Phát hiện bãi cọc gỗ cổ nghi cọc Bạch Đằng nơi ngã 3 sông

Ngày 19-2, UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định cho phép khai quật khảo cổ khẩn cấp địa điểm phát hiện 13 cọc gỗ tại khu vực Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên để hiện vật không bị hủy hoại.

Bãi cọc gỗ trong ao nhà dân

Địa điểm xác định khai quật khảo cổ khẩn cấp là khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến, nằm sát chân đê phía trong làng Phi Liệt (thôn 11, xã Lại Xuân). Trong lòng ao đã bơm nước trơ đáy bùn, 3 cây cọc gỗ đầu đã mục ruỗng đường kính ngót 20 cm nhô lên khỏi lớp bùn đất chừng 40-50 cm.

Ông Đến cho hay khi mua nhà về đây ở từ năm 2014, ông đã phát hiện dưới ao có mấy cây cọc gỗ này. Chủ nhà cũ có nói đã nhổ một số cọc dưới ao.

Đoàn khảo cổ khảo sát xác định ao nhà ông Đến có 13 cọc gỗ cổ nghi cọc Bạch Đằng.

“Mỗi lần thả lưới đánh cá, các cọc này rất vướng, tôi cũng muốn nhổ bỏ đi. Nhưng mọi người bảo đây là di tích nên tôi cứ để đó” - ông Đến kể.

Tháng 12-2019, khi đến đánh cá cho gia đình ông, người đánh cá biết chuyện về các cọc gỗ cổ xưa dưới ao nhà ông Đến đã thông tin cho người cháu làm khảo cổ. Ít ngày sau, có đoàn khảo cổ tìm tới nhà ông. Tuy nhiên, lúc này nước lớn nên đoàn không khảo sát được.

Đầu tháng 2 vừa qua, ông Đến bơm ao thu hoạch cá, nạo vét bùn cải tạo ao, thấy 3 đầu cọc nhô lên trên lớp bùn đất đáy ao. Ngày 12-2, đoàn chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học đã tới nhà ông tiến hành khảo sát khu vực đáy ao. Qua gần một ngày khảo sát, đoàn xác định đáy ao nhà ông Đến có 13 cây cọc gỗ, trong đó có một số cây đã bị chặt bằng đầu, một số nằm trong kè bờ ao.

2 cây cọc gỗ nổi trên bùn đất đáy ao nhà ông Đến.

Sau khi khảo sát, UBND huyện Thủy Nguyên nhận định các cọc gỗ phát hiện tại ao nhà ông Đến có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Ngày 13-2, huyện đã có văn bản đề nghị cho khai quật khẩn cấp, bởi những di tích cọc gỗ này nếu không kịp thời khai quật sẽ bị hủy hoại. Viện Khảo cổ học cũng có văn bản đề nghị TP Hải Phòng cho khai quật khẩn cấp.

Ngày 19-2, UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng TP và huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp 400 m2 khu vực ao nhà ông Đến. Thời gian khai quật từ ngày 18-2 đến hết 31-3.

Bãi cọc lớn khu vực ngã 3 sông

Khu vực bãi cọc nghi cọc Bạch Đằng nằm ngay bãi bồi khu vực ngã 3 sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Theo người dân làng Phi Liệt, khu vực này là bãi sông, từ nhiều năm trước người dân khu vực đã phát hiện ra các bãi cọc gỗ này nhưng không báo cho chính quyền.

Ông Hoàng Văn Hiệp (59 tuổi, trú thôn 11 Phi Liệt) cho biết từ ngày nhỏ ông đã thấy khu vực này có rất nhiều cọc gỗ. “Bãi cọc mênh mông trải rộng ra toàn bộ bãi sông này, chỉ cần đào đất lên một chút đã thấy đầu cọc” - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, khoảng năm 2000, nhiều hộ dân đào đất làm đầm nuôi thủy sản đã thấy rất nhiều cọc gỗ. Nhiều diện tích bãi sông có cọc đã biến thành đầm nuôi trồng thủy sản, nhà dân, rất nhiều cọc gỗ đã được nhổ lên.

Khu vực phát hiện bãi cọc nằm ngay ngã 3 sông.

Bản thân ông Hiệp trước đây đã từng đào giúp hộ hàng xóm được 1 cây cọc gỗ có đường kính tới 50 cm. Chủ nhà sau đó xẻ cọc này để đóng đồ dùng gia đình.

Cách nhà ông Hiệp một quãng, trong vườn một hộ dân mới xây nhà cũng có một cây cọc gỗ lớn đường kính khoảng 50 cm. Ông Hiệp cho biết ngay dưới khu vườn nhà ông cũng có rất nhiều cọc, trước đây gia đình ông cải tạo vườn đổ bùn đất lên trên nên giờ không nhìn thấy. Theo ông Hiệp, chỉ cần đào vườn của các hộ gia đình khu vực này sẽ lộ ra bãi cọc gỗ ở dưới đất.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết trước mắt huyện và cơ quan chức năng đề nghị khai quật khẩn cấp khu vực ao nhà ông Đến. Sau khi khai quật khảo cổ tiến hành xét nghiệm xác định niên đại cọc gỗ, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp bảo tồn theo quy định.

Theo ông Hoàng, UBND huyện Thủy Nguyên cũng đã nắm bắt được thông tin bãi cọc gỗ tại khu vực thôn 11 có thể sẽ trải rộng ra với diện tích lớn gấp nhiều lần khu vực phát hiện tại ao nhà ông Đến. “Sau khi khai quật, nếu các nhà khảo cổ xác định là cọc Bạch Đằng, TP sẽ tiến hành mở rộng khu vực nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch để bảo tồn di tích lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng này” - ông Hoàng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm