'Ở nhà do giãn cách xã hội cũng có nhiều cái hay'

“Nói thiệt, chỉ mới mấy ngày ở nhà do giãn cách xã hội mà ông chồng tôi đâm siêng ra” – chị Nguyễn Thị Thanh Mai (38 tuổi, ở phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ.

Hết lau nhà tới chùi bàn ghế

Chồng chị Mai làm cho một công ty cung cấp dụng cụ trang trí nội thất trên địa bàn TP.HCM. Do TP đang thực hiện Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19 nên anh được nghỉ. “Ở nhà đi ra đi vào riết bực bội trong người. Do vậy, tầm 9 giờ mỗi ngày là chồng tôi lúi húi lau nhà từ trên xuống dưới, hết tầng 1 tới tầng 2” – chị Mai nói.

Không chỉ vậy, nghỉ trưa xong là chồng chị Mai cặm cụi dọn dẹp đồ vật trong nhà cho gọn gàng. Chưa hết, anh còn chịu khó quét dọn bụi bặm, lau chùi bàn ghế, cửa nẻo sạch boong. “Đảm bảo hết giãn cách, nhà tôi không còn hột bụi. Chẳng bù trước đây, chồng tôi đi làm về nghỉ ngơi một tí rồi cơm nước, xem truyền hình xong ngủ, chẳng màng chuyện nhà cửa” – chị Mai nói thêm.

“Chồng tôi á, trước đây một tuần ăn cơm với vợ con không quá năm lần. Từ ngày thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày ngồi ăn chung với vợ con đủ ba bữa” – chị Võ Thị Hoài Hương (36 tuổi, ở phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết.

Chồng chị Võ Thị Hoài Hương tự rửa xe trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chồng chị Hương là trưởng phòng kinh doanh của một công ty hoạt động ngành điện lạnh nên chuyện gặp gỡ đối tác trong bàn nhậu là điều khó tránh. Hầu như về tới nhà là chồng chị Hương lăn ra ngủ do quá say, sáng lại đi làm sớm nên hiếm khi ngồi ăn chung với vợ con. “Nghĩ lại giãn cách xã hội có nhiều cái hay, ít nhiều thay đổi bản tính con người. Chồng tôi chẳng những không vắng mặt trong mỗi bữa ăn mà còn có tài nấu canh chua rất ngon. Chưa hết, cơm nước xong chồng tôi “đuổi” vợ con lên nhà trên rồi lúi húi rửa chén đĩa. Chuyện này trước đây chưa hề xảy ra” – chị Hương cho biết thêm.

“Còn một chuyện cho tôi khoe tí. Do rảnh rỗi không biết làm gì nên chồng tôi mang xe máy cả nhà ra rửa không còn miếng sình bùn. Trời ơi, chuyện này trước đây nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới” – chị Hương cười nói. 

Giặt quần áo bằng tay cho đỡ tốn tiền điện

“Tôi nghĩ sau 15 ngày giãn cách xã hội, tiền điện nhà tôi có giảm chút đỉnh” – anh Trần Hoàng Khánh (40 tuổi, ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) nói.

Chả là vợ chồng anh Khánh có 2 mặt con nên quần áo dơ mỗi ngày rất nhiều. Vợ chồng anh Khánh lại đi làm cả ngày nên tất cả quần áo dơ “tống” vô máy giặt để còn có thời gian ngơi nghỉ. “Thực hiện giãn cách xã hội nên vợ chồng tôi được ở nhà 15 ngày. Do rảnh rỗi nên vợ tôi chuyển giặt quần áo từ máy qua tay để vừa giết thời gian, vừa đỡ tốn tiền điện’ – anh Khánh cho biết.

Đâu chỉ vậy, ăn tối xong là anh Khánh lôi cây đàn ghi ta ra đệm cho vợ hát. Vừa khen mẹ hát hay, hai đứa con vừa nhúng nhẩy trông rất dễ thương. Hình ảnh gia đình anh Khánh lúc này thật hạnh phúc. “Chúng tôi quen nhau thời đại học. Khi đó, mỗi lần trường tổ chức văn nghệ hoặc trong những chuyến đi xa là tôi đàn cho vợ hát. Cưới nhau rồi sinh con, áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” khiến vợ chồng tôi ít rảnh rỗi đàn hát. Giờ thì có nhiều thời gian để tôi nâng phím đàn, vợ cất giọng hát, con ngồi vỗ tay khiến không khi gia đình thêm đầm ấm. Nghĩ lại, giãn cách xã hội cũng có nhiều cái hay” – anh Khánh trãi lòng.

“Thiệt không ngờ, nhờ giãn cách xã hội mà tôi và hai con được mặc quần áo do chính vợ may. Mà công nhận vợ tôi may đẹp thiệt” – anh Võ Minh Quân (42 tuổi, ấp Mỹ Huề, huyện Hóc Môn, TP.HCM), chia sẻ.

Vợ anh Quân trước đây ở nhà nhận may quần áo cho bà con lối xóm. Sau khi lập gia đình, vợ anh Quân về nhà chồng rồi xin vào làm việc cho một công ty bao bì giấy. Do giãn cách xã hội, chỗ vợ anh Quân làm không thuộc ngành nghề thiết yếu nên được nghỉ 15 ngày.

“Biết chắc dư dả thời gian trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 nên vợ tôi mang máy may từ nhà má ruột về chỗ ở và mua vài sấp vải để sẵn. Giãn cách xã hội được hai ngày, tôi và hai con được vợ đo ni áo quần. Trong vòng một ngày, chiếc quần và áo sơ mi ngắn tay của tôi được vợ may xong trông rất đẹp. Hết dịch, tôi sẽ mặc vô cơ quan khoe với tụi bạn.

Hai con tôi cũng vậy, cứ trầm trồ chiếc đầm mẹ may. Tôi nói vợ may cho cha con thêm vài bộ vì vừa đẹp, vừa rẻ so với quần áo may sẵn bán ở tiệm” – anh Quân nói thêm.

 

Tiền điện thoại hao hơi nhiều

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, vợ tôi thường gọi điện thoại cho bạn bè và “tám” đủ chuyện để khuây khỏa, giải tỏa sự bực bội trong người do thời gian rảnh rổi quá nhiều.

Đảm bảo tiền điện thoại vợ tôi sẽ gia tăng trong những ngày giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vợ chồng tôi chẳng bận tâm chuyện này bởi ở nhà là biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất trong thời điểm hiện tại.

Anh TRẦN QUANG HẢI, 36 tuổi, ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm