‘Ranh giới’ nào cho mẹ chồng, nàng dâu

Một hòa giải viên ở quận 3, TP.HCM kể về một gia đình mà cô đã theo dõi, khuyên nhủ, giúp đỡ gần một năm qua để khỏi tan đàn xẻ nghé. Anh A. là cán bộ phường, sống hiền lành, được mọi người yêu quý. Đến 45 tuổi anh mới lập gia đình. Ai cũng mừng cho anh đã yên bề gia thất. Nhưng chỉ sau ba tháng kết hôn, vợ anh đã đòi ly hôn, còn mẹ anh ra hội phụ nữ phường “tố cáo” bị con dâu bạo hành.

Thích “hành” con dâu, con trai

Bà V., mẹ anh A., cho rằng con dâu của bà là người hư hỗn, bất hiếu. Trong một lần đi chợ, bà bắt cô quay trở vào nhà thay chiếc quần ngắn, cô không nghe theo. Bà đã khóa cổng lại và cất chìa khóa vào túi áo. Cô “con dâu ghê gớm” đã vật lộn với bà để lấy được chìa khóa mở cổng. Trong lúc vật lộn, cô đã làm bà té. Bà đã báo cho tổ dân phố và chi hội phụ nữ việc mình bị “bạo hành”, bà còn bắt con trai phải từ công sở chạy về để đưa bà đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Cô con dâu đi thẳng về nhà mẹ đẻ và nộp đơn xin ly hôn.

Hòa giải viên đã mời riêng vợ chồng anh A. đến gặp. Anh A. chỉ biết thở dài buồn bã. Vợ anh khóc ròng cho biết kể từ ngày về nhà chồng, ngày nào cô cũng bị mẹ chồng săm soi, chê trách đến mức cô bị trầm cảm, ngày cô vật lộn với bà là đã “tức nước vỡ bờ”. Cô nấu ăn kiểu gì cũng bị chê bai dù bà vẫn ăn ngon lành. Nhưng khi chồng cô về tới nhà là bà méc: “Nó nấu tao không ăn được, tao bị bỏ đói cả ngày”. Mỗi khi cô đi khỏi nhà thì bà nói cô “đi theo trai”. Bị xúc phạm nhiều lần, cô đã đề nghị chồng chuyển ra ở riêng nhưng anh không đành lòng.

Anh A. cho biết mẹ anh rất trái tính, tính cách đó có lẽ được hình thành từ những năm tháng khổ cực đơn thân nuôi con khi cha anh bỏ đi theo người phụ nữ khác. Chính vì vậy mà anh không dám kết hôn cho đến khi gặp vợ anh bây giờ. Anh đã mướn người làm để chăm sóc mẹ, tính xa cho việc chuyển ra ở riêng nhưng không người giúp việc nào trụ được quá hai tuần.

Vì vợ chồng còn rất thương nhau nên anh A. và vợ đã cùng ngồi lại tìm giải pháp. Anh hứa sẽ đưa đón vợ đi làm mỗi ngày, cả hai sẽ cùng đi và cùng về, chia sẻ thời gian cùng nhau, làm mọi chuyện cùng nhau. Cả hai cũng sẽ quan tâm tới mẹ một cách khéo léo, miễn chấp những cơn trái tính, trái nết của bà.

Nghĩ điều tiêu cực, nói lời tổn thương

Cô giáo LMT (quận 3, TP.HCM) cho biết cô cũng đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ vì bị trầm cảm khi chồng cô bị tai nạn, cha mẹ chồng đến ở cùng để giúp đỡ vợ chồng cô.

Cha mẹ chồng cô hay nhắc nhở đạo lý vợ chồng theo kiểu: “Nhà kia thằng chồng nó bị tai nạn mà con vợ nó bỏ đi theo trai. Trong hoạn nạn thế này, lòng người khó lường lắm, con ạ!”. Ông bà cũng nhiều lần hỏi về tiền bạc của vợ chồng LMT dành dụm được và muốn quản lý số tiền này. Ông bà lo xa có thể một lúc nào đó cô sẽ bỏ rơi chồng tai nạn ốm yếu, lúc đó chồng cô sẽ bị mất hết tiền. Chồng LMT bênh vợ, góp ý cha mẹ đừng nói những lời như thế thì ông bà nổi giận, cho rằng anh bất hiếu với cha mẹ, chỉ đội vợ lên đầu.

Tối nào ông bà cũng than thở vì con cháu mà phải chịu khổ, vì con cháu mà gánh nhiều bệnh tật. Chồng LMT kiên quyết nói sẽ tìm người giúp việc mới để ông bà về quê nghỉ ngơi, ông bà đã gọi hết cho con cháu thông báo: “Con trai với con dâu tôi nó âm mưu đuổi tôi về quê. Nhưng tôi vẫn phải cắn răng ở lại vì tương lai các cháu nội tôi”.

May mắn thay, sức khỏe của chồng LMT phục hồi rất nhanh sau một năm. Đúng lúc này thì LMT nhập viện vì bị suy nhược. Ông bà gọi điện thoại trách: “Đấy, khi tôi gánh vác thì không sao. Chị mới tự làm một tí đã lăn ra ốm”.

Thấu hiểu, quan tâm và vạch ra những ranh giới

Chúng ta cũng phải nhận thức được rằng cha mẹ không có khả năng tiếp thu thông tin, nhận thức về cuộc sống nhanh nhạy và dễ điều chỉnh như chúng ta. Người già dễ trở nên bảo thủ và tiêu cực là vì thế. Cũng đừng nghĩ rằng chúng ta có thể điều chỉnh được sự trái tính đó của cha mẹ.

Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh chính mình, tăng cường khả năng đối thoại với cha mẹ. Hãy nói chuyện với họ nhiều hơn, nghe họ nói nhiều hơn. Họ sợ mất đi tầm quan trọng trong cuộc sống con cái, sợ mất đi vai trò, mất đi ý nghĩa với con cháu nên hãy quan tâm họ nhiều hơn để họ yên tâm là họ luôn được yêu kính, không bao giờ bị bỏ rơi. Đồng thời hãy tạo điều kiện cho họ tham gia nhiều các hoạt động xã hội, giúp họ đi chơi, giao lưu nhiều hơn để họ có nhiều việc riêng để quan tâm, thay vì chỉ có mỗi một mối quan tâm là con cháu.

Chuyên gia tâm lý NGÔ MINH UY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm