Ra ngõ sợ điện giật, lọt hố, cây đè

“Giờ hễ ra đường là tôi lại sợ, không biết mình sẽ chết khi nào. Ngoài tai nạn giao thông, tôi rất sợ lỡ dây điện rớt bất tử giật trúng mình, hay mắt mũi kèm nhèm lọt trúng cái hố được đào để thi công mà không lấp lại”. Một bạn đọc đã thốt lên như thế khi đọc bài báo vụ em Cồ Quốc Duy (học sinh lớp 8, ngụ phường 9, quận 5, TP.HCM) chết vì bị điện giật khi đang đi đường.

Cái chết bất ngờ

Tối 31-8, em Duy xin gia đình cho sang nhà bạn mượn sách học. Lúc này đường Trần Hưng Đạo ngập hơn nửa mét nước. Duy chạy xe đạp lên lề đường để không bị ngập. Khi đến gần ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Biểu, Duy đã bị điện giật té nằm đè lên xe đạp, dính vào trụ đèn chiếu sáng.

Ngay sau đó, xe cứu thương cùng nhân viên của một số cơ quan chức năng có mặt ở hiện trường nhưng nguồn điện trong khu vực chưa được cắt nên không ai có thể vào cứu nạn. Sau khi nguồn điện được cắt, Duy được đưa đi cấp cứu nhưng em không qua khỏi.

Hiện gia đình Duy đã gửi đơn đến cơ quan điều tra Công an quận 5 và VKSND quận 5 yêu cầu khởi tố vụ án và khởi tố hình sự đối với ông Trần Trọng Huệ - Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM (thời điểm xảy ra vụ tai nạn).

Việc có khởi tố vụ việc hay không còn tùy thuộc vào kết quả của các cơ quan tố tụng. Điều quan tâm ở đây là những diễn biến xung quanh vụ việc này. Theo người dân chứng kiến vụ việc, khi sự cố xảy ra, người dân đã hai lần gọi điện thoại báo cho Điện lực Chợ Lớn yêu cầu ngắt nguồn điện nhưng hơn 15 phút sau nguồn điện mới được ngắt.

Trước đó, sáng 13-4, trên đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, một vụ dây điện đứt, rơi trúng người đi đường đã khiến một cô gái bị điện giật chết tại chỗ. Nạn nhân là chị Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi, công nhân). Khi vụ tai nạn xảy ra, trời đã tạnh mưa và chỉ còn nước đọng dưới mặt đường.

Đầu năm nay, em Ngô Hoàng Võ (7 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7) cũng gặp nạn dẫn đến chết khi đang cùng người anh đi múa lửa dạo. Em Võ bị lọt xuống hố ga không nắp đậy trong công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (quận Phú Nhuận) khiến em bị chết ngạt. Khi mọi người phát hiện, xác em Võ đã nổi lên mặt nước trong hố ga.

Công an đang khám nghiệm hiện trường sau khi chị Truyền bị điện giật chết. Ảnh: VT
Công an đang khám nghiệm hiện trường sau khi chị Truyền bị điện giật chết. Ảnh: VT

Không chết cũng hoảng vía!

Đầu tháng 6, một cây gòn có đường kính gốc khoảng 1 m trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) bất ngờ ngã, đè đứt đường dây điện và đè luôn lên quán ăn bên đường, làm sập gần 70 m2 mái của quán ăn này. Ngoài ra, nó còn đè lên hai xe gắn máy của người đi đường nhưng may mắn là cả ba người đi trên hai xe kịp nhảy thoát nên chỉ bị trầy xước nhẹ. Theo người dân, trước khi cây gòn bật gốc, chỉ có một cơn gió nhẹ thoảng qua. Cùng ngày này, một cây xanh cao chừng 10 m bất ngờ ngã đổ trong mưa, đè lên ôtô đang dừng bên lề đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3).

Tối 3-8-2008, một chiếc xe hơi đã bị sập bẫy tại công trình đào đường ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Điện Biên Phủ. Chiếc xe hơi Honda Civic biển số 50Z-7274 do anh Nguyễn Tuấn Kiệt (đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8) đã bị sụp bánh trái xuống hố đào đường rộng, dài và sâu khoảng trên 1 m và mắc kẹt tại đó. Phải đợi xe cứu hộ tới cẩu thì xe mới được giải thoát. Công trình đào đường ở đoạn này có rào chắn bằng tôn nhưng phần hố lại nằm phía bên ngoài, cách rào chắn tới cả mét và không hề có biển báo.

Trách nhiệm “của ải, của ai”?

Sau cái chết của em Duy, trả lời một số báo, ông Trần Trọng Huệ cho biết vụ việc là một tai nạn đáng tiếc. Nguyên nhân là do nước ngập, nguồn điện ngâm trong nước bị rò rỉ. Xí nghiệp Chiếu sáng 2 (thuộc Công ty Chiếu sáng công cộng) chỉ quản lý trụ đèn.

Trong khi đó, ông Lâm Du Long, Giám đốc Điện lực Chợ Lớn, lại bảo: Trách nhiệm thuộc Công ty Chiếu sáng công cộng. Điện lực chỉ bán điện cho Công ty Chiếu sáng công cộng, còn mọi hoạt động duy tu, sửa chữa đều thuộc trách nhiệm của đơn vị này.

Ông Huệ lại lập luận: Phần điện trong trụ đèn giao thông do bên điện lực quản lý, còn điện trong trụ chiếu sáng công cộng do Công ty Chiếu sáng công cộng quản.

Khi dây điện trung thế bị đứt gây ra cái chết cho chị Truyền, một cán bộ Điện lực Tân Phú có mặt tại hiện trường cho rằng nguyên nhân chính là do... xe buýt chạy qua bắn nước lên nên chị Truyền mới bị điện giật. Còn ông Lê Đình Đoàn - Phó Giám đốc Điện lực Tân Phú khi trao đổi với báo chí lại bảo: Nguyên nhân có thể do trời mưa, sét đánh làm dây điện bị đứt và gây ra tai nạn đáng tiếc cho nạn nhân.

Còn vụ em Võ lọt hố ga, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau khi vụ việc xảy ra, ông Đặng Văn Nhơn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, cho rằng: “Ban quản lý giao mặt bằng cho nhà thầu thi công và hiện công trình chưa được nghiệm thu nên trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà thầu”.

Đơn vị tư vấn cho hay trong năm 2008 họ đã có ít nhất 23 văn bản gửi nhà thầu đề cập các hố sâu nguy hiểm. Thậm chí họ đã yêu cầu nhà thầu thực hiện ngay bảy biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối nhưng nhà thầu chưa thực hiện.

Tại, bị... đủ kiểu

Ra ngõ sợ điện giật, lọt hố, cây đè ảnh 21. Tại ông trời

Trong báo cáo chính thức gửi UBND TP.HCM, Công ty Điện lực TP cho rằng nguyên nhân khiến dây điện bị đứt, rơi xuống làm giật chết chị Truyền là do sét đánh lan truyền. Tuy nhiên, nhiều người dân chứng kiến cho rằng trước khi có tai nạn, họ đã thấy bình điện nổ và hoàn toàn không có sét đánh.

Ra ngõ sợ điện giật, lọt hố, cây đè ảnh 32. Tại nạn nhân

Vụ chiếc xe Civic sụp hố, Thanh tra Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng khu vực xe sập chưa được tái lập nhựa nóng, chưa thể lưu thông được. Vì thế, anh Kiệt chạy xe vào đó để bị mắc kẹt cũng có phần lỗi. Anh Kiệt không đồng tình, cho rằng nếu việc tái lập chưa hoàn tất, chưa đi được thì lẽ ra nó phải được rào chắn chứ không phải tháo ra để bẫy người đi đường.

Khi nói về vụ em Duy bị điện giật chết trong vũng nước, trả lời Báo Thanh Niên, ông Trần Trọng Huệ sau khi cho rằng đó là trường hợp đáng tiếc đã thòng thêm một câu: “Người dân phải tự cứu mình bằng việc tránh đến gần, hạn chế tiếp xúc các cột điện, trụ đèn chiếu sáng, nhất là trong điều kiện trời mưa, ngập nước”.

Ra ngõ sợ điện giật, lọt hố, cây đè ảnh 43. Tại ăn trộm

Sáng 2-1, tại cuộc họp khẩn về cái chết của em Ngô Hoàng Võ, đại diện nhà thầu cho rằng: Các rào chắn và nắp cống thường hay bị mất trộm. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ của nhà thầu cũng nói rằng hố ga này đã được làm xong gần hai năm và nhà thầu có lắp nắp hố ga tạm bằng bê-tông. Nhưng khi vụ việc xảy ra, nhà thầu mới biết nắp hố ga đã bị mất.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: chinhbui

Địa chỉ: memphis tn . 38133

Email: chinhbui50@...

Nội dung:

Những người thu mua phế liệu cũng góp phần làm cho tình trạng này xảy ra. Họ biết đó là đồ gian thuộc sở hữu của các công trình công cộng mà vẫn mua. Tiêu thụ đồ gian dễ dàng như vậy chỉ càng làm cho bọn trộm cắp lộng hành thêm thôi. Đề nghị chính quyền nếu phát hiện điểm thu mua phế liệu nào chứa vật liệu của công trình công cộng thì hãy xử phạt thật nặng.

VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm