Ra mắt sách viết về người đầu tàu của BV Từ Dũ

'Tấm lòng của cô Hai Chung như sen giữa đời thường'. Đó là nhận xét của bà Trương Xuân Liễu - nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong lời giới thiệu của cuốn sách Tấm lòng rộng mở - chuyện về BS - anh hùng lao động - thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung do nhà văn Trầm Hương chủ biên; được nhiều người nhắc đi nhắc lại trong buổi giao lưu và ra mắt sách “Tấm lòng rộng mở” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, sáng 4-3.

Cuốn sách có năm phần, là cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của cô Hai Chung từ trong chiến tranh đến thời bình, gồm: Quê hương và kháng chiến, Những ngày hòa bình, Bác sĩ Tạ Thị Chung và đồng nghiệp, Bác sĩ Tạ Thị Chung và gia đình, Bác sĩ- Anh hùng lao động - Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung - Lan tỏa yêu thương.

Qua đó cho thấy một cô Hai Chung hết mình với y học, là người đầu tàu của BV Từ Dũ, của làng Hòa Bình; là bà nội nhân từ của những đứa cháu không may bị chất độc da cam...

Ra mắt sách viết về người đầu tàu của BV Từ Dũ ảnh 1
Cô Hai Chung (bìa trái) và nhà văn Trầm Hương (bìa phải) cùng nhau tạo nên tác phẩm. Ảnh: LÊ THOA

Ra mắt sách viết về người đầu tàu của BV Từ Dũ ảnh 2
Sách "Tấm lòng rộng mở" là công sức của rất nhiều tác giả. Ảnh: LÊ THOA

Tại buổi lễ ra mắt sách, tác giả Tạ Thị Chung giản dị nói: “Tôi rất ngại viết về chuyện của mình... Hôm nay có nhiều anh chị em trong cơ quan, địa phương, các em, các cháu và những người làm nên trong cuốn sách này, tôi rất vui và xin cảm ơn,... đặc biệt cảm ơn chị Trầm Hương phải đi tìm thêm tư liệu rất cực khổ”.

Người chủ biên cuốn sách, nhà văn Trầm Hương cho biết chị rất áp lực khi nhận lời làm sách về cô Hai Chung. “Cô Hai Chung rất khiêm nhường khi nói về mình, kể cả khi người ta khen cô thì cô bảo đừng viết vậy kỳ lắm”.

Thấy tấm lòng của cô Hai Chung, nhiều người gần xa đã đến dự buổi ra mắt sách này. Trong đó có cô Nguyễn Tuyết Sương (quê Bến Tre) đã lặn lội từ mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của cô Hai Chung lên TP.HCM dự buổi lễ ra mắt sách của một người bác sĩ - thầy thuốc mà cô Sương đã ngưỡng mộ từ khi còn bé.

Cô xúc động: “Tôi cũng quê ở Bến Tre, rất may mắn đã biết cô Hai và gia đình cô Hai từ rất nhiều năm trước khi là bạn học với các con của cô, thỉnh thoảng được gặp nói chuyện với cô nên cũng hiểu cô Hai là người phụ nữ như thế nào. Hôm nay, cầm trên tay cuốn sách viết về cô, thực sự đúng như những gì tôi đã biết. Cô Hai quả thực là một người giàu lòng nhân ái, sống thủy chung, đức hạnh, biết chăm lo cho rất cả mọi người,.. ”.

Ra mắt sách viết về người đầu tàu của BV Từ Dũ ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tặng hoa chúc mừng cho cô Hai Chung. Ảnh: LÊ THOA

Theo cô Sương, tuy đã biết nhiều về cô Hai Chung nhưng còn rất nhiều câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của cô Hai mà bây giờ nhờ cuốn sách này cô Sương mới được biết, càng làm cô thêm ngưỡng mộ người bác sĩ - anh hùng lao động - thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung.

Đây được xem như món quà tinh thần nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) và ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3).

Cô Hai Chung (tức Tạ Thị Chung), tên thật là Tạ Thị Tám, sinh ngày 10-12-1031 tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Từ năm 1946, cô tham gia cách mạng, làm nữ hộ sinh, y tá, bác sĩ trong chiến khu. Sau năm 1975, cô công tác tại BV Phụ sản Từ Dũ, giữ chức phó giám đốc BV. Từ năm 1998 đến nay là phó giám đốc làng Hòa Bình, BV Từ Dũ. 

Cô Hai Chung được Nhà nước phong tặng anh hiệu "Anh hùng lao động", "Thầy thuốc nhân dân", nhận huy hiệu 65 tuổi Đảng và nhiều huân chương khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm