Nhóm nhậu tự phát ven đường xuất hiện ở TP.HCM

Chiều 17-4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp trực tuyến nghe báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TÁ LÂM

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu nêu thực trạng trong tuần thứ ba cách ly xã hội, với sự quyết liệt, mặc dù cơ bản thực hiện tốt Chỉ thị 16 nhưng trên địa bàn TP một số hàng quán cà phê có dấu hiệu mở cửa trở lại, có hiện tượng 5-7 người ngồi uống cà phê buổi sáng, đặc biệt nhóm nhậu tự phát ven đường cũng hình thành ở một số nơi.

Ở các chợ truyền thống, người dân đã kéo lại gần nhau như cũ, không giữ khoảng cách 2 m như quy định. Người dân tập thể dục sáng sớm có hiện tượng chủ quan, không đeo khẩu trang.
Từ đó, ông Châu yêu cầu lực lượng chức năng cần nhắc nhở kịp thời, xử lý các trường hợp vi phạm, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tiếp tục duy trì 62 chốt trạm kiểm soát dịch ở các cửa ngõ tới ngày 22-4. “Cả quá trình làm tốt, giờ còn giai đoạn cuối, nếu làm không tốt sẽ phá vỡ toàn bộ công sức quá trình dài” - ông Châu nói.
Ông Châu cũng yêu cầu xử lý nghiêm người tung tin sai sự thật, tin giả làm hoang mang dư luận; làm khẩu trang không đảm bảo chất lượng...
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, cho biết thêm tình hình trong siêu thị, công viên… vào buổi sáng có hiện tượng đi bộ đông người… Từ đó ông giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại của TP về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Liêm cũng đề nghị tại quầy thu ngân của tất cả siêu thị, điểm bán hàng cần có tấm chắn giọt bắn ngăn giữa khách hàng và nhân viên.
Đối với Sở Xây dựng, ông yêu cầu tổ chức đoàn giám sát đến toàn bộ công viên trên địa bàn vào buổi sáng sớm, thời điểm nhiều người đi bộ, tập thể dục. Đoàn kiểm tra, giám sát này cần nhắc nhở, khuyến cáo người dân khi có hiện tượng tụ tập đông người, không đeo khẩu trang.
Ngoài ra, ông Liêm cũng đề nghị các sở, ngành sớm hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 trong từng lĩnh vực. Phần việc này cần hoàn thiện và trình UBND TP trước ngày 25-4 để sớm ban hành trong giai đoạn chống dịch tiếp theo. “TP có khả năng phải kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4, dịch bệnh cũng không được tính bằng tuần mà ít nhất là bằng tháng. Các bộ tiêu chí không phải làm khó khăn hơn mà giúp chúng ta quản lý chặt chẽ khả năng lây nhiễm, tạo điều kiện an toàn nhất để làm việc, sản xuất” - ông Liêm nói.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đến thời điểm này TP có 54 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố, 46 ca đã xuất viện, còn tám ca đang tiếp tục điều trị, trong đó có bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh.
Về tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91, ông Bỉnh cho biết đã tốt hơn trước. Các chỉ số sinh tồn ổn định, không sốt, tiếp tục thở máy, tình trạng rối loạn đông máu đang được kiểm soát tạm ổn.
Trong thời gian tới, ông Bỉnh cho biết TP tiếp tục thực hiện nghiêm, không lơi lỏng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Giám sát các cửa ngõ ra vào TP.HCM, thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với hành khách tại ga quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn; đối với công nhân tại các khu lưu trú của khu công nghiệp, khu chế xuất (gần 7.000 người); đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng gần 3.000 người. Từ kết quả xét nghiệm tầm soát có mục tiêu trên nhóm nguy cơ trong cộng đồng để có kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp trong giai đoạn mới có tính lâu dài.
Đặc biệt, ông Bỉnh cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các doanh nghiệp và hoạt động thẩm định, kiểm tra của cơ quan quản lý, cơ quan y tế đối với các doanh nghiệp sản xuất theo bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm, hoàn tất trước ngày 25-4.
Ngoài ra, sẽ xây dựng các bộ chỉ số, tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực như giáo dục, du lịch, công thương, giao thông… hoàn thành trước ngày 30-4 để chủ động ứng phó và kiểm soát tốt đối với dịch COVID-19 và cả các dịch bệnh khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm