Những ngày kinh hoàng trong xưởng may

“Bây giờ tôi mới tin là mình đã trở về nhà an toàn” - chị Nguyễn Duy Thanh Nhân thốt lên khi gặp người thân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chị là lao động duy nhất được “giải thoát” về nước, sau hơn 20 ngày đấu tranh quyết liệt với quản lý lao động tại xưởng may thuộc Công ty Vinastar ở Nga. Ôm con trai vào lòng, chị nghẹn lời: “Còn cả trăm lao động đang tủi cực ở cái xưởng may đó không biết bao giờ mới được về cùng gia đình của họ”.

Thiếu cả ánh sáng

Ông Khương, cha chị Nhân, từ sáng sớm đã ra sân bay để đón con. Ông nói cả đêm hôm qua vợ chồng ông không tài nào chợp mắt được vì lo cho sự an toàn của con. Ông nói: “Đến 8 giờ 30 tối 23-5, con tôi vào phòng cách ly, chẳng liên lạc gì được. Vợ chồng tôi cứ đi vào đi ra chắp tay cầu trời khấn Phật cho con cái nó bình yên”.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị đã kể về những ngày dài cơ cực, sống chen chúc trong một xưởng may cũ kỹ, chật hẹp chứa cả trăm lao động Việt Nam. Chị bảo rằng: “Đó là một xưởng may đen cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tại đây, người lao động Việt Nam bị nhét chung trong một nhà xưởng cũ kỹ, xa khu dân cư, không được giao lưu với bên ngoài. Thiếu ánh sáng khiến nước da của người lao động trở nên bợt bạt. Chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu trên đất Nga”.

Những ngày kinh hoàng trong xưởng may ảnh 1

Chị Nhân mừng đến rơi nước mắt, ôm con trai vào lòng khi đặt chân về đến Việt Nam. Ảnh: P.ĐIỀN

Chị bảo: “Chúng tôi bị “giam” trong xưởng may, phải làm việc quần quật từ 14 giờ/ngày, không được nghỉ các ngày Chủ nhật. Khẩu phần ăn hai bữa/ngày lại quá kham khổ, chỉ có vài ba miếng thịt, vài mẩu rau luộc và nước luộc lõng bõng. Những lao động nữ do sa cơ phải thúc thủ nghe theo đã đành, một số nam công nhân do phải sống trong bóng tối, lại không được giao lưu bên ngoài trở nên nhu nhược, chẳng dám đôi co với người quản lý.

Tự giải thoát nhờ gan lì

“Khi đặt chân đến Nga, họ chở tôi một lèo từ sân bay đến một nơi rất ít dân cư ở, cách Moskva hơn 4 giờ chạy xe. Ngay đó, họ đưa tôi đến xưởng may, phát cho một cái chậu và bảo tôi ăn ở luôn ở đó. Linh tính mách bảo sự chẳng lành, tôi đã phản ứng không đi làm, vì thực tế công việc, ăn ở không như họ đã hứa trong hợp đồng lao động”.

Không cam chịu, chị đã lén viết đơn cầu cứu, chụp ảnh thư bằng điện thoại và gửi về gia đình nhờ đem đến các cơ quan chức năng, báo chí. Chị cho hay sau khi Pháp Luật TP.HCMđăng bài phản ánh, một số lao động trong xưởng đã bị gọi lên văn phòng viết tường trình vì nghi ngờ cung cấp thông tin. “Họ bảo tôi và một số người khác phải ký vào biên bản nói báo nêu lao động từ 20 giờ trở lên là không đúng sự thật nhưng tôi nhất quyết không ký, vì báo viết đúng thực tế là lao động phải làm việc từ 15 giờ trở lên” - chị kể.

Trước yêu cầu đòi trở về Việt Nam của chị, phía công ty ra điều kiện gia đình chị phải lo đủ 4.500 USD, thời hạn cuối cùng là ngày 28-5, nếu không có tiền thì tống cổ chị ra khỏi xưởng. Thấy tình thế nguy khẩn, cha chị ở nhà tính đường vay mượn để đưa con về. Nhưng chị kiên quyết không chấp nhận. Thấy chị phản ứng quyết liệt và được nhiều công nhân ủng hộ, ngày 22-5, công ty đột ngột thông báo đã mua vé máy bay, yêu cầu chị thu xếp đồ đạc ra sân bay về Việt Nam. Chị Nhân kể: “Nghi ngờ sẽ không an toàn trên đường đi, tôi đã yêu cầu công ty viết cam kết đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi về Việt Nam. Họ nói lỡ trên đường đi tôi tự làm tổn hại mình thì làm sao họ chịu trách nhiệm được. Nhưng tôi quá quyết liệt nên họ nhượng bộ, nói sẽ đảm bảo an toàn khi đến Tân Sơn Nhất. Họ đã đưa hai người Nga đầu trọc bặm trợn áp tải tôi ra sân bay. Không yên tâm trước kiểu áp tải này, tôi đã yêu cầu phải có thêm hai công nhân nam đi theo bảo vệ”.

Chị Nhân khẳng định sẽ tìm đến các cơ quan chức năng kêu cứu, đấu tranh đến cùng để giải thoát cho số lao động Việt Nam còn kẹt lại ở Nga.

Trong ngày 24-5, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn cầu cứu từ các lao động tại Nga và thân nhân của họ tại Phú Yên, Lâm Đồng. Người lao động tại Nga đang hoang mang, tất cả đều có chung mong muốn sớm được cơ quan chức năng vào cuộc để đưa họ về quê. Một người lao động từ Nga nhắn tin khẩn thiết: “Cứu chúng em bên này với. Chúng em đi lao động mà bị chèn ép, bóc lột sức lao động quá. Chúng em không chịu nổi. Em là công nhân Công ty Vinastar ở Liên bang Nga đây”.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm