MIỀN TRUNG TRONG CƠN ĐẠI HẠN - BÀI 2:

Nước ao tù cũng phải… mua

Ông Tạ Quang Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã, đẩy chiếc quạt đến gần khách, giải thích: “Nắng nôi vầy, anh ngồi gần gió một tí cho hạ nhiệt, kẻo đến 11 giờ là cúp điện đó...”.

Chờ một buổi để chắt một thùng nước

Quảng Tiến là vùng bán sơn địa, những ngày này đồng khô, cỏ cháy. Hai bên đường về xã, lau lách cháy trắng. Vào những trưa hè nhiệt độ lên đến 40 độ, có khi đá muối trắng phát nổ, sinh lửa bén vào cỏ khô và cháy rừng. Cách đây mấy năm, tổ chức phi chính phủ ICO về khảo sát và hỗ trợ xây cho Quảng Tiến 75 giếng nước. Hiện nay còn khoảng một nửa số giếng này còn nước nhưng cũng chỉ được vài tấc nên ai cũng cố nhanh chân lấy nước vào buổi sáng. Khi giếng cạn, người tiếp theo phải chờ đến cả buổi mới có được thùng nước thứ hai.

Cả xã có bốn thôn đều lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Căng nhất là hai thôn Văn Hà và Hà Lưu. Do địa thế nằm hơi cao so với Khe Sâu nên giếng nào cũng trơ đáy. Người dân dùng nước tận dụng móc lên từ lòng khe hoặc đi mua. Hai thôn có hai xe công nông được đưa vào kinh doanh nước. Anh Trần Văn Khánh, chủ xe công nông ở thôn Hà Lưu, cho hay: “Tôi lấy tấm bạt nylon phủ lên thùng xe rồi chạy đến mấy xã còn nước để mua. Cứ bơm đầy một thùng 2 m3 thì trả cho người bán 20.000 đồng, rồi lại chạy 7 km đưa về bán lại cho bà con giá 70.000 đồng. Trừ tiền dầu, tiền mua nước thì mỗi chuyến chỉ lãi 25.000 đồng”.

Không chỉ nước dùng cho sinh hoạt. Ở Quảng Tiến nước gì cũng bán được. Anh chàng Khánh còn “được” bà con đặt hàng mua nước ao hồ, mỗi phuy 100 lít với giá 20.000 đồng để phục vụ xây dựng công trình.

Nước ao tù cũng phải… mua ảnh 1

Ông Tạ Quang Vĩnh: “Hơn 100 ha ruộng đồng Hà Tiến bỏ hoang vì không có nước...”

Nhà ông Lê Văn Dũng ngổn ngang vật liệu. Ông người đầy mồ hôi, kể lể: “Ngày giờ thì ấn định rồi. Ky cóp mãi mới gần đủ tiền sửa lại căn nhà. Đúng vào lúc hạn hán, nước khô ráo, vậy là phải mua. Nào là nước trộn hồ, nào là nước bảo dưỡng tường... Không lẽ vì thiếu nước mà dừng công trình lại thì biết đến bao giờ mới xong. Tiền công thợ tính ra hết khoảng 5 triệu đồng và tiền mua nước tăng thêm cũng chừng đó nữa. Thật là thiệt đơn, thiệt kép...”.

Chảy vòng vèo ôm lấy chiều dài Quảng Tiến là con Khe Sâu. Mùa mưa lũ, nước Khe Sâu dâng cao đến 4-5 m, chảy ào ào như thác. Bây giờ thì nó không còn một dòng chảy nào cho dù nhỏ nhất. Ở những chỗ con khe uốn khúc thì còn lại vũng nước vàng quạch, nổi váng nhờn nhợt... Nước đó khó dùng được, bà con chọn những chỗ đáy khe có cát đào xuống chờ nước rỉ ra lấy mà dùng hay tắm giặt.

Bên “ao” nước giữa đáy Khe Sâu, chị Phạm Thị Lý (thôn Văn Hà) đang cố gạn, múc lấy thùng nước mang về nhà. Hôm qua, may có cơn mưa rào đúng vào khúc giữa con khe nên nước được đầy lên một chút nhưng lại đục ngầu. Vừa lấy nước chị vừa than: “Nhà có cháu nhỏ nên tắm nước bẩn là nó lên rôm sảy, tội lắm. Có khi hố nước đầy bọt xà phòng mà cũng phải đưa về nhà để dùng. Không thì cũng chẳng biết lấy nước nơi nào... Mấy hôm trước không có nước mà lấy mô. Hôm nay vũng đầy lên chút, lấy về trữ lại, gạn lọc để có cái mà dùng...”.

Cách Khe Sâu khoảng 100 m là nhà cụ Phạm Thị Thảo 71 tuổi. Cụ đứng bên chiếc giếng to sát sân nhà, nhìn xuống giếng một hồi rồi nói: “Giếng này do cụ ông thuê người đào sâu gần 20 m, được xếp vào loại to lớn nhất vùng. Vậy mà nó kiệt nước hơn tháng nay rồi. Nhà tôi về đây ở đúng 35 năm, chỉ có hai lần hạn làm khô giếng. Đó là vào hồi năm 2004, giếng cạn nước độ hai tuần. Còn năm nay thì cạn riết hơn tháng nay rồi, không biết khi mô có nước! Mà chắc còn lâu vì Khe Sâu cạn rốc lên rứa thì lấy nước mô cho giếng có...”.

Ruộng bỏ hoang vì... hạn

Ruộng vườn ở Quảng Tiến trơ dưới cái nắng hè gay gắt. Chịu hạn như sắn cũng rũ lá cúi đầu. Quanh bờ giếng, đám đu đủ, chuối lá vàng cháy sém, héo rũ, trông thật thảm.

Toàn xã có trên 250 ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp nhưng chỉ được một nửa diện tích là gieo cấy lúa. Duy nhất công trình thủy lợi là đập Khe Mái cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 28 ha ruộng lúa. Vụ đông xuân năm vừa qua, đập Khe Mái cũng không cung ứng đủ nước tưới cho đồng ruộng. Hơn 3 km kênh mương được đầu tư xây dựng đến các chân ruộng không phát huy được tác dụng vì không có nước.

Nước ao tù cũng phải… mua ảnh 2

Người dân Quảng Tiến tranh thủ lấy nước tù đọng ở Khe Sâu dùng cho sinh hoạt.

Buổi trưa, ông Tạ Quang Vĩnh đưa chúng tôi đi ra vùng đồng Hà Tiến. Cánh đồng hơn 100 ha bằng phẳng được quy hoạch bờ vùng, bờ thửa khá tốt nhưng trong tình trạng khô cháy. Hai tuyến kênh chạy dọc ngang trơ đáy khô không khốc. Mặt ruộng khô toác, chỉ có cỏ dại cằn chịu trận dưới mặt trời. Ông Vĩnh đứng bên bờ mương, khoát tay chỉ một vòng: “Cánh đồng này chạy dài gần 4 cây số sát thôn Hà Tiến. Đây là diện tích đất lúa chủ lực của xã nhưng phải chấp nhận bỏ hoang vì không thể có được giọt nước lên ruộng. Nếu như có được nước tưới thì chí ít cây lúa trên đồng này cũng đạt bình quân 4,5 tấn/ha, mỗi vụ người dân cũng thu được 450 tấn lúa...”. Trên những đám ruộng ven khu dân cư, bà con thấy tiếc nên cày xới trồng hoa màu cho đỡ xót vì cảnh ruộng bỏ hoang. Nhưng rồi không có cây khoai, sắn nào chịu đựng nổi hạn hán và chết cháy sạch.

Ở Quảng Tiến lâu nay nhiều gia đình khá lên nhờ có thu nhập cao từ cây hồ tiêu. Theo ông Vĩnh thì đã có nhà mỗi vụ thu trên một tấn tiêu hạt, thu về vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, hạn thường xuyên nên vườn tiêu cứ teo tóp dần. Được biết, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành hữu quan đầu tư xây dựng đập thủy lợi Khe Am nhằm tăng cường nguồn nuớc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Vĩnh ao ước: “Nếu được nhà nước hỗ trợ khoảng vài chục tỉ đồng để làm đập tràn Khe Am thì sẽ giải quyết được cái gốc nước tưới, nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân. Lúc đó, diện tích lúa sẽ mở rộng được 150 ha và đưa vào sản xuất hai vụ; rồi cây tiêu, cây hoa màu khác có nước cũng sẽ phát triển, tạo nguồn thu cho người dân. Nói thật, nếu không có đập hồ Khe Am thì tỉ lệ đói nghèo 37% của Quảng Tiến khó mà hạ thấp được...”.

PHONG NHA

Bài 3: Những dòng sông ngắc ngoải

Các con sông ở Quảng Nam, Đà Nẵng trơ đáy. Nông dân có nguy cơ thiếu đói khi hàng ngàn hecta lúa của người dân bỏ hoang và mất trắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm