Phá 4 chuyên án ma túy liên quan người gốc Phi

Ngày 28-10, tại buổi sơ kết “Các chuyên án mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy có liên quan đến người gốc Phi” do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức, nhiều đại biểu đã nhận định tình trạng nhiều người gốc Phi thông qua việc nhập cảnh, cư trú trái phép... - để trung chuyển ma túy vào nước ta, từ đó vận chuyển sang nước thứ ba - diễn biến hết sức phức tạp.

Gần đây, tình trạng người Việt Nam mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sang Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ diễn ra ngày càng nhiều. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2009, cảnh sát và hải quan Trung Quốc đã bắt giữ 57 người Việt Nam vận chuyển ma túy, thu giữ hơn 52 kg heroin. Một số người khác cũng bị bắt giữ tại Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... với hành vi tương tự.

Trong số đó, phần lớn là phụ nữ cư trú tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Khai thác thông tin từ số phụ nữ này cho thấy các vụ án ma túy có liên quan đến những người gốc Phi hiện cư trú tại TP.HCM.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đồng thời điều tra, phát hiện đường dây chuyên tổ chức vận chuyển ma túy ra nước ngoài tiêu thụ. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C17) đã xác lập một số chuyên án. Sau nhiều tháng tập trung phá án, có bốn chuyên án lớn được khám phá, khởi tố 29 bị can và thu giữ trên 10 kg heroin. Trong số đó có 17 bị can là người nước ngoài, chủ yếu là người gốc Phi.

Thủ đoạn mà tội phạm người gốc Phi thường dùng để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam rồi từ Việt Nam đi Trung Quốc và các nước khác là thông qua việc xuất cảnh du lịch hoặc viếng thăm bà con của phụ nữ Việt Nam. Họ thường nhắm vào các phụ nữ biết tiếng Anh đang làm việc tại các nhà hàng, quán bar. Để ràng buộc những phụ nữ này, chúng tìm cách làm quen, sống chung như vợ chồng hoặc kết hôn với họ. Sau đó, chúng nhờ các “vợ hờ” lôi kéo các nữ sinh viên, hướng dẫn viên du lịch hoặc các cô thích ăn chơi đua đòi nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn vào đường dây bằng thủ đoạn nhờ đi nước ngoài để vận chuyển “hàng mẫu” là quần áo, giày dép hoặc sách vở, tranh ảnh, thực phẩm đóng hộp (thực chất bên trong đó có chứa ma túy) với tiền công từ 300 đến 500 USD.

Nhiều phụ nữ đã trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia. Cụ thể, các vụ án được khám phá gần đây như vụ Nnaji David Ete (quốc tịch Nigeria), Chime Chikke Ben (quốc tịch Nigeria), Anyanwu Chima Stanly (quốc tịch Nigeria), Romos Raquel Malayao (quốc tịch Philippinnes) cùng đồng bọn.

Tại buổi sơ kết, thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng tham gia chuyên án và nhắc nhở cơ quan điều tra tội phạm ma túy cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng trong việc quản lý chặt chẽ, đấu tranh triệt để tội phạm ma túy. Đồng thời, đảm bảo về chính trị, ngoại giao góp phần bảo vệ phát triển kinh tế, xã hội.

ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm