Nỗi khổ... đám cưới

Toàn là những chỗ thân tình, ơn nghĩa nên không thể chỉ gửi tiền mừng mà vắng mặt được. Phải sắp xếp thời gian để “chạy sô” sao cho hợp lý.

Tháng Chạp âm lịch là cao điểm của mùa cưới. Hầu hết nhà hàng tiệc cưới trong TP đã được đặt kín chỗ. Phải đặt từ nửa năm trước mới có được nhà hàng tốt, giá phải chăng và nhất là tiện lợi cho khách đi dự tiệc trong thời buổi ùn tắc, kẹt xe.

Nỗi khổ của người đi mời đám cưới…

Ai đã từng liên quan đến cưới vợ, gả chồng chắc hiểu và thông cảm nỗi khổ tâm của người đi mời đám cưới. Phải lên danh sách khách mời từ vài tháng trước, theo thứ tự ưu tiên. Bà con thân tộc dĩ nhiên ưu tiên một. Khách là bậc trưởng thượng phải đích thân cha mẹ mang thiệp đến tận nhà mời, vừa thiệp vừa mời miệng. Rồi đến các sếp trực tiếp trong cơ quan, bạn bè thân thiết cũng là những ưu tiên. Coi chừng mời người này mà quên người kia sẽ nhận được bao lời trách móc, giận hờn (đôi khi người “bị quên” mời cảm thấy nhẹ tênh, tuy cũng làm bộ trách nhẹ nhàng). Cái khó nữa của chuyện mời đám cưới là không biết mời mà khách có đi không. Chuyện lên danh sách mời cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, có khi mời cũng dở mà không mời cũng dở. Như trường hợp ông bạn tôi, một năm tổ chức hai đám: Cưới vợ cho con trai và gả chồng con gái. Đám cưới con gái tháng 10, con trai vào tháng Chạp âm lịch. Anh cân nhắc mãi, cuối cùng chỉ mời rộng rãi đám cưới con trai, còn đám con gái anh bảo để bên nhà trai họ lo. Họ hỏi mình mời mấy bàn để họ đặt. Mình chỉ mời bà con thân tộc gần và mấy người bạn thân thiết. Một ông bạn khác là nhà văn, tổ chức cưới vợ cho hai thằng con sinh đôi một lần. Anh bảo làm thế tiện cho mình và cả khách mời. Hai đám cưới cùng tổ chức một buổi ở nhà hàng. Trước đó, lễ cưới cho hai đứa đã được làm lễ ở nhà thờ vào hai ngày Chủ nhật kế nhau. Tại nhà hàng, quan khách rất thú vị khi vợ chồng ông bạn tôi đứng giữa, hai bên là hai cặp vợ chồng trẻ - những nhân vật chính - và ngoài cùng là hai đôi vợ chồng già sui gia!

… Và nỗi khổ của người được mời

Nhưng không phải đám nào cũng vui vẻ, có hậu. Hồi tháng 9 vừa qua, tôi tham dự một tiệc cưới thưa vắng làm nhiều khách mời cũng ái ngại với khổ chủ. Tiệc cưới được tổ chức tại một nhà hàng gần Đầm Sen, nhằm ngày trời mưa tầm tã từ trưa tới chiều tối, đường sá như sông, xe cộ chết máy dắt bộ từng đoàn. Thiệp mời ghi 17 giờ 30 tiếp đón, 19 giờ vào tiệc.Thế nhưng đã quá 19 giờ mà khách đến lèo tèo mấy bàn. Bản thân tôi cũng phải liên tiếp gọi điện thoại “năn nỉ” mấy người quen cố gắng đi taxi, trễ một chút cũng không sao, mọi người đang chờ. Nhưng những cuộc điện thoại cũng không kết quả gì vì trời vẫn tiếp tục mưa, đường càng ngập, xe càng kẹt. Một khách quen đến trễ bảo cả taxi cũng chết máy thì dù có ái ngại cũng ít ai dám đi. Chờ mãi đến 8 giờ mới làm lễ cưới trong không khí trầm lắng, mặc dù nhà hàng đã cố mở nhạc vui ầm ĩ. Chắc từ khán đài lễ cưới nhìn xuống thấy khách mời lèo tèo, cả cha mẹ hai bên và cô dâu, chú rể khó có thể vui như lời chúc phúc của người dẫn chương trình đang huyên thuyên!

Ngay trong những ngày đẹp trời như hôm nay, tôi cũng đang phân vân không biết phải chia thời gian “chạy sô” hai đám như thế nào cho phải đạo. Cả hai đám đều là chỗ quá thân tình. Đám ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 là đám cưới con gái rượu của sếp trực tiếp rất thân thiết mới về hưu. Mình mà không đi, không chừng ổng sẽ trách và bảo mới về hưu mà nó đã quay lưng. Còn đám cưới ở đường Nơ Trang Long, gần cầu Băng Ky, Bình Thạnh là của con gái cô em ruột, tức cháu gọi bằng cậu. Cả hai đám cùng ngày, cùng giờ, ở hai nơi cách cả gần hai mươi cây số, làm sao đây!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm