Nông dân Sài Gòn gặt lúa 'chạy' Tết

(PLO) - Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, nhiều nông dân làm ruộng ở quận 2, TP.HCM tích cực huy động nhân lực trong gia đình ra đồng gặt lúa. Bên cạnh đó những nhân công từ miền tây cũng được thuê mướn để gặt lúa cho kịp ăn Tết.

 Ông Lê Văn Điều ở phường Cát Lái, quận 2 có một mẫu ruộng nhưng chưa thu hoạch xong. Ngày 27 Tết ông Điều huy động cả gia đình ra đồng gặt lúa.

 Đúng vào dịp nghỉ Tết nên những người con, anh em của ông Điều đều có thể tranh thủ giúp ông thu hoạch những thửa ruộng cuối cùng. Công việc khá mệt nhọc, nên chỉ có đàn ông trai tráng ra đồng. Phụ nữ thì ở nhà chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp nhà cửa vì sắp Tết.

Lúa được canh tác một năm một vụ, do chân ruộng khá sâu nên khó dùng cơ giới, 100% công việc từ gặt, đập, phơi đều được thực hiện bằng tay không nên 5 người trong gia đình ông Điều khá vất vả. 

 Theo ông Điều, sản lượng lúa năm nay không cao, trong khi giá thuê nhân công tính ra thì không đủ chi phí nên ông đợi con cháu nghỉ Tết và huy động toàn lực gặt lúa. "Như hôm nay và ngày mai gặt là xong, còn phơi một hai bữa là có thể cất được, lúa chỉ đủ ăn trong gia đình, nếu bán cũng không đáng là bao" - ông Điều cho biết.

Đồng lúa của ông Điều lọt thỏm giữa nhà chung cư, cao ốc và văn phòng. 

 Do không sử dụng máy móc nên việc canh tác và thu hoạch gặp không ít khó khăn, vất vả. Theo ông Điều, các con của ông đều đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, ăn lương, ít ai theo nghiệp nhà nông.

 Lúa sau khi gặt được để thành đống và được đập bằng tay.

 Một khung gỗ được thiết kế bằng gỗ và tre để đập lúa, theo ông Điều, gia đình ông mấy đời làm nông và đều canh tác, sản xuất theo phương thức như vậy.

 Các con ông Điều dù là công nhân, xe ôm nhưng rất thành thục trong việc làm nông, vì mỗi vụ mùa đều chung tay gieo trồng, chăm bón và thu hoạch.

 Giữa tiết trời nắng, mỗi lúc ngơi tay, những người nông dân Sài Gòn chính hiệu lại tranh thủ uống hớp trà đá, xua tan nhọc nhằn.

 Khi lúa đầy, khung gỗ được gỡ ra để lấy lúa cho vào bao.

Trên khung gỗ treo một nửa ổ bánh mì. Anh Trí , con trai ông Điều cho biết, cả nhà làm việc từ sáng đến tối cho chóng xong, lúc nào đói thì ăn bánh mì lót dạ ngay tại chân ruộng. 

 Gần đó là khu ruộng của một hộ nông dân khác, tại đây những người miền tây từ Sóc Trăng được thuê mướn gặt lúa.

Lúa được tuốt máy sau đó cho vào bao vận chuyển lên đê để thuận tiện chuyên chở. 

Mỗi bao lúa tươi khá nặng nhưng những người này có thể dễ dàng vác đi trên chân rộng nhão. 

 Lúa sau khi được đóng bao sẽ được đem phơi dọc con lộ gần ruộng, lúa được nắng mẩy vàng, thơm mùi đồng nội.

Anh Châu Văn The (38 tuổi, ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết mình từ quê lên Sài Gòn khoảng 2 tháng nay, vì chưa quen nên không xin được vào làm tại các khu công nghiệp, nên anh em quen nhau đi gặt lúa thuê cho các chủ ruộng. Một mẫu chủ ruộng trả cho tiền công khoảng 2,5 triệu. 

 Được biết, những người làm thuê như anh The đều là dân tộc Khmer phải ở chòi cách đó khoảng 1 tiếng đi thuyền. Sáng chủ đưa đi, tối chủ đưa về, cơm nước thì mình tự lo. Chắc vào khoảng 28 Tết thì về, dù về hay thế nào cũng phải gặt xong lúa, mình nhận lời gặt xong là phải gặt xong mới về" - anh The khẳng định. 

 Được biết, những chân ruộng tại quận 2 đã được thu hồi và đền bù, khi nào tiến hành giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng thì những chân ruộng tại đây sẽ không còn.

NGUYỄN TÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm