Phát lộ yoni cả ngàn năm tuổi ở Quảng Ngãi

Mấy hôm nay, làng Điền Trang (thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) xôn xao vì trong lúc tôn tạo đình làng, người dân phát hiện yoni của người Chăm.

Điều thú vị là yoni này sơ bộ được các nhà nghiên cứu đánh giá có niên đại vào thế kỷ 11, xa xưa nhất so với các yoni được tìm thấy trên đất Quảng.

Suýt chút nữa thì bỏ quên linh vật

Làng Điền Trang, xã Nghĩa Trung nằm chếch phía tây nam huyện lỵ Tư Nghĩa, cách phủ Tư Nghĩa xưa chừng hơn 1 km.

Đình làng Điền Trang (trái) và dinh thờ Xích Y hầu được tu sửa. Ảnh: VÕ QUÝ 

Lâu rồi bên cạnh đình làng Điền Trang có dinh thờ ông Xích Y, một bộ tướng của Trấn Quận công Bùi Tá Hán. Ngày xưa đình và dinh đều làm theo kiểu nhà rường mái lợp ngói âm dương. Nhưng rồi bởi chiến tranh mà tất cả đều hư hỏng. Dân làng bèn góp tiền xây lại đình và dinh bằng táp lô và tấm lợp bằng fibro xi măng. Theo thời gian, tất cả đều xuống cấp nên tâm nguyện của người làng là khi cuộc sống khá hơn sẽ cùng nhau góp tiền xây dựng lại dinh và đình.

Mãi đến mùa hè năm nay, ban tế tự đình làng Điền Trang mới xin phép chính quyền vận động con em trong làng đi làm ăn xa cộng với tiền đóng góp của dân làng gần 1 tỉ đồng để xây dựng.

Ngày khởi công, bà con đến dự rất đông. Ai cũng bảo đây là việc làm có ý nghĩa. Sau đó, mặc dù đã thuê nhà thầu nhưng người làng cũng thu xếp việc nhà để đến làng góp thêm công sức cho công trình mau hoàn thành và cũng giảm bớt chi phí xây dựng. 

Xây công trình mới nên phải đập bỏ tường vách cũ, chuyển gia hạ xuống cồn Đào nằm chếch về hướng đông của đình khoảng 300 m đổ làm đường giao thông nông thôn.

Ông Xa Đồng Dũng, người phát hiện yoni ở làng Điền Trang. Trong ảnh (từ phải qua) ông Xa Đồng Dũng, ông Bùi Tá Hựu, ông Bùi Hữu Nhàng và ông Lê Vinh Quang. Ảnh: VÕ QUÝ

Khi tu sửa đình làng, dinh thờ ông Xích Y, sân được san ủi đào bới để lát gạch nên phải thuê cơ giới.

Ông Xa Đồng Dũng, người thường xuyên góp công sức khi tu sửa, kể: “Suýt chút nữa thì bỏ quên hiện vật cổ”.

Ông Dũng kể: Ngày 16-10, ông đến đình để tham gia phụ công xây dựng. Chẳng hiểu thế nào, khi xe chở gia hạ xuống đổ dưới cồn Đào ông lại xin theo.

Đến nơi, xe trút gia hạ xuống đất thì ông thấy một khối đá hình vuông vức, chính giữa lại có cái lỗ tròn. Nghi ngờ là vật cổ nên ông Dũng bảo tài xế cùng mình khuân vật ấy lên xe chở về lại đình làng.

Đến nơi, ông Dũng kể sự việc với anh Lê Vinh Quang, người trong làng phụ trách theo dõi thi công đình. Anh Quang cũng cho là vật lạ nên chẳng mấy chốc bà con trong làng đến xem khá đông và bàn tán xôn xao.

Có người thấy vật quen quen nên lên mạng xem thì thấy giống yoni của người Chăm. Nhưng để chắc ăn, những người già trong làng bảo tìm cán bộ chuyên trách Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi thẩm định sẽ rõ. Từ đó, người làng vui mừng khi biết chắc chắn là yoni của người Chăm được phát hiện. Yoni bằng đá nguyên khối có chiều dài 53 cm, ngang 43 cm và dày 13 cm.

Sau khi phát hiện yoni, người làng tiến hành tìm kiếm quanh khu vực dinh và xuống khu vực cồn Đào tìm thêm hiện vật cổ. Họ lại chuyển về sáu trụ cột bằng đá vôi cùng những phiến đá đen hình vuông mang về để trong khuôn viên đình làng.

Cận cảnh yoni vừa được phát hiện. Ảnh: VÕ QUÝ

Nhiều di chỉ của người Chăm

Làng Điền Trang, xã Nghĩa Trung nằm cách phủ Tư Nghĩa xưa chừng vài cây số. Trong làng chủ yếu là người họ Nguyễn, Bùi. Chỉ ở những làng lân cận mới có họ Chế gốc người Chăm.

Có thể còn có linga bị vùi lấp trong cùng khu vực?

Có người khi được nghe yoni thường đi kèm với linga (bộ sinh thực khí theo quan niệm của người Chăm) nên cho rằng việc phát hiện được yoni thì đã quá muộn, sân đình đã làm xong chứ ngay khi mới phát hiện, nếu thuê máy đào rộng thêm sân đình, biết đâu có thể phát hiện được linga?  

Cụ Bùi Thân, 87 tuổi ở làng, cho hay theo ông bà ngày xưa truyền lại thì đất làng Điền Trang ngày nay xưa thuộc làng La Châu với khoảng 400 mẫu (khoảng 200 ha). Thế kỷ 15, dưới triều vua Lê Trung Hưng, làng La Châu chia tách 100 mẫu để lập làng mới Điền Trang.

Thời đó, Trấn Quận công Bùi Tá Hán, người gốc Hoan Châu, Nghệ An, được vua Lê cử trấn nhiệm vùng thừa tuyên Quảng Nam (mà theo địa chí Quảng Ngãi tương đương với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP Đà Nẵng ngày nay), đã cử bộ tướng của mình là Huy Hạ Xích Y (vị tướng được sắc tặng là Trung đẳng thần) về làng trực tiếp định chuyện phân chia, lập làng mới nên dân làng Điền Trang nhớ ơn ông lập dinh để thờ bên cạnh đình làng Điền Trang.

Chính vì thế, nơi đây vừa có đình vừa có dinh và yoni phát hiện ở khoảng sân trước dinh thờ ông Xích Y.

Cách đình làng 300 m về hướng đông nam có cồn Đào và khu Vườn Miễu còn nhiều dấu tích của người Chăm.

Trước đây, khi dân làng đào ao, vét mương canh tác hay bắt gặp những hũ sành, chum vại có hình dáng giống vật dụng của người Chăm. Những năm 1980, có người từ xa đến đào bới tìm hiện vật...

Linh vật cả ngàn năm tuổi

Trong ngày 19-10, theo đoàn công tác của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi về làng Điền Trang để tìm hiểu về yoni mới phát hiện, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, phân tích: Ở Quảng Ngãi có nhiều di tích Chăm như tháp Chánh Lộ, thành Châu Sa. 

Nhiều hiện vật là những trụ cột bằng đá vôi, đá dạng hình vuông được dân làng Điền Trang bảo tồn sau khi phát hiện yoni. Ảnh: VÕ QUÝ

Tháng 5-2017, trong khi khai quật tháp Chăm Núi Bút ở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện bộ linga và yoni khá lớn.

Trong đó, yoni có chiều dài 168 cm, rộng 124,4 cm và dày 25,5 cm.

Yoni phát hiện lần này có kích thước nhỏ hơn nhưng niên đại sớm hơn, vào khoảng thế kỷ 11. Việc phát hiện yoni lần này thêm phần xác định ở vùng Điền Trang xưa là vùng có cư dân người Chăm sinh sống từ lâu đời.

Bảo tồn tại chỗ để bà con hiểu hơn về vùng đất

TS Đoàn Ngọc Khôi cho hay theo quan điểm nghiên cứu di sản thì từ việc phát hiện vật cổ, ngành sẽ tiến hành lập hồ sơ nghiên cứu, riêng hiện vật thì trước mắt là tiến hành bảo tồn tại chỗ trên cơ sở quan tâm, bảo vệ của cộng đồng dân cư, giúp bà con hiểu hơn về vùng đất của mình đang sinh sống, đồng thời thu hút khách tham quan xa gần. Hiện vật được lưu giữ trong đền thờ ông Xích Y.

“Dân làng cũng đang chờ ngành bảo tồn của bảo tàng hướng dẫn cách thức để bảo tồn yoni cùng các hiện vật mới phát hiện và khi dịch COVID-19 lắng xuống, con cháu của làng từ trong Nam, ngoài Bắc trở về sẽ tổ chức khánh thành đình làng. Khi ấy, có những hiện vật này con cháu trong làng sẽ hiểu hơn về vùng đất mà mình sinh sống” - cụ Bùi Tá Hựu, một người dân sống trong làng Điền Trang, nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.