Quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Sai nhiều, trảm ít

Mấy ngày qua, người nhà của 12 lao động tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã tập trung tại trụ sở cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ Lao động – thương binh và xã hội) yêu cầu cơ quan này chỉ đạo công ty Vinahandcop đưa con em họ về nước. Bởi, số lao động này đang vất vưởng tại Nga, không việc làm, không chốn nương thân nhưng công ty đưa họ sang lại kiên quyết chối bỏ trách nhiệm.

Trước đó, 36 lao động của công ty Vinahandcop từ Nga phải về nước trước hạn cũng đã kéo nhau đến trụ sở cục này để gây sức ép yêu cầu công ty phải thanh lý hợp đồng. Mới đây, người nhà 14 lao động tại Nga của công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực và dịch vụ dầu khí (Petromanning) cũng đã gửi kiến nghị tới cục Quản lý lao động ngoài nước về việc con em họ gần một năm không nhận được lương nhưng vẫn phải ký tên vào bảng lương.

Rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, nhất là thời điểm cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Khi số lượng lao động phải về nước trước hạn ngày càng nhiều đã bộc lộ rất nhiều các vấn đề trong quản lý doanh nghiệp. Có nhiều vụ sau khi phát sinh tranh chấp, cơ quan quản lý mới biết và nhận ra doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài mà không đăng ký.

Danh sách phạt cảnh cáo 72 doanh nghiệp (gần 50% số doanh nghiệp được cấp phép) vi phạm chế độ báo cáo cho thấy việc thực hiện các quy định thực sự chưa được nghiêm túc. Hiện tại, Vinahandcop đang bị cục Quản lý lao động ngoài nước tạm đình chỉ giấy phép sáu tháng (bắt đầu từ tháng 7) để giải quyết các hậu quả. Trước khi đình chỉ giấy phép, cục này đã làm việc với cơ quan chủ quản của Vinahandcop là liên minh hợp tác xã nhằm yêu cầu cơ quan chủ quản giám sát chặt hơn hoạt động của doanh nghiệp dưới quyền.

Tạm đình chỉ, thậm chí có thể rút giấy phép luôn là “cây gậy” được cục Quản lý lao động ngoài nước đưa ra để “nắn gân” doanh nghiệp. Nhưng việc đình chỉ giấy phép rất ít và rút giấy phép lại càng hiếm.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện tại quy định về xử lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã rất cụ thể. Sau 12 tháng được cấp phép nếu doanh nghiệp không đưa được lao động ra nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép. Những doanh nghiệp làm không đúng quy định cũng sẽ bị xử phạt. Việc tạm dừng giấy phép là hình thức xử phạt bổ sung khi doanh nghiệp phải xử lý hậu quả gây ra cho người lao động. “Nếu doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả, chúng tôi sẽ đề nghị rút một tỉ đồng tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi cho người lao động”, ông Quỳnh khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp xuất khẩu lao động (VAMAS), quy mô của các doanh nghiệp vẫn quá nhỏ bé. Trong tổng số gần 160 doanh nghiệp được cấp phép mới có 50 doanh nghiệp đưa được từ 300 lao động trở lên ra nước ngoài làm việc. “Năm 2008 có tới 1/3 số doanh nghiệp được cấp phép khi mà mỗi doanh nghiệp này đưa được không đến 100 lao động ra nước ngoài làm việc”, ông Trào cho biết.

Ông Trào cho rằng, bộ Lao động – thương binh và xã hội nên cấp phép cho doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp phép theo luật đưa lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng cùng với cấp phép, phải có biện pháp sàng lọc bớt doanh nghiệp quá yếu kém.

Theo Lê Phượng  ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm