Nộp phạt tại chỗ: Không có chuyện áp dụng đại trà

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 11-2, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, khẳng định nội dung nộp tiền phạt trực tiếp như trong dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 171/2013 của Bộ Công an quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt không hoàn toàn mới.

Cụ thể hóa Luật Xử lý vi phạm hành chính

Theo ông Nghị, những nội dung trong dự thảo thông tư này chỉ cụ thể hóa những quy định tương tự của Luật Xử lý VPHC. Cụ thể, điều 56 và 69 Luật Xử lý VPHC quy định trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng (với cá nhân), 500.000 đồng (với tổ chức) thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt ngay mà không cần lập biên bản. Và với mức phạt như vậy, người vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc xử phạt VPHC tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, trên biển, Điều 78 quy định nếu việc đi lại khó khăn hoặc đã ngoài giờ hành chính thì cũng có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.

Ký biên bản nộp phạt vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: HTD

Đây chỉ là các trường hợp ngoại lệ. Còn lại, theo thủ tục chung, người vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt tại kho bạc. Các quy định như vậy áp chung cho mọi loại vi phạm hành chính chứ không riêng gì lĩnh vực giao thông.

Cụ thể hóa luật để áp dụng vào lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 171/2013. Văn bản này quy định về hành vi VPHC; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định 171 lại không nói rõ về thủ tục nộp tiền phạt.

Vì vậy, theo ông Nghị, dự thảo thông tư có Điều 4 về thủ tục xử phạt, về cơ bản chỉ nêu lại Điều 78 của Luật Xử lý VPHC gắn với đặc thù lĩnh vực giao thông. “Thông tư hướng dẫn để cả cán bộ, chiến sĩ và người dân hiểu luật để áp dụng thống nhất chứ không có gì mới vượt ra ngoài quy định hiện hành cả” - ông Nghị khẳng định.

Trước đó, phát biểu trên TTXVN (ngày 10-2), ông Nghị cũng nhấn mạnh hình thức nộp phạt trực tiếp cho CSGT chỉ được áp dụng trong trường hợp địa điểm xảy ra vi phạm ở nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn và ngoài giờ hành chính, khi kho bạc không làm việc; không có chuyện Bộ Công an sẽ tiến hành đại trà hình thức thu tiền phạt trực tiếp đối với người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Cần hoàn thiện thêm

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Vụ Pháp luật hình sự, hành chính thuộc Bộ Tư pháp - cơ quan quản lý nhà nước về thi hành pháp Luật Xử lý VPHC. Bà Bùi Thị Nam, Trưởng phòng Pháp luật Hành chính, cho biết hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt thuộc về các quy định chung của Luật Xử lý VPHC. Chính phủ đã có Nghị định 81/2013 quy định chi tiết các nội dung này. Riêng vấn đề xử phạt không cần lập biên bản và nộp phạt trực tiếp, do Luật Xử lý VPHC đã quy định khá rõ nên Nghị định 81 không cần giải thích thêm.

Nhận xét về dự thảo thông tư của Bộ Công an, bà Nam cho rằng có một số vấn đề kỹ thuật cần hoàn thiện thêm. Chẳng hạn, các điều 56, 69 và 78 nêu trên nằm cả trong Mục 1, Mục 2 thuộc Chương III Luật Xử lý VPHC. Như thế, Điều 4 dự thảo thông tư chỉ dẫn chiếu Mục 1 là chưa đầy đủ.

Về vấn đề này, Trung tướng Đỗ Đình Nghị cho biết dự thảo thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến địa phương. Bộ Công an sẽ lắng nghe mọi góp ý để hoàn thành dự thảo và sẽ có thẩm định kỹ trước khi ban hành.

NGHĨA NHÂN

 

Điều 4. Thủ tục xử phạt

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III phần thứ II Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần lưu ý:

1. Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

(Trích dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 171/2013 của Bộ Công an)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm