Những người làm đẹp cuộc đời

Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM do UBND TP phối hợp với UBMTTQ TP tổ chức lần đầu tiên đã diễn ra vào sáng 6-5.

 “Đây là những tập thể, cá nhân có những hoạt động xuất phát từ tinh thần tự nguyện tự giác, không vụ lợi toan tính cá nhân. Những việc làm của họ rất đỗi đời thường nhưng mang đậm tính nhân văn. Họ không màng đến việc được vinh danh khen thưởng, mỗi việc làm đều xuất phát từ cái “tâm” với mong muốn góp phần làm cho cuộc sống xung quanh bình yên hơn, bớt đi những hoàn cảnh neo đơn cơ nhỡ…- bà Võ Thị Dung, Chủ tịch UBMTTQ TP, đã có những đánh giá đầy trân trọng đối với 22 tập thể và 92 cá nhân được vinh danh như thế.

Trong không khí trang trọng và sâu lắng, những câu chuyện về việc làm thầm lặng của các vị khách mời đã nhận được nhiều sự đồng cảm và ngưỡng mộ.

 
Các cá nhân giao lưu tại buổi lễ tuyên dương. Ảnh: HOÀNG LAN

Chị Tiền Ngọc Loan (khối phố 12, phường 12, quận Gò Vấp) từ năm 2011 đến nay, tất bật với bếp ăn từ thiện Phúc Ân mở ngay tại nhà mình vì những mảnh đời khốn khó. Lòng tốt của chị đã được nhiều phụ nữ khác hưởng ứng. Nhờ sự hỗ trợ của họ, mỗi tuần bếp ăn của chị Loan cung cấp miễn phí 850 suất cơm, 400 suất cháo và 150 phần sữa cho gia đình các bệnh nhi khó khăn tại BV Nhi đồng 1.

Cảm giác vui sướng vì đã “cho đi” dường như cứ được nối dài, ông Trương Văn Đổng (ấp 3B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) kể trong tiếng cười sảng khoái: “Tui cảm thấy mát cả dạ khi nghe ai đó nói: Ít có ai hiến được đất như ông Bảy Đổng”. Ông Đổng là người đã hiến phần đất trị giá hơn 1 tỉ đồng của gia đình để làm đường giúp bà con đi lại được dễ dàng, trẻ con không phải đi đò tới trường nữa.

Câu chuyện của bà Vương Thị Hồng Nhiệm (khu phố 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) lại theo một chiều cảm xúc khác. Chồng mất sớm, một mình bà Nhiệm phải bươn chải vất vả để nuôi nấng sáu đứa con. Giờ đây, khi các con đã nên người và thành đạt, người phụ nữ tảo tần này lại xắn tay áo vào chăm lo cho cộng đồng. Ngoài việc giúp đỡ các hoàn cảnh kém may mắn, bà Nhiệm còn thường xuyên tới lui dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh thân thể, lo cơm nước cho các cụ già neo đơn ở địa phương.

Những câu chuyện nhân văn, tình nghĩa tại buổi tuyên dương thật đa dạng và một khi đã muốn sống vì người khác, người ta luôn có cách để cuộc sống trở nên ý nghĩa, tốt đẹp hơn. Phải chạy ăn từng bữa bằng việc thu lượm phế liệu nhưng ông Phạm Văn Tân (khu phố 2, phường 3, quận 11) vẫn dành thời gian hơn 30 năm nay để quét dọn vệ sinh dọc tuyến hẻm 161D Hòa Bình, quận 11. Đồng thời, mỗi ngày từ 4 giờ sáng, ông cũng là người vớt từng tấm xốp, bọc nylon, xác động vật trên mặt nước kênh Cầu Mé. Hoặc xuất phát từ ám ảnh đói chữ, bà Huỳnh Thị Tươi (ấp 3, xã Bình Chánh) đã mở lớp học tình thương dạy phổ cập tiểu học, tiếp nối giấc mơ con chữ cho các em thuộc diện mồ côi, khuyết tật, có cha mẹ dính vào vòng lao lý…Việc dạy chữ này, bà thực hiện đã 25 năm nay.

Có mặt tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ sự tri ân đối với những cá nhân, tập thể đã có những cống hiến thầm lặng không mệt mỏi vì TP mang tên Bác. Ông nhấn mạnh việc chú trọng phát hiện những tập thể, cá nhân có những thành tích thầm lặng tiêu biểu để đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo sự lan tỏa trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm