Những cây bút bạc tỉ - Bài 4: Châu Thổ viết kịch bản hốt bạc

Từ lâu, tên tuổi của nhà biên kịch Châu Thổ gắn liền với những bộ phim nổi tiếng như Trăng nơi đáy giếng (giành giải Cánh diều vàng kịch bản phim truyện nhựa năm 2009), Di chúc những oan hồn (đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam 2001), Người đàn bà không hóa đá, Họ từng chung kẻ thù, Đường chân trời, Người giúp việc,… Kịch bản của chị bán đắt như tôm tươi. Những đặt hàng kịch bản luôn tới tấp gửi về, nhiều lúc chị viết không xuể.

Mỗi năm bỏ túi khoảng 1 tỉ đồng

Gia đình kinh tế khá giả, có hậu phương vững vàng nên Châu Thổ đến và gắn bó với nghề, đơn giản là cho thỏa đam mê.

Năm 2001, chị bắt tay vào thực hiện kịch bản Họ từng chung kẻ thù cho Đài Truyền hình Bình Dương. Ngày ấy, mỗi tập phim chị đã được trả 5-6 triệu đồng, là mức thu nhập trong mơ của những nhà biên kịch thời điểm đó. Có giai đoạn, năm 2007-2008, Châu Thổ viết song song hai kịch bản Cha dượngGió nghịch mùa. Gần 15 năm đã qua đi nhưng hiện nay theo người trong nghề tiết lộ, mức giá “bèo” nhất mà nhà biên kịch Châu Thổ nhận viết cho phim truyền hình hiện nay là 8-10 triệu đồng/tập… Chuyên tâm viết và viết khỏe, thế nên trong hơn 30 năm viết kịch bản, Châu Thổ luôn khiến đồng nghiệp và công chúng khâm phục bởi sức sáng tác đáng nể cùng chất lượng trong từng kịch bản của chị.

Với thương hiệu “Châu Thổ”, hiện tại mức thù lao viết kịch bản phim truyền hình cao nhất chị nhận được là 15 triệu đồng/tập. Trung bình, kịch bản phim truyền hình kéo dài 30-40 tập. Chị nhẩm tính mỗi năm chị viết được khoảng 100 tập, chưa kể viết kịch bản phim chiếu rạp.

Mỗi năm nhà biên kịch Châu Thổ (trái) viết cả trăm tập kịch bản phim, nhận về rủng rỉnh cả tỉ đồng.

Vác tiền tỉ đi du lịch

Tiền kiếm được rủng rỉnh nhưng thay vì mua nhà, mua xe hay mua đất… như các đồng nghiệp, chị đầu tư hết vào Công ty Senafilm và đi du lịch. Bởi vậy người trong nghề bảo chị đi du lịch như… đi chợ. “Tôi mê đi lắm, năm nào cũng đi. Tôi đi Mỹ, Canada, đi châu Âu thì ba, bốn lần rồi,… nhớ không nhầm còn thiếu Nhật. Tôi đi vì sở thích, đi để trải nghiệm và để tích lũy thêm vốn sống cho những trang viết của mình”.

Sẵn sàng đập bàn lấy lại kịch bản

Chị bảo hiền quá thì không nên làm biên kịch. Bởi làm kịch bản nghĩa là phải có kịch. Cách kể chuyện nhẹ nhàng, đều đều chỉ khiến người xem cảm thấy buồn ngủ mà thôi.

Sự khó tính, dữ dằn của Châu Thổ đã trở thành giai thoại. Người ta thường truyền tai nhau nghe để dè chừng. Nhà sản xuất thay đổi những yếu tố then chốt mà Châu Thổ không đồng ý thì dù có trả tiền cao đến đâu, chị cũng sẵn sàng đập bàn, lấy lại kịch bản đi về. Ngay chính “người đẹp Tây Đô” Việt Trinh - người bạn ăn ý của chị cũng không ngần ngại khẳng định chưa bao giờ gặp nhà biên kịch nào khó tính, dữ dằn như Châu Thổ.

Chị nói như phân trần về sự dữ dằn của mình: “Chuyện chiều theo thị hiếu khán giả cũng quan trọng nhưng không phải mình chiều bằng mọi giá. Một bộ phim ăn khách, cháy vé chưa chắc đã là một bộ phim tử tế, mà tôi thì chỉ viết được phim tử tế. Nếu không viết được phim tử tế thì thôi thà thất nghiệp, ngồi ở nhà chơi”.

Viết đúng boong theo giờ… công chức

Nhà biên kịch Châu Thổ có một thói quen đặc biệt là chỉ viết trên máy tính của mình. Một chiếc laptop hay máy tính bảng dù có hiện đại, đắt tiền tới đâu nhưng chỉ cần là đồ lạ thì y như rằng chị chỉ biết… ngồi im nhìn nó.

Buổi sáng là thời điểm thăng hoa, minh mẫn nhất của chị. Cứ 8 giờ hoặc muộn nhất là 9 giờ, cầm một tách cà phê hoặc tách trà, chị ngồi vào máy tính của mình, say mê viết đến tận 12 giờ. Ăn trưa và nghỉ ngơi xong, chị trở lại công việc lúc 1 giờ rưỡi. Nếu có cảm hứng, chị làm việc tới 6 giờ chiều, còn bình thường chị kết thúc lúc 5 giờ. Thói quen viết như công chức vẫn được Châu Thổ duy trì đều đặn suốt hơn 30 năm nay. Chị chia sẻ có được thói quen này là nhờ cả một quá trình rèn luyện. Chị phải viết để rèn bản thân không lười biếng. Khi viết, chị tập trung, hóa thân vào nhân vật, tìm được cảm hứng chứ không cần đợi chờ cảm hứng tới.

Bỏ vốn lớn mở hãng phim để khỏi “bán mình”

Nhà biên kịch Châu Thổ hiện là giám đốc sản xuất của Công ty Senafilm. Năm 2006, chị là một trong bốn thành viên đồng sáng lập công ty, với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 1,5 tỉ đồng, mỗi thành viên góp vào khoảng 400 triệu đồng. Thời điểm đó 400 triệu đồng là số tiền lớn. Trong khi nhiều cá nhân, đơn vị sẵn sàng trả giá cao để mời chị về làm việc tại công ty nhưng chị đều lắc đầu từ chối vì “chỉ muốn làm điều mình thích và không muốn bán mình”.

Kiếm được nhiều tiền nhưng điều chị tự hào nhất cho đến nay vẫn là sự tử tế và thông điệp nhân văn trong mỗi kịch bản. “Có những kịch bản phim thu nhập rất thấp nhưng tôi rất tự hào. Ví dụ các phim Gió nghịch mùa, Ở lại thế gian, Cha dượng” - chị nói. Châu Thổ kể, năm 2008, chị chỉ được trả 8 triệu đồng/tập cho 40 tập kịch bản bộ phim Gió nghịch mùa nhưng đó là kịch bản phim khiến chị cảm thấy ám ảnh và tự hào. Nội dung Gió nghịch mùa tuy không mới nhưng cách dẫn dắt câu chuyện rất cuốn hút. Phim mang đến cho khán giả niềm tin về sự khởi sắc của phim truyền hình Việt chiếu vào khung giờ vàng.

Điểm 10 cho máu phản biện

Trước khi được biết đến là nhà biên kịch vàng, Châu Thổ từng là một phóng viên trẻ năng nổ và xông xáo của báo Đồng Khởi, Bến Tre với tên thật Bích Thủy. Nhắc tới Bích Thủy ngày ấy, người ta sẽ nhớ ngay tới những bài viết về những đề tài gai góc, sắc sảo chống tiêu cực, tham nhũng. Nhưng rồi những bài báo đó, thay vì được cổ vũ thì lại bị phê bình, chỉnh sửa vì tư tưởng phản động. Thậm chí, tên chị có trong sổ đen tỉnh ủy.

Duyên phận đưa chị đến với công việc này bắt nguồn từ lần thử vận may. Ngày đó, chị lén cơ quan đi thi biên kịch ở Hãng phim Giải Phóng. Kết quả, trải qua ba vòng thi khắt khe, khóa thi năm đó chị đậu thủ khoa với 29/30 điểm, hơn hẳn á khoa 3 điểm và theo học tại ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, ngành biên kịch. “Trong phần thi vấn đáp ngày hôm đó, có ba giám khảo, ông Ngọc Quang, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng ngày đó, có hỏi: “Trong các phim Việt Nam, em thích nhất phim nào?”. Tôi trả lời là không thích phim nào cả. Lý giải về điều này, tôi nói: Vì tình huống trong phim Việt Nam đưa ra bị giả mà điện ảnh thì cần chân thực như phim điện ảnh của Nga, của Pháp… và đưa ra một số ví dụ. Ông lại hỏi: “Em không ở xứ sở đó, làm sao em biết nó thực”. Tôi trả lời: Nó chân thực vì nó logic về cảm xúc, về tâm lý, tình huống… Dù phim ở Nga, ở Mỹ, người ta vẫn có thể khóc cười cùng nhân vật bởi người ta cảm được cùng nhân vật”. Trong ba phần thi thì phần vấn đáp và phê bình phim, Châu Thổ đạt điểm tuyệt đối: 10 điểm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm