Những thí sinh ‘đặc biệt’ ở Tây Nguyên

‘U50’ đi thi tốt nghiệp

Trong hàng ngàn thí sinh tại Đắk Lắk, có trường hợp dự thi là bà Nguyễn Thị Thành (53 tuổi). Trước đó bà theo học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp huyện Cư Kuin. Trong kỳ thi này, bà tham dự thi tại điểm thi Trường THPT Y Jut. Đây là trường hợp lớn tuổi nhất ở Đắk Lắk dự thi đợt đầu tiên này.

Các thí sinh sau ngày thi thứ 2. Ảnh HT

Tại điểm trường THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có hai thí sinh lớn tuổi là cán bộ xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) tham gia thi là anh Y Gen Knul (44 tuổi, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã) và anh Y Huy Niê (35 tuổi, cán bộ một cửa xã).

“Tôi đã công tác 15 năm tại UBND xã, tuy nhiên, do nhiều lần thi cấp 3 không đạt nên lần này quyết định tiếp tục thi để bổ sung hồ sơ việc làm. Trước đó tôi có theo học lớp bổ túc tại huyện Krông Búk. Đề thi năm nay cũng tương đối, chúng tôi hi vọng sẽ đỗ tốt nghiệp để bổ sung hồ sơ theo quy định” Anh Y Huy Niê chia sẻ.

Ông Rơ Châm Hyat (54 tuổi, Chủ tịch UBMTTQ xã Ia Ka) chia sẻ sau buổi thi. Ảnh HOÀNG NAM

Cũng trong kỳ thi lần này, không hiếm để bắt gặp hình ảnh những người lớn tuổi tham gia dự thi. Có nhiều người đã thi nhiều năm nhưng vẫn không thể đậu tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp như mong muốn. Đơn cử như, tại huyện Chư Păh (Gia Lai), nơi có hơn 70 thí sinh là cán bộ, công chức đang công tác tại các xã trên địa bàn huyện đã đăng ký tham gia dự thi.

Tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Chư Păh, Gia Lai), chúng tôi bắt gặp ông Rơ Châm Hyat (54 tuổi, Chủ tịch UBMTTQ xã Ia Ka). “Tôi bắt đầu đi học bổ túc hệ THPT từ năm 2017. Trước kia học hệ 9+3 sau đó học lên nên không có bằng cấp 3. Mình vẫn quyết tâm đi học, đi thi để làm gương cho con cháu trong nhà. Trong thời gian này, mình đã hoàn thành  nhiệm vụ của cơ quan giao và tranh thủ đi học đầy đủ” ông Rơ Châm Hyat nói.

Cùng với đó, ông vận động nhiều người trong xã và con gái ruột của mình cùng tham gia kỳ thi năm nay. Trước kỳ thi, ông đã cùng với con gái thức nhiều đêm ôn tập, củng cố kiến thức để mong có kết quả cao trong kỳ thi.

Anh Y Gen Knul  và anh Y Huy Niê tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu. Ảnh HT

Trong hơn 6000 thí sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tham gia thi THPT tại 13 điểm thi, thí sinh lớn tuổi nhất cũng là một người đàn ông 53 tuổi, người này tham gia thi tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).

Những thí sinh ‘áo xanh quân ngũ’

Trong ngày hôm nay (10-8), hàng triệu thí sinh trong cả nươc bước vào ngày thi cuối cùng với môn Ngoại ngữ. Tại một số điêm thi ở Đắk Lắk ngày hôm nay, trời đổ mưa lớn, nhiều phụ huynh đội mưa chở các thí sinh đến điểm thi.

Thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020, tại Gia Lai, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiến sĩ 'quân hàm xanh', áo quần chỉnh tề, vai đeo balô, 'cắp sách' đi thi. Đây là những người lính đang ngày đêm phải túc trực trên các tuyến đường biên giới để phòng, chống dịch COVID-19.

Các chiến sỹ bộ đội tham gia kỳ thi THPT ở Gia Lai. Ảnh HOÀNG NAM

Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Pleiku (TP Pleiku), nhiều chiến sĩ 'quân hàm xanh' xếp hàng ngay ngắn để được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi bước vào khu vực thi. Nhiều chiến sĩ không dấu nổi niềm háo hức, người lại tỏ ra có một chút lo lắng vì sắp bước vào kỳ thi rất quan trọng.

Là một thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, chiến sĩ Nguyễn Song Toàn thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, những ngày qua anh cùng đồng đội cắm chốt chống dịch COVID-19 ở khu vực biên giới giáp Campuchia. Tại đây, Toàn ăn ở trong lán trại ven rừng sâu và thực thi nhiệm vụ ngăn chặn nạn nhập cảnh trái phép. Những ngày chống lại dịch bệnh, Toàn cùng đồng đội đi vận động, tuyên truyền người dân tự nguyện khai báo y tế, đeo khẩu trang và báo cáo liền cho lực lượng chức năng khi thấy người lạ xuất hiện.

Dù có những ngày phải băng rừng, lội suối làm nhiệm vụ thì ban đêm, Toàn vẫn tranh thủ lấy sách vở ra ôn bài, chuẩn bị kiến thức để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020. Khi được hỏi về những khó khăn, Toàn chia sẻ: “Ngoài làm tốt nhiệm vụ được giao thì mình phải tập trung ôn luyện kiến thức. Rất may là cán bộ chỉ huy đơn vị cũng như các anh em luôn tạo điều kiện, hỗ trợ nên mình cũng không gặp nhiều khó khăn lắm".

"Mình hy vọng kết quả kỳ thi này tốt đẹp. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, mình sẽ cùng đồng đội tiếp tục đi chống dịch", Toàn chia sẻ.

Ngoài chiến sĩ Toàn, kỳ thi năm nay cũng có sự tham gia của nhiều chiến sĩ đến từ Quân đoàn 3 đóng chân tại Tây Nguyên. Một trong số đó là Thiếu úy Đỗ Duy Quân (23 tuổi, quê Bình Định), Quân cho biết, đơn vị của mình có đến 17 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Trong khi đó, một điểm thi tại huyện biên giới Đắk Lắk cũng có bốn chiến sỹ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, trong kỳ thi vừa qua những người này không thể đến được điểm dự thi. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này trong khi kiểm tra thi tại địa điểm này cũng chia sẽ, sau này sẽ xem xét và báo cáo cấp trên để tạo cơ hội cho những người được tham gia thi.

Ngoài các trường hợp ‘đặc biệt’ nói trên, đã có 14 trường hợp được xem xét đặc cách tốt nghiệp gồm 11 trường hợp khuyết tật ở Đắk Lắk và ba trường hợp khác ở Đắk Nông (một thí sinh đang cách ly, một người có bố qua đời đột ngột và một trường hợp bị tai nạn giao thông).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm