Nữ hộ lý xót lòng xa con gái lúc vượt cạn

Lần nào gọi cũng nghe đầu dây bên kia giọng nói hổn hển, mệt mỏi rồi chị nhẹ nhàng than đang bận rộn quá, hẹn dịp khác.

Không bận rộn sao được khi cả khoa chỉ có hai hộ lý, từ ngày 10-3, khi có ca nhiễm COVID-19 (bệnh nhân 34) đầu tiên nhập viện rồi chỉ hai ngày sau, số bệnh nhân đã tăng lên chín người.

Hộ lý luôn là những người tất bật nhất bệnh viện. Họ luôn làm những việc không tên từ vệ sinh, dọn dẹp phòng ốc đến chuyển tải những y lệnh, dặn dò của bác sĩ đến từng giường bệnh… Nhiệm vụ của họ nhiều hơn gấp bội bình thường bởi thân nhân người bệnh COVID-19 không được phép vào chăm sóc.

Kiệt sức vì chăm bệnh nhân COVID-19

Chị Ngãi tâm sự, nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị mệt đã đành nhưng mệt nhất vẫn là với những người có nguy cơ nhiễm bệnh đưa vào khoa cách ly, sàng lọc rồi chuyển cơ sở điều trị khác. Những trường hợp này rất đông và hầu hết khi chuyển đi đều vứt lại những vật dụng của mình như bình nước, sữa, vật dụng cá nhân đã sử dụng dở, các hộ lý phải mất nhiều thời gian, sức lực để dọn dẹp. “Nhiều lúc tôi quá kiệt sức, cứ nghĩ sẽ bỏ cuộc. Tuy nhiên, nghĩ đến các con đang ở nhà nên tôi xốc lại tinh thần để cố gắng. Hơn nữa đã vào cách ly trong này, hằng ngày, hằng giờ đối mặt trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm còn chưa lo sợ thì kiệt sức là chuyện nhỏ, chỉ cần cố gắng là có thể vượt qua” - chị Ngãi nói.

Nỗi lo sợ lớn nhất của chị Ngãi trong khoa cách ly không phải sẽ bị lây nhiễm, không phải vì kiệt sức mà chị lo cho đứa con trai ở nhà trưa nay, chiều mai ăn uống cái gì, ra sao; đứa con gái bụng chửa vượt mặt sắp vượt cạn mà không có mẹ ở bên cạnh.

15 năm trước chồng chị Ngãi qua đời sau một cơn bạo bệnh. Lúc đó đứa con gái lớn mới bảy tuổi, còn thằng con trai út cũng chỉ hai tuổi vừa chập chững biết đi. Chị vừa là cha, vừa là mẹ, vừa làm đủ thứ mưu sinh, vừa chăm sóc, nuôi nấng, đưa đón hai con đến trường. “Có lẽ chính thời gian nghiệt ngã này đã giúp tôi có nghị lực vượt qua mọi khó khăn nên công việc ở Khoa truyền nhiễm dù nguy hiểm, vất vả nhưng cũng không thể đánh gục được tôi” - chị Ngãi tâm sự.

Năm 2012, một đồng đội của chồng cảm thương hoàn cảnh mẹ con chị Ngãi nên gá nghĩa. Họ chỉ rổ rá cạp lại, làm một bữa tiệc nhỏ ra mắt rồi người chồng mới lại lên đường làm nhiệm vụ tại đơn vị xa nhà. Cũng từ thời điểm này, chị Ngãi đi học khóa hộ lý cấp tốc rồi vào làm việc tại Khoa truyền nhiễm đến nay.

Hộ lý Phan Thị Ngãi nhận bằng khen của UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Mừng cháu ngoại chào đời qua màn hình

Con gái lớn của chị Ngãi cũng đi học điều dưỡng và có chồng rồi có thai. Ngày chị vào cách ly trong khoa, chị cứ lo lắng khi con gái vượt cạn sẽ không có mặt mẹ ở bên để nắm tay giúp con vượt qua. “Mẹ con quấn quýt, rau cháo nuôi nhau từ nhỏ. Con bé làm gì cũng có mẹ. Tôi không khỏi lo lắng nó “đi biển mồ côi một mình” trong khi bà con thân thích chẳng có ai” - chị Ngãi bồi hồi kể lại.

Đó là ngày 13-3, ngày mà chín bệnh nhân nhiễm COVID-19 vừa nhập viện và hàng chục trường hợp khác đưa vào cách ly. Đó cũng là ngày mà các hộ lý, y, bác sĩ Khoa truyền nhiễm căng mình, dồn hết sức lực cho nhiệm vụ của mình. Đó cũng là lúc đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy vừa có mặt để tiếp ứng, hỗ trợ cho Bình Thuận.

Công việc đang dồn dập thì chị Ngãi nhận tin con gái sắp lên bàn sinh. Thời điểm đó qua hai đêm gần như thức trắng, chị Ngãi vừa từ phòng dọn vệ sinh ra nghe con sinh khó đã kiệt sức rồi ngã quỵ xuống.

Các bác sĩ Khoa truyền nhiễm đã gọi cho các bác sĩ Khoa sản nói rõ trường hợp con gái chị Ngãi nhờ giúp đỡ. Chị Ngãi cho biết trong lúc chị đang suy nghĩ hai mẹ con chỉ cách nhau có vài chục bước chân nhưng không thể chạy đến bên con được thì điện thoại video reo.

Bên kia các bác sĩ Khoa sản đã hướng ống kính về khuôn mặt mệt mỏi lấm tấm mồ hôi nhưng hạnh phúc của con gái chị và cạnh đó là một sinh linh bé bỏng vừa ra đời khóc ngằn ngặt. Các đồng nghiệp ở Khoa sản đã đồng thanh gửi lời chúc mẹ tròn con vuông đến con gái chị Ngãi. Thằng bé khôi ngô, nặng 3,1 kg, cháu ngoại của người hộ lý này đã ra đời trong mùa dịch COVID-19 như thế.

Chưa hết mừng cho con gái và cháu ngoại, chị Ngãi lại lo cho đứa con trai 17 tuổi ở nhà một mình gần một tháng qua thiếu vắng chị không biết ăn uống thế nào hay tiếp tục nấu mì gói. Cứ thế hết lo cho các con ở nhà, sáng từ 6 giờ 30, trưa từ 11 giờ và chiều từ 16 giờ 30 chị lại nai nịt đồ bảo hộ vào phòng lo cho bệnh nhân. Chị làm việc như một cái máy dù lương tháng của hộ lý chỉ 5,4 triệu đồng.

Khóc mừng sẽ được thăm cháu, thăm con

Hôm 6-4, lúc nhận tin bệnh nhân cuối cùng nhiễm COVID-19 đang cách ly, điều trị trong khoa có kết quả xét nghiệm âm tính, cũng như các y, bác sĩ trong khoa, chị Ngãi đã bật khóc. Chị khóc cho những nỗ lực của mình và các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đã có kết quả tốt đẹp dù theo chị, những hộ lý chỉ là những người góp công thầm lặng. Chị vẫn khóc vì mừng cho các bệnh nhân và chị khóc vì nếu không có gì thay đổi, chị sẽ được về nhà thăm cháu, thăm con.

Nhiệm vụ nặng nề

Trong những phòng cách ly nghiêm ngặt, các hộ lý phải mặc đồ bảo hộ kín mít, ngày ba lần sáng, trưa, chiều chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Mỗi lần vào phòng cách ly kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ, họ phải vào giúp bệnh nhân ăn uống, tiểu tiện rồi tắm giặt, vệ sinh… 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.