NXB Tri Thức: Độc hành hướng tới thực học

Giải thưởng Sách hay 2012 trao 15 giải thưởng thì NXB Tri Thức đã chiếm đến năm giải.

.Thưa GS, ông có thể nói về mục tiêu ra đời của NXB mang cái tên rất ý nghĩa này? + GS-TS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức: Thành lập NXB Tri Thức là nguyện vọng của tôi ngay từ khi còn là thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Khi vừa nghỉ hưu là tôi vận động xin thành lập ngay vì nhận thấy người đọc của Việt Nam đang rất thiếu những loại sách kinh điển phổ cập tinh hoa tri thức của nhân loại về triết học, khoa học xã hội nhân văn, chính trị, kinh tế học và sách nhận thức luận về khoa học… Đây là loại sách giúp ích rất lớn cho sự phát triển mọi mặt của một đất nước. Tại Nhật, thời Minh Trị, loại sách này được dịch và xuất bản sang tiếng Nhật rất nhiều. Trung Quốc đầu thế kỷ 20, những nhà cải cách như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi cũng dịch loại sách này. Ở nước ta, thời phong trào Duy Tân, các nhà Nho yêu nước cũng đã được đọc loại sách này từ các bản tiếng Trung Quốc gọi là sách “Canh thư”. Từ đó đến nay, ở nước ta loại sách này luôn có người dịch nhưng chưa bao giờ thành hệ thống đầy đủ.

Có cả hội đồng chọn sách

.NXB dùng phương pháp nào, chuẩn nào để chọn lọc sách để đưa tri thức tinh hoa nước ngoài đến người đọc?     

+ NXB Tri Thức đang làm những loại sách này với mục tiêu dịch liên tục, đầy đủ, hợp thành hệ thống gọi là Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Việc chọn sách trước hết sẽ dựa vào những danh mục thành hệ thống sách tri thức có sẵn mà người Nhật đã dịch vào đầu thế kỷ 19. Ở châu Âu, Nga, Đức cũng có danh mục hệ thống các sách loại này. Gần đây nhất, Đài Loan đã dịch các đầu sách tri thức trên ra tiếng Hoa gần như đầy đủ. Ngoài ra, chúng tôi còn có một hội đồng khoa học gồm các nhà trí thức đầu ngành uy tín để tham khảo việc chọn dịch sách.

NXB Tri Thức: Độc hành hướng tới thực học ảnh 1

Lễ trao giải Sách hay năm 2012.

Vận động thân hữu đầu tư

.Thưa GS, làm sách tri thức đã khó nhưng đưa nó đến người đọc càng khó hơn vì rõ ràng loại sách này rất khó bán, vì sao NXB Tri Thức vẫn kiên trì làm?

+ Đúng là sách của NXB Tri Thức rất khó bán vì nó dành cho tầng lớp tinh hoa, tầng lớp nghiên cứu. Song ở các nước tiên tiến, giáo viên đã giới thiệu các loại sách này cho học sinh lớp 12 , đến bậc ĐH việc đọc các sách này còn tốt hơn nữa. Ở miền Nam trước năm 1975, học sinh lớp 12 cũng được tiếp cận sách kinh điển tương tự ở các nước tiên tiến nhưng sau đó thì không còn. Thậm chí rất nhiều những thư viện nhận tiền ngân sách của Nhà nước để mua sách phục vụ cho người dân họ cũng không mua loại sách kinh điển này mà mua loại dễ đọc hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng trước hết cứ phải có những quyển sách kinh điển mang hàm lượng trí tuệ cao được dịch sang tiếng Việt cái đã để người cần đọc có để đọc. Từ những bản sách này, giới nghiên cứu, cán bộ giảng dạy ở các trường ĐH mới truyền bá dễ dàng hơn đến giới trẻ.

.NXB Tri Thức đã có nỗ lực nào để đưa sách quý của mình đến với người đọc, thưa GS?

+ Đến nay tôi đã vận dụng hết mọi khả năng, các mối quan hệ để vận động các nguồn lực trong xã hội đóng góp cho sự tồn tại của NXB Tri Thức. Tôi đã cùng nhiều thân hữu là nhân sĩ trí thức có tâm lập Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh mục đích chính vận động cho tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới nhưng chưa thật sự hiệu quả. Các nhà hảo tâm ít quan tâm đến lĩnh vực này. Có thể các doanh nghiệp có mục tiêu riêng, muốn được quảng bá hình ảnh nhiều hơn họ quan tâm tài trợ cho các hoạt động xã hội khác như các cuộc thi hoa hậu, bóng đá nhiều hơn. Đó là mục tiêu chính đáng; tuy nhiên, ở nước ngoài vẫn có những tỉ phú tặng các trường ĐH số tiền rất lớn để giúp ích cho việc nghiên cứu, phát triển tri thức, khoa học…

Nhân đây tôi xin chân thành gửi lời tri ân đến bác sĩ Việt kiều Canada Trần Quang Khâm - một mạnh thường quân thật sự quan tâm đến văn hóa và sự phát triển của đất nước. Năm nào ông cũng tài trợ 200-300 triệu đồng giúp chúng tôi in sách. Mặt khác, cơ quan chủ quản của NXB là Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã hết sức tạo điều kiện cho NXB về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ban đầu. Thấy được hiệu quả hoạt động của NXB, lãnh đạo Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đang trình một dự án xin Nhà nước tài trợ cho dự án “Tủ sách tri thức cho cộng đồng” - tặng sách tri thức cho các thư viện, trường ĐH ở các thành phố lớn để đưa sách tri thức đến với người đọc.

Nếu thực học, nhiều người sẽ đọc sách tri thức

.Thưa GS, theo ông chuyện đọc sách của giới trẻ hiện nay ra sao, đặc biệt là sách tri thức?

+ Các bạn trẻ hôm nay không ham đọc sách lắm. Một trong những nguyên nhân lớn là nền giáo dục nước ta dồn họ đến tình thế chỉ học để đi thi, để lấy điểm cao, lấy bằng cấp nên họ chỉ đọc những thứ trong giáo trình. Nếu là nền giáo dục thực học, học để lấy tri thức, thế hệ trẻ sẽ quan tâm đến việc đọc sách nhiều hơn, đọc sách ngoài giáo trình nhiều hơn.

. GS nghĩ gì về quan điểm cho rằng cuộc sống hôm nay không cần mang vác nhiều kiến thức nặng nề nữa, vì đã có các công cụ khác như mạng Google hỗ trợ?

+ Thông tin có thể tìm kiếm dễ dàng nhưng kiến thức thì phải học tập và nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh mà tự học là quan trọng nhất; đến lượt mình đọc sách là việc hết sức thiết yếu cho quá trình tự học. Có kiến thức người ta sẽ biết tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin đó như thế nào cho đúng.

. Xin cảm ơn GS.

NXB Tri Thức: Độc hành hướng tới thực học ảnh 2

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm