Phê bình trước dân nếu để xảy ra mại dâm

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ chọn địa phương thí điểm mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Chương trình cũng sẽ xây dựng thí điểm thêm hai mô hình khác là cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm; tăng cường hỗ trợ cho các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận giảm tác hại…

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, về vấn đề này.

. Phóng viên: Một trong những giải pháp để thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 là nghiên cứu, xây dựng dự án luật về phòng ngừa mại dâm. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Thanh Khiết: Hiện nay Quốc hội và Chính phủ chưa ban hành các quy định cụ thể đối với người bán dâm bằng các điều luật, văn bản dưới luật nên chưa có cơ sở hành lang về pháp lý để hỗ trợ họ một cách thiết thực và hiệu quả.

Tình nguyện viên Trung tâm Ánh Dương (Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM) truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các nữ mại dâm tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ. Ảnh: TL

Việc xây dựng luật và ba mô hình thử nghiệm mà chương trình đề ra nhằm mục đích hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho người bán dâm sớm tái hòa nhập cộng đồng xã hội mang tính nhân văn hết sức sâu sắc. Cần có sự đổi mới về mặt nhận thức và quan điểm về vấn đề mại dâm.

. Công việc này được đánh giá như “bắt cóc bỏ dĩa”, sắp tới TP sẽ có những giải pháp quyết liệt gì để hạn chế tác hại của mại dâm?

+ Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào đối tượng dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như nữ lao động nhập cư không có việc làm ổn định, học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình thí điểm giúp đỡ tại cộng đồng đối với người bán dâm như: Cung cấp các dịch vụ về tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, can thiệp dự phòng lây truyền HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hỗ trợ vay vốn, học nghề và giới thiệu việc làm để giúp đỡ người bán dâm thay đổi công việc và ổn định cuộc sống…

. Thời gian qua, có nhiều cơ sở kinh doanh liên tục để xảy ra tệ nạn mại dâm, TP sẽ có biện pháp gì để ngăn chặn?

+ Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm không theo quy hoạch, không tổ chức thẩm định và lấy ý kiến của chính quyền địa phương. Từ đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ bị xử lý dễ dàng sang tên đổi chủ nhằm né tránh việc đóng phạt và hình thức xử lý tăng nặng khi tái phạm.

Vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra tổ dân phố, khu phố kiểm điểm, phê bình đối với chủ cơ sở kinh doanh để xảy ra tệ nạn mại dâm. Chúng tôi xem đây là biện pháp răn đe, giáo dục, làm cơ sở cho việc xử lý tăng nặng nếu tái phạm. Với những chủ cơ sở liên tục vi phạm, chúng tôi tăng cường kiểm tra sau khi cấp phép kinh doanh để tránh tình trạng cấp giấy phép mới.

. Nếu TP được chọn thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ người bán dâm, ông sẽ làm gì?

+ Nếu được Chính phủ chấp thuận cho phép, có chủ trương chính thức của lãnh đạo TP chúng tôi sẽ giao cho Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nghiên cứu tham mưu Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để quyết liệt thực hiện.

. Xin cám ơn ông.

Theo quy định hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, người bán dâm là nhóm người dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế xã hội)… Do vậy cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm, giảm tác hại của mại dâm đối với cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm…

(Trích Chương trình phòng, chống mại dâm
giai đoạn 2016-2020)

11.240 là số người bán dâm có hồ sơ quản lý tính đến nay theo báo cáo của 63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm