khám phá Chu Lai mỗi lần qua đây đều ghé vào. Thế rồi, từ lúc nào Chu Lai nung nấu viết một tiểu thuyết về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm này.

Có lần hai vợ chồng nhà văn đã ở lại một đêm trong thành cổ nghe sương rơi và lắng nghe tiếng vọng của những linh hồn trai tráng bất tử. Người ta kể rằng ngày ấy ở thành cổ, mỗi ngày chúng ta mất đi chừng một đại đội, bao nhiêu máu đã đổ và khi mưa xuống, máu trộn với mưa loang đỏ chiến trường thành những cơn mưa máu... Đó chính là nguồn cơn nhà văn Chu Lai đặt cho tiểu thuyết mới của mình một cái tên dữ dội, đầy ám ảnh là Mưa đỏ.

Nhà văn Chu Lai đã toàn tâm viết tiểu thuyết Mưa đỏnhư đây là tác phẩm cuối cùng trong đời ông.

Chỉ viết được trong cô đơn và tuyệt vọng

Nhà văn Chu Lai tâm sự rằng để viết được tiểu thuyết hay kịch bản sân khấu dài hơi, hầu như ông đều phải bứt ra khỏi cuộc sống phố thị ồn ào, nhàm chán và vốn mất khá nhiều thời gian cho những cuộc giao đãi, nhậu nhẹt, trả lời phỏng vấn, làm khách mời trên truyền hình... Phần nhiều trong số 14 tiểu thuyết đã trình làng của nhà văn Chu Lai đều ra đời trong những quãng ông “lánh” đi như thế... Với ông, chỉ khi nỗi buồn xâm chiếm, sự cô đơn đến tuyệt vọng, đến không thể chia sẻ bằng lời cùng ai thì ông mới viết được.

“Ghen với chồng tôi thì có mà ghen cả đời”

Với tiểu thuyết Mưa đỏ, nhà văn Chu Lai lại viết như viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình: Toàn tâm toàn ý, dốc hết sức lực, huy động tối đa các nơron thần kinh, kết nối ký ức với những gì ông thu nạp được trong suốt quãng đời chiến binh và thời hậu chiến của mình để đứa con tinh thần mới được nên hình hài. Theo chia sẻ của người bạn đời của nhà văn Chu Lai, bà Vũ Thị Hồng, luôn là biên tập viên kiêm độc giả đầu tiên của những tác phẩm của chồng, bà đã nhiều lần phải rơi nước mắt khi đọc những trang bản thảo đầu tiên của Mưa đỏ. Cùng là người lính, cùng một nỗi niềm như chồng khi đứng trước anh linh các đồng đội ở thành cổ Quảng Trị nhưng lại thêm nỗi đồng cảm, xót xa với những người con gái, người vợ, người mẹ trong chiến tranh nên những trang viết đầy ám ảnh của chồng một lần nữa khiến bà lay động.

Bà Vũ Thị Hồng cho biết trong những trang văn của chồng bà lúc nào cũng có hình ảnh những người con gái, có những người bà biết rõ mười mươi hình ảnh ấy ở ngoài đời là ai, thậm chí biết đó là những mối tình thấp thoáng của chồng nhưng bà luôn dành cho những nhân vật ấy sự yêu thương, trìu mến và tôn trọng. Đúng như bà từng nói: “Cùng là phụ nữ trong chiến tranh, thương nhau chẳng hết, ai còn ghen tuông được. Mà ghen với ông Chu Lai nhà tôi có mà ghen cả đời, tiểu thuyết nào, kịch bản nào mà ông í chả có những bóng hồng thấp thoáng... ”.

Viết xong càng thấy nặng nợ

Trả lời câu hỏi “Cứ viết mãi về chiến tranh như vậy, bản thân ông có thấy nhàm chán không?”, nhà văn Chu Lai nói: “Tôi đã mở rộng đề tài ra các vùng đất chiến địa khác. Tôi mở rộng lên Tây Nguyên với tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng và với Mưa đỏ tôi mở rộng tiếp ra với chiến trường Quảng Trị. Những ngày tháng cắm mặt vào màn hình máy tính dường như đã cho tôi sống lại những năm tháng tuổi trẻ đầy hứng khởi với chiến trường của mình ngày xưa”.

Nhà văn Chu Lai cũng chia sẻ hết sức chân thành rằng nhiều nhà văn cứ nói khi họ hoàn thành một tác phẩm thì sẽ có cảm giác như trút được gánh nặng, như trả được món nợ nào đó với đồng đội, với mảnh đất mình từng chiến đấu. Nhưng với ông, điều này lại không đúng mà nó chỉ như một cách nói “làm duyên”. Với món nợ chiến trường, nhà văn Chu Lai chưa bao giờ cảm thấy nó được vơi bớt mà chỉ càng dày thêm, đầy thêm. Nhất là sau khi nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian để đi phượt xuyên Việt, lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời, về số phận của những con người đã sống, chiến đấu, sống sót trở về và lại tiếp tục oằn mình trong cuộc chiến đấu mới mưu sinh.

Nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG:

Sẽ rất dễ chuyển Mưa đỏ thành phim

Trong số 14 tiểu thuyết đã ra mắt độc giả của Chu Lai, tôi cho rằng có ba cuốn tạo nên “dấu mốc Chu Lai”, đó là Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãngMưa đỏ. Không gian tiểu thuyết này của Chu Lai thấm đẫm chất sử thi và chứa đựng ngôn ngữ điện ảnh rất đậm đặc, sẽ vô cùng thuận lợi nếu chuyển thể nó sang phim truyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm