Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đồng hành cùng người cận tử

Ông đã cùng họ đi qua những ngày tháng đau đớn cùng cực trước khi có được sự thanh thản ở chặng cuối cùng của cuộc đời. 

Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu chuyện của Vân - một cô gái nông thôn không may mắc bệnh ung thư xương. TS Giang đã chứng kiến những ngày cô đau khổ, suy sụp, sợ hãi, tuyệt vọng cho đến khi cô chọn đối mặt với số phận một cách can đảm, bình thản. Cô và chồng đã dành cho nhau một tình yêu nhân lên gấp nhiều lần. Cô đã hiến giác mạc cho người khác. Câu chuyện về cô đã được kể lại trong cuốn sách với tất cả sự yêu mến, kính trọng.

Nghĩ đang sống giùm Vân để không phí hoài sự sống

. Phóng viên: Ông đã đối diện với hành trình cận tử của Vân như thế nào, thưa ông?

+ TS Đặng Hoàng Giang: Vân đã đau đớn một cách khủng khiếp. Cô ấy đã hoảng loạn, sợ hãi, suy sụp trước khi bình tâm trở lại để chấp nhận số phận của mình. Thời gian đồng hành cùng Vân chỉ có vài tháng nhưng tôi nhận thấy được Vân đã sống rất có ý nghĩa và cao thượng. Sau khi Vân mất, tôi đã tự hỏi điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này, chúng ta đã chạy theo những thứ phù phiếm nhiều quá hay không? Nhiều lúc tôi thấy mình phải sống giùm Vân. Tôi phải hít thở, lao động, nghỉ ngơi, vui chơi giùm Vân. Nếu tôi cứ tận hưởng cuộc sống một cách vô thức, không nhận thấy ý nghĩa của nó thì tôi đã phí hoài thời gian của tôi, đã phụ Vân, đã coi rẻ cái mà Vân không có được nữa: Sự sống.

TS Đặng Hoàng Giang cho hay quá trình đồng hành cùng người cận tử đã để lại cho ông nhiều bài học cao đẹp về sự sống. Ảnh: H.MINH

. Tại sao ông lại chọn tìm hiểu và viết về cái chết?

+ Tôi viết vì nhu cầu của bản thân trước hết, cần phải ghi chép lại những trải nghiệm, những dự án của mình. Tôi rất vui vì đã có nhiều bạn trẻ đọc nó và phản hồi khá tốt. Trong đó, có những bạn đang chống chọi với bệnh nan y hoặc những người đã bị mất mát người thân, họ nói rằng cuốn sách giúp họ tìm được sự thanh thản khi chấp nhận số phận của mình. Vậy là cuốn sách đã phần nào có ích. Một cô gái mắc bệnh ung thư sau khi cấp cứu tràn dịch màng phổi đã nhắn với tôi: “Cháu mong có đủ thời gian để đọc hết cuốn sách này”.

Đừng để cái chết đánh úp chúng ta

. Nhưng tôi cho rằng nghĩ về cái chết, chấp nhận nó, tìm hiểu nó vẫn là một điều rất khó khăn cho hầu hết mọi người? 

+ Hầu hết mọi người đều không chuẩn bị cho bản thân mình và cho người thân của mình về cái chết. Việc trốn tránh này theo tôi là không lành mạnh, không giúp ích được cho cuộc sống của mình, một lúc nào đấy chúng ta sẽ bị cái chết đánh úp, bị cái chết làm cho bất ngờ và bị đẩy đến tuyệt vọng. Chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ bất hạnh khi đối mặt với cái chết.

Người ta chuẩn bị cho mọi thứ: kết hôn, sinh con, làm cha mẹ, đi phỏng vấn, đi làm việc, kế hoạch thăng tiến. Rất nhiều cuốn sách dạy chúng ta về những điều đó nhưng không có cuốn sách nào dạy chúng ta chuẩn bị tâm lý cho cái chết. Tôi muốn lấp lỗ trống đó bằng cuốn sách này. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã đón nhận cuốn sách ngoài dự kiến.

Ông có gặp nhiều khó khăn hay áp lực tâm lý khi đồng hành với những người cận tử không?

Đó là khoảng thời gian rất thách thức bởi vì tôi phải nhìn thấy sự đau khổ đến từ bệnh tật, nghèo đói, những bất cập chưa thể điều chỉnh ngay của ngành y tế. Tôi chắc rằng những phóng viên chiến trường hay những người hoạt động trong vùng thiên tai cũng sẽ có những cảm giác đau khổ bất lực như vậy.

Nhưng rồi tôi nhận ra hành trận cận tử cũng mang lại những điều hết sức đẹp đẽ, khi tôi được bước vào tình cảm gia đình của họ, chứng kiến tình mẫu tử thiêng liêng, tình vợ chồng cao thượng. Đó là những vẻ đẹp rất khó miêu tả mà khi cận kề cái chết nó sẽ tỏa sáng. Mọi thời khắc của cuộc sống có ý nghĩa hơn bởi thời gian của chúng ta không vĩnh viễn.

Ông có gặp những người mà không có cách nào có thể xoa dịu hay an ủi được họ khi cái chết là một nỗi sợ không vượt qua được hay không?

Có chứ, tôi gặp nhiều. Ngay cả nhiều người thân và bạn bè của tôi, khi rơi vào bệnh hiểm nghèo, họ giận dữ, đổ lỗi, tuyệt vọng. Họ rơi vào tạng thái tâm lý này là do họ không được chuẩn bị nên không thể chấp nhận rằng cái chết sẽ đến một lúc nào đó. Càng cùng vẫy thì họ càng lún sâu vào tuyệt vọng không lối thoát. Chúng ta có thể thay đổi được mọi thứ, trừ cái chết. Không chấp nhận được điều đó là một nỗi đau khổ lớn.

Cuốn sách này miêu tả những nhân vật mà tôi chọn họ làm tấm gương đã vượt qua được nỗi sợ hãi cái chết để chấp nhận cái chết một cách đường hoàng, có phẩm giá cho sự kết thúc của mình. Đối với tôi họ là những anh hùng, họ cho tôi những bài học cao cả, giúp tôi sống bình thản hơn. 

Chúng ta thường làm mọi thứ để kéo dài sự sống cho người thân dù không còn cơ hội nào, chứ không dám chuẩn bị cho người bệnh một cuộc ra đi nhẹ nhàng. Chạy chữa tới hơi thở cuối cùng không phải là cách duy nhất bày tỏ lòng yêu thương, trách nhiệm và đạo lý.

Chúng ta luôn tôn vinh những người can đảm chống chọi với bệnh tật, không đầu hàng số phận. Tôi cho rằng, những người dám chấp nhận số phận và lựa chọn sự bình an, than thản cũng là những anh hùng.

Cần chăm sóc giảm nhẹ sự tra tấn tinh thần khủng khiếp

. Hẳn ông đã gặp nhiều khó khăn cũng như áp lực tâm lý khi đồng hành với những người cận tử, thưa ông?

+ Đó là khoảng thời gian rất thách thức bởi vì tôi phải nhìn thấy sự đau khổ đến từ bệnh tật, nghèo đói, những bất cập chưa thể điều chỉnh ngay của ngành y tế.

Nhưng rồi tôi nhận ra hành trình cận tử cũng mang lại những điều hết sức đẹp đẽ, khi tôi được bước vào tình cảm gia đình họ, chứng kiến tình mẫu tử thiêng liêng, tình vợ chồng cao thượng. Đó là những vẻ đẹp rất khó miêu tả mà khi cận kề cái chết nó sẽ tỏa sáng.

Cuốn sách Điểm đến cuộc đời miêu tả những nhân vật mà tôi chọn họ làm tấm gương đã vượt qua được nỗi sợ hãi về cái chết để chấp nhận cái chết một cách đường hoàng, có phẩm giá cho sự kết thúc của mình. Đối với tôi, họ là những anh hùng, họ cho tôi những bài học cao cả, giúp tôi sống bình thản hơn.

. Ông nhìn nhận như thế nào về việc điều trị cho người cận tử hiện nay, đứng ở góc độ tâm lý?

+ Một bác sĩ đã nói với tôi rằng: “Cái đau làm người ta không biết trốn đi đâu được. Nhiều người sợ đau còn hơn sợ chết”. Tôi đã chứng kiến nhiều người bị bệnh viện trả về, chỉ có gia đình họ xoay xở với nhau ở nhà, không có sự can thiệp giảm nhẹ nào. Những cái chết từ từ đau đớn đó là cuộc tra tấn tinh thần khủng khiếp đối với người bệnh và thân nhân của họ.

Mỗi ngày đất nước chúng ta có hàng chục, hàng trăm người phải nói lời vĩnh biệt trong sự đau khổ như thế. Tôi mong nền y tế Việt Nam sẽ chú ý đến chăm sóc giảm nhẹ để những người cận tử có được hành trình bình an, thanh thản nhất có thể.

. Chăm sóc giảm nhẹ cụ thể ra sao như ông biết, thưa ông?

+ Trong y tế phương Tây có khái niệm chăm sóc giảm nhẹ với những người bệnh ở giai đoạn cuối. Họ được chăm sóc nhiều khía cạnh chứ không chỉ là chữa bệnh. Về thân thể, họ được sử dụng thuốc giảm đau. Về mặt xã hội, có người đến giúp người bệnh đi mua sắm, đi ăn. Về tâm lý, có các chuyên gia tâm lý trò chuyện, giảm nhẹ sự căng thẳng, sợ hãi cho bệnh nhân. Về tâm linh, bệnh nhân được đáp ứng các nhu cầu về tín ngưỡng để cảm thấy thanh thản. Nền y tế của chúng ta còn bỏ ngỏ các vấn đề này, trong khi chăm sóc giảm nhẹ nâng cao chất lượng sống trong thời gian ngắn ngủi của người bệnh mà không tốn kém bao nhiêu.

. Xin cám ơn ông.

TS Đặng Hoàng Giang là tác giả của nhiều cuốn sách thu hút giới trẻ như Bức xúc không làm ta vô can; Thiện, ác và smartphone, trong đó cuốn Điểm đến cuộc đời vừa được tái bản. Cuốn sách viết về những người mà thời gian sống chỉ còn được tính bằng vài ngày, vài tháng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm